Cả nước vẫn còn tồn tại gần 35 nghìn điểm giết mổ ‘không đảm bảo’
Tính đến đầu năm 2015, cả nước vẫn còn tồn tại gần 35 nghìn cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự phát, điều kiện cơ sở vật chất đều không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, thiết bị phục vụ giết mổ.
Quang cảnh Hội nghị.
Tại Hội nghị thực trạng việc lạm dụng hóa chất trong thức ăn chăn nuôi và thực phẩm, kiến nghị công tác quản lý nhà nước giải pháp cho thực phẩm an toàn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM tổ chức ngày 15/7, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, cả nước hiện có khoảng 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm.
Trong đó 85% có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất theo tính thời vụ và đa phần không đủ lực tài chính để đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khi kiểm tra tại hơn 11.000 cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, có đến hơn 2.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng, khi thanh tra kiểm tra 11.000 hộ nông dân, có đến 1/5 hộ vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Tại TP HCM, hiện các cơ quan chức năng của thành phố đã xây dựng mô hình thí điểm quản lý chuỗi thực phẩm an toàn từ năm 2013-2015, cấp 76 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “chuỗi thực phẩm an toàn” cho 46 cơ sở, gồm các chuỗi, rau, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm và thủy sản; tổng sản lượng đạt 37.969 tấn/ năm; rau, quả đạt trên 18.000 tấn/năm; thịt heo đạt 8.559 tấn/năm; thịt gà 9.307 tấn/năm; thủy sản 1.576 tấn/năm…
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng sử dụng các loại thuốc cấm, thuốc có độ độc cao, thuốc ngoài danh mục cho phép sử dụng phun trừ các loại sâu bệnh trên các loại nông sản, thuốc tăng trọng, thuốc tại nạc bị cấm trong chăn nuôi để nuôi gia súc, gia cầm, làm tăng hàm lượng các chất kháng sinh… dẫn đến hậu quả tai hại, ảnh hưởng về lâu dài cho sức khỏe con người và môi trường.
Mặc dù có 55/63 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt Đề án quy hoạch giết mổ gia súc gia cầm tập trung, nhưng thực tế công tác triển khai còn chậm. Tính đến đầu năm 2015, cả nước vẫn còn tồn tại gần 35 nghìn cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự phát, điều kiện cơ sở vật chất đều không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, thiết bị phục vụ giết mổ.
Trước thực trạng đáng báo động này, nhiều ý kiến cho rằng, cần ưu tiên bố trí nguồn lực tăng cường kiểm tra đột xuất, cơ sở sản xuất, chế biến, bày bán thực phẩm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xây dựng nguồn nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, nhanh chóng xây dựng Trung tâm phân phối hóa chất, nguyên liệu phụ gia tập trung, có chính sách quản lý và kiểm soát việc cấp phép kinh doanh có điều kiện các hoạt động liên quan đến hóa chất, nguyên liệu, phụ gia, hương liệu trên địa bàn TP HCM.
Tập trung xử lý dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Đồng thời, có biện pháp xử phạt nghiêm các trường hợp buôn bán, kinh doanh hóa chất thực thẩm, chất bảo quản, nguyên liệu, phụ gia tràn lan trên địa bàn TP HCM.