Vị trí của Quốc ca

Cẩm Thúy 15/07/2016 10:30

Hôm nay (15/7), tòa nhà Quốc hội sẽ chứng kiến một buổi lễ đặc biệt: Quốc hội tiếp nhận sự hiến tặng bản Tiến quân ca của gia đình nhạc sĩ Văn Cao. Đó là bản nhạc mà năm 1946, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn và Quốc hội đã thông qua chọn làm Quốc ca của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều này cũng đã được ghi đầy đủ trong Hiến pháp. Thật sự thì ngay từ lúc ra đời, âm nhạc đặc biệt của Tiến quân ca đã thuộc về Tổ quốc và nhân dân.

Vị trí của Quốc ca

Theo ý kiến gia đình, việc hiến tặng bản Tiến quân ca là làm theo đúng ý nguyện của nhạc sĩ, sinh thời Văn Cao đã từng nói ca khúc đó không còn thuộc về riêng tác giả mà thuộc về dân tộc, về Tổ quốc.

Trong khi trước đó, đã từng có những ý kiến khác nhau trong việc ứng xử với bản nhạc Tiến quân ca. Cụ thể là vấn đề bản quyền: Có phải trả tiền bản quyền khi sử dụng Quốc ca hay không? Có ý kiến cho rằng kể từ khi Quốc hội chọn Tiến quân ca làm Quốc ca, Nhà nước chưa trả tiền bản quyền cho nhạc sĩ là chưa thỏa đáng. Lại thậm chí có những lần Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam đã lên tiếng đòi thu phí bản quyền khi có các chương trình biểu diễn bản Tiến quân ca.

Từ nay, với nghĩa cử hiến tặng hoàn toàn bản quyền Tiến quân ca cho đất nước (Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân đứng ra nhận) của gia đình nhạc sĩ Văn Cao, Quốc ca đã hoàn toàn thuộc về và dành trọn cho Tổ quốc, như đúng với vị trí xứng đáng cần phải thế. Sự thống nhất trong gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng bản quyền tác phẩm cho đất nước là nghĩa cử đáng ghi nhận và trân trọng.

Hành động ấy càng nâng tầm giá trị của Tiến quân ca. Ở đây, chúng tôi không có ý cho rằng đã được chọn làm Quốc ca thì không cần phải trả tiền tác quyền.

Nhưng rõ ràng, Tiến quân ca không phải là một tác phẩm bình thường. Nó có giá trị đặc biệt và vinh hạnh đặc biệt. Không biết bao nhiêu tiền để tương xứng với vị trí của nó, không ai định giá được Quốc ca. Không có gì giá trị hơn vinh hạnh của một tác phẩm đã thuộc về đất nước. Điều mà nhiều tác phẩm mang lại rất nhiều tiền không có được.

Còn gì xúc động hơn mỗi sớm đầu tuần, hàng triệu học sinh trên khắp đất nước này xếp thành hình bản đồ Tổ quốc, bàn tay nắm chặt đặt lên ngực và hát vang bài Quốc ca trong buổi lễ chào cờ. Các em đã xếp lên một Tổ quốc hình chữ S có những dấu chấm đặc biệt ở Biển Đông.

“Nước non Việt Nam ta vững bền” – lời ca ấy truyền cho các em một thông điệp mạnh mẽ về lịch sử và chủ quyền đất nước, về trách nhiệm công dân và tình yêu Tổ quốc. Không có tiền bản quyền nào lớn hơn được thế. Văn Cao đã dâng tặng cho nhân dân một bản Quốc ca hào hùng và xúc động. Và ngược lại, Tiến quân ca và Văn Cao bất tử trong lòng nhân dân. Đó mới là chỗ đứng lớn lao nhất, xứng đáng nhất, hơn mọi thứ tiền bản quyền.

Sinh thời, nhạc sĩ đã sống một cuộc đời đạm bạc và không ít thiệt thòi. Bản thân Tiến quân ca cũng có những bước thăng trầm bi tráng. Nhưng di sản nhạc sĩ để lại cho người thân, là một tinh thần Văn Cao, tài năng và tầm vóc Văn Cao trong cuộc đời này. Ông đã đóng góp cho đất nước một tác phẩm có giá trị lớn, là hành trang yêu nước cho mọi thế hệ người Việt Nam.

Tiến quân ca – Quốc ca đã hòa cùng vào hồn thiêng sông núi, cùng với lá cờ đỏ sao vàng, trở thành “logo” để nhận diện Việt Nam. Tiến quân ca như nhà thơ Trần Đăng Khoa có lần nói “đã trở thành linh thiêng của cả một dân tộc và cả một thời đại”.

Đã có nhiều ghi nhận công lao, tài năng và cống hiến của Văn Cao bằng những danh hiệu cụ thể. Như được biết, trong buổi lễ tiếp nhận bản “Tiến quân ca” hôm nay, Nhà nước sẽ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao và vợ ông - bà Nghiêm Thúy Băng - sẽ được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ở Hà Nội đã có một con đường lớn mang tên Văn Cao.

Nhưng chúng tôi đồng tình với đề nghị của nhà sử học Dương Trung Quốc, rằng ở Hà Nội ngoài con đường nên có tượng Văn Cao. Tháng 9-2014, trong một cuộc hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc đã có ý kiến: “Nếu hỏi những nhân chứng lịch sử, những người đã sống trong không khí Cách mạng tháng Tám 1945, cũng như tất cả tài liệu mà các nhà làm sử nghiên cứu thấy thì có hai biểu tượng thôi thúc mọi người chính là lá cờ đỏ sao vàng và bài hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao.

Phải chăng chúng ta nên lấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng được cách điệu bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặt trên một không gian tương xứng trước cửa Nhà hát Lớn? Và bên cạnh không gian Nhà hát Lớn có một công viên nhỏ (Công viên Cổ Tân) nên có bức tượng bán thân của nhạc sĩ Văn Cao, tác giả của Quốc ca Việt Nam”.

Tiến quân ca không chỉ thôi thúc lòng người những ngày tháng 8/1945. Cho tới hôm nay, mỗi lần giai điệu hào hùng và xúc động của bài Quốc ca vang lên, mỗi người Việt Nam dù đang ở đâu cũng thấy Tổ quốc như đang ở ngay đây, rất gần.

Cẩm Thúy