Cơ chế tài chính là cốt lõi trong phát triển bác sĩ gia đình

Theo VGP 15/07/2016 17:52

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng cơ chế về tài chính, sử dụng phù hợp nguồn lực hiện có của các trạm y tế cơ sở để thực hiện tốt hơn nữa chức năng bác sĩ gia đình.

Cơ chế tài chính là cốt lõi trong phát triển bác sĩ gia đình

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế rà soát tổng thể, cần tháo gỡ hết những quy định gây khó khăn cho hoạt động của bác sĩ cơ sở hiện nay.

Dự hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020, sáng 15/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phát triển y tế cơ sở phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân là chủ trương rất lớn của Đảng, Nhà nước.

Những tham luận trình bày tại hội nghị cho thấy mô hình bác sĩ gia đình đã chứng minh được hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ở nhiều nước trên thế giới nhưng khi triển khai tại Việt Nam thì chưa tạo ra được nhưng chuyển biến căn bản, đột phá ở y tế cơ sở.

Nêu câu hỏi bác sĩ gia đình có phải là mô hình mới, lạ ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, kể từ khi ngành y tế được thành lập thì các văn bản pháp luật đều nói rõ nhiệm vụ các trạm y tế cơ sở là chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn, bao gồm: Dự phòng, khám chữa bệnh ban đầu, tư vấn, giáo dục giới tính, kế hoạch hóa gia đình, thông tin tuyên truyền… Điều đó có nghĩa hơn 11.000 trạm y tế cơ sở ở Việt Nam hiện nay đang thực hiện chức năng của bác sĩ gia đình.

“Vấn đề đặt ra là cần làm gì để tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu của các trạm y tế cơ sở, y tế xã/phường theo đúng quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và nêu 3 điểm quan trọng nhất để y tế cơ sở thực hiện tốt vai trò bác sĩ gia đình, bao gồm cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, cơ chế tài chính.

Từ thực tế người dân ở các thành phố lớn hoặc các tỉnh đồng bằng rất thuận lợi khi tiếp cận các dịch vụ y tế nhưng ở nhiều tỉnh miền núi, có những nơi người dân đi cả ngày đường chưa tới được trạm y tế xã, Phó Thủ tướng cho rằng việc xây dựng các trạm y tế cơ sở phải đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương chứ không thể áp dụng máy móc quy định mỗi xã một trạm y tế, thậm chí một xã miền núi có thể có nhiều trạm y tế.

Lấy ví dụ nhiều trạm y tế xã, phường xây dựng khang trang, trang bị nhiều máy móc y tế nhưng không có người đến khám trong khi nhiều trạm y tế xã còn rất sơ sài, Phó Thủ tướng lưu ý trước đây chúng ta xây trạm y tế từ chỗ dễ đến chỗ khó nên bây giờ còn nhiều điểm rất khó chưa làm được, trường học cũng thế. Bây giờ tiền vốn ít thì làm chỗ khó trước, chỗ dễ sau và quan trọng có trạm rồi thì trang thiết bị phải thực sự đúng với nhu cầu của từng nơi.

Về nhân lực, Phó Thủ tướng so sánh nếu ở các nước, mô hình bác sĩ gia đình chỉ có một bác sĩ làm mọi việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe ban đầu thì trạm y tế cơ sở của Việt Nam có cả một đội ngũ y bác sĩ được phân công rõ ràng từ phòng bệnh đến khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe…

Trao đổi thêm với lãnh đạo Bộ Y tế, Phó Thủ tướng lưu ý, bác sĩ tại trạm y tế cơ sở hoặc tại các phòng khám bác sĩ gia đình chính là những bác sĩ đa khoa được tập huấn, cập nhật những kiến thức về y học gia đình chứ không phải là một ngành đào tạo mới.

Vì vậy, thay vì lo lắng về việc mới đào tạo được 1.200 bác sĩ theo hướng y học gia đình, Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề đặt ra hiện nay là phải có giải pháp thu hút bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế cơ sở, bởi tính riêng hơn 9.000 trạm y tế xã hiện nay mới chỉ có khoảng 7.000 trạm có bác sĩ.

Cơ chế tài chính là cốt lõi trong phát triển bác sĩ gia đình - 1

Quang cảnh hội nghị.

“Đây là một việc rất khó, liên quan chủ yếu đến cơ chế nhưng nếu chúng ta thống nhất được, tôi tin là lộ trình phát triển bác sĩ gia đình không cần nhiều năm mà chỉ làm trong vòng 1 năm. Quan trọng nhất là cơ chế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đi vào cụ thể, Phó Thủ tướng phân tích, tại mỗi xã ở Việt Nam hiện có dân số khoảng 7.000-10.000 người và nếu người dân đóng bảo hiểm y tế (BHYT) toàn bộ với mức trung bình khoảng 600.000 đồng/người thì sẽ có khoản kinh phí khoảng 5 tỷ đồng dành cho công tác chăm sóc sức khỏe. Ngành y tế cần tính toán để có cơ chế dành bao nhiêu phần trăm trong kinh phí BHYT dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế cơ sở.

Từ quy định phải khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, Phó Thủ tướng cho rằng ngành y tế cần phải tính toán chi phí một lần khám là bao nhiêu, mỗi bác sĩ tại trạm y tế khám được bao nhiêu người một tháng, một năm; tư vấn sức khỏe cho người dân ra sao để có cơ chế sử dụng kinh phí từ nguồn BHYT dành cho hoạt động này. Điều này đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của trạm y tế cơ sở ở khu vực nông thôn, miền núi.

Trên tư duy như vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế rà soát tổng thể, tháo gỡ hết những quy định gây khó khăn cho hoạt động của bác sĩ cơ sở hiện nay như không cho phép bác sĩ ở trạm y tế được mở phòng khám riêng, được khám dịch vụ, khám ngoài giờ.

“Nên chăng các xã ở vùng đồng bằng, những nơi có bác sĩ giỏi, chúng ta có thể cho phép bác sĩ khám dịch vụ, trước mắt là ngoài giờ hay thứ Bảy, Chủ nhật, ngay tại trạm xá giống như phòng khám tư”, Phó Thủ tướng gợi ý và cho rằng những cơ chế như vậy không chỉ giúp bác sĩ ở cơ sở tăng thêm thu nhập mà còn nâng cao được năng lực chuyên môn; khuyến khích, thu hút được người giỏi mà không làm tăng biên chế khi sử dụng kinh phí BHYT để chi trả cho cán bộ y tế.

“Điểm cốt lõi là cơ chế tài chính. Bộ Y tế phải khảo sát, làm thế nào để đưa ra cơ chế tài chính đủ hấp dẫn những bác sĩ giỏi về cơ sở mà không vỡ quỹ BHYT”, Phó Thủ tướng đề nghị và nhấn mạnh: “Sau hội nghị, ngành y tế cần tập trung xây dựng cơ chế xem lại lộ trình phát triển bác sĩ gia đình. Có cơ chế tốt thì không cần lộ trình như vậy, còn nếu cứ cơ chế như vừa rồi thì lộ trình đề ra cũng không thực hiện được”.

Theo VGP