Luật Báo chí không chỉ dành riêng cho người làm báo

Hoàng Minh 15/07/2016 07:18

Ngày 14/7, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016 và triển khai góp ý sửa đổi, bổ sung quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.

Luật Báo chí không chỉ dành riêng cho người làm báo

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân,
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Mạnh Hà).

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, cùng gần 500 đại biểu gồm các lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan báo chí ở 63 tỉnh, thành phố...

Nhà báo lạm quyền và cửa quyền ngày càng gia tăng

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết: Trong những năm qua, đại bộ phận nhà báo, người làm báo Việt Nam đã thực hiện tốt những nội dung cơ bản nhất, cốt lõi nhất các quy định của pháp luật nói chung, Luật Báo chí nói riêng. Những người làm báo Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng và các cấp chính quyền với nhân dân; đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch... thực sự góp phần dự báo, đón đầu các sự kiện và xu thế phát triển của xã hội.

Điều này được thể hiện rõ nét qua chất lượng nội dung thông tin báo chí hàng ngày, hàng giờ đăng tải trên các loại hình báo chí; báo chí phản ánh, bám sát toàn diện mọi mặt của cuộc sống và đáp ứng rất tốt, rất kịp thời mọi nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của xã hội. Bên cạnh đó, có thể nhận thấy những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp và cho thấy dấu hiệu của sự tha hóa trong một bộ phận nhà báo Việt Nam.

Đó là: hiện tượng nhà báo thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, thiếu khách quan, thổi phồng sự thật và bóp méo sự thật; hiện tượng thương mại hóa tờ báo bằng việc đưa tin bài, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu tính thẩm mỹ và phản giáo dục...; tình trạng nhà báo lạm quyền và cửa quyền ngày càng gia tăng; biểu hiện thiếu tính nhân văn trên báo chí; hiện tượng nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí, lợi dụng vị trí và công việc của mình để vụ lợi cá nhân, kiếm chác cho riêng mình là làm trái pháp luật.

Khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân

Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016 và triển khai góp ý sửa đổi, bổ sung quy định đạo đức người làm báo Việt Nam gồm 2 nội dung quan trọng. Thứ nhất là tổ chức cho người làm báo, hội viên học tập, quán triệt sâu sắc Luật Báo chí 2016, những điểm mới, điểm nhấn so với Luật Báo chí 1999. Thứ hai là triển khai, phát động các cơ quan báo chí, hội viên nhà báo, các cấp ngành và các tầng lớp nhân dân góp ý kiến tham gia sửa đổi, xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và luật pháp hiện hành.

Theo kế hoạch, thời gian tổ chức triển khai quán triệt Luật Báo chí 2016 và lấy ý kiến tham gia sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam diễn ra trong 5 tháng, bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 9/2016. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí, các địa phương để tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về việc thực hiện những nội dung đã được luật hóa đối với hoạt động báo chí, về thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Tại Hội nghị, ông Thuận Hữu cũng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu đậm bằng nhiều loại hình báo chí, bằng nhiều hình thức về Luật Báo chí 2016 cũng như Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động báo chí. Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016 và Chủ tịch nước công bố Luật ngày 29/4, có hiệu lực từ 1/1/2017.

Luật có 6 chương, 61 điều, trong đó có tới 32 điều mới và 29 điều sửa đổi. Điểm cốt yếu nhất của Luật Báo chí 2016 là khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, bảo đảm quyền tiếp nhận thông tin và quyền được thông tin của xã hội. Luật cũng quy định rõ, cụ thể những điều báo chí không được làm, việc liên kết để sản xuất các ấn phẩm báo chí; quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, việc cải chính trên báo chí đưa tin sai, đồng thời luật hóa các quy định bắt buộc về đạo đức người làm báo...

Cùng ngày, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm giải Báo chí Quốc gia. Theo đó, về kết quả chủ yếu qua 10 năm tổ chức giải về chất lượng các tác phẩm đánh giá chung các Hội đồng sơ khảo và chung khảo các tác phẩm dự giải và đoạt giải là những tác phẩm tiêu biểu xuất sắc của báo chí trong năm đó.

Nhiều tác phẩm có tiếng vang trong đời sống xã hội, nhất là các tác phẩm điều tra chống tiêu cực, tham nhũng có hiệu quả xã hội thiết thực, được các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lí. Một số địa phương có nhiều tác phẩm tốt và đoạt giải thưởng nhiều năm như Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, TP HCM, Vĩnh Long, Cần Thơ…

Một số Liên chi hội nhiều năm có tác phẩm chất lượng cao, nghiệp vụ thể hiện ngày càng chuyên nghiệp hơn, cập nhật một số phương pháp làm báo hiện đại. Các thể loại có nhiều tác phẩm đoạt giải cao như phóng sự, phóng sự điều tra, bài phản ánh… Bên cạnh đó còn một số thể loại chất lượng chưa cao như ảnh báo chí, xã luận, bình luận, chuyên luận, phỏng vấn…

Hoàng Minh