Các nước phản ứng ra sao về vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ?
Nhà Trắng khẳng định quan điểm ủng hộ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối bạo lực và ưu tiên sự an toàn của công dân Mỹ.
Các binh sĩ tham gia đảo chính đầu hàng trên cầu Bosphorus tại Istanbul. (Ảnh cắt từ video: CNN).
Phản ứng về cuộc đảo chính xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Mỹ đã có những tuyên bố ban đầu.
Theo đó, trên trang Twitter chính thức, Nhà Trắng đã phát đi tuyên bố khẳng định sự ủng hộ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối bạo lực và ưu tiên sự an toàn của công dân Mỹ lên hàng đầu.
“Tối 15/7, Tổng thống (Obama-PV) đã trao đổi qua điện thoại với Ngoại trưởng John Kerry về tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống và Ngoại trưởng đều thống nhất rằng các bên tại Thổ Nhĩ Kỳ nên ủng hộ Chính phủ dân chủ được bầu ra, kiềm chế và tránh bạo lực hay đổ máu.
Ngài Ngoại trưởng nhấn mạnh Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đặt sự an toàn và an ninh của công dân Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ lên hàng đầu…”.
Quốc gia vùng vịnh Qatar cũng vừa bày tỏ quan điểm ủng hộ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, lên án cuộc đảo chính quân sự ở nước này.
Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập căn cứ quân sự ở Qatar vào tháng Tư vừa qua. Đây là một phần trong thỏa thuận quốc phòng giúp hai nước đối đầu với “kẻ thù chung”.
Mexico cũng nằm trong danh sách các quốc gia lên án cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố, đó là một hành động khiến hệ thống dân chủ của đất nước bị đình trệ.
Đại diện chính phủ Đức viết trên Twitter: "Trật tự của nền dân chủ cần được giữ vững, bằng mọi cách phải bảo vệ tính mạng con người".
Trong khi đó, các lực lượng vũ trang và cảnh sát tại Hy Lạp tổ chức họp khẩn cấp ở thủ đô Athens nhằm đánh giá tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhà chức trách nước này, lực lượng vũ trang được đặt trong tình trạng "sẵn sàng cao độ".
Anh và Nga cũng bày tỏ thái độ “quan ngại sâu sắc” trước những biến động ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Nga rất lo lắng, mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ sớm trở lại ổn định và trật tự. Còn Ngoại trưởng Anh Borish Johnson kêu gọi công dân nước này tránh xa những nơi nguy hiểm và đề cao cảnh giác.
Về phía Canada, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế. Canada ủng hộ việc giữ vững nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ, và lên án bất kỳ nỗ lực hòng lật đổ chế dân chủ bằng vũ lực”.
Không chỉ có đại diện quốc gia, nhiều tổ chức lớn trên thế giới cũng không đồng tình với chính biến bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay đang theo sát diễn biến tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ. “Tôi kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ bình tĩnh và kiềm chế, tôn trọng nền dân chủ và Hiến pháp. Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng đối với NATO."
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon lên án, can thiệp quân sự của bất kỳ nhà nước nào là không thể chấp nhận. Theo ông, cuộc đảo chính là hành động nhất thời, đồng thời kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ tránh xa bạo lực.
Dù Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thành viên của Liên Minh châu Âu, tổ chức này tuyên bố sẽ hỗ trợ cho chính phủ nước này.
“Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng của Liên minh châu Âu. EU ủng hộ cho chính phủ dân cử, các tổ chức trong nước và quy định pháp luật. Chúng tôi hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng thiết lập lại trật tự…”, theo tuyên bố từ EU.
Cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu vào khoảng 21h30 ngày 15/7 (giờ địa phương), khi tiếng súng nổ ra tại một số địa điểm ở thủ đô Ankara, trong khi lực lượng quân sự phong toả cầu Bosphorus ở Istanbul và bao vây một số địa điểm then chốt.
Vào khoảng 22h00 cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim thông báo về việc đảo chính đang xảy ra. Ông cho biết một nhóm trong quân đội nước này muốn lật đổ chính phủ, nhưng lực lượng an ninh sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết”.
Ít giờ sau đó, máy bay chở Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã hạ cánh xuống sân bay Atarturk của thành phố Istanbul.
Từ thành phố Istanbul, Tổng thống Erdogan tổ chức cuộc họp khẩn cấp và ra tuyên bố sẽ không giao đất nước cho những kẻ đảo chính và cho biết nội các Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hoạt động ở Ankara. Ông khẳng định sẽ ở lại với người dân Thổ Nhĩ Kỳ.