Nên áp lãi suất trần cho vay tiêu dùng
một số quốc gia áp mức trần lãi suất 48-50%/năm để đảm bảo mức lãi suất không vượt quá khả năng trả nợ của người tiêu dùng. Và theo kinh nghiệm của tôi, đây là mức tối đa mà các quốc gia áp dụng.
Nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng cao thì các công ty tài chính cũng ngày một nhiều. Tuy nhiên, mặt trái của sự đơn giản, nhanh gọn trong các thương vụ tín dụng tiêu dùng là những tổn hại rất lớn cho người tiêu dùng sau khi đã trót “sa chân” vào các hợp đồng vay tín dụng mà không biết thực lãi của các hợp đồng.
Bà Phạm Quế Anh- Chuyên gia của Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã đưa ra những lời khuyên cho người tiêu dùng trước khi đặt bút ký các hợp đồng tưởng rất bở ấy.
PV:Thời gian qua, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã nhận được không ít khiếu nại về lĩnh vực vay tiêu dùng. Bà có thể đánh giá về thực trạng vay tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay?
Bà Phạm Quế Anh: Tín dụng tiêu dùng là một thị trường mà tất cả các chuyên gia kinh tế cũng như các công ty tài chính đều đánh giá là lĩnh vực có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường mà nhận thức của phần lớn người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng chưa cao, trong khi khung pháp lý chưa hoàn thiện.
Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền người tiêu dùng lại quá mới, chỉ ra đời cách đây 5 năm (từ 2011) dẫn đến việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực này rất tràn lan và gây tổn hại rất lớn cho người tiêu dùng Việt Nam.
Con số của Cục Quản lý cạnh tranh là minh chứng rất rõ: 80% đơn khiếu kiện thuộc về lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
Quốc tế cũng đã có rất nhiều bài học về vay tín dụng tiêu dùng. Bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế có thể áp dụng tại Việt Nam?
- Việc đầu tiên mà các quốc gia trên thế giới làm là xây dựng một khung pháp lý đầy đủ. Ví dụ như ở Mỹ, quốc gia đầu tiên bị cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ cho vay tín dụng tiêu dùng dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã đưa ra một đạo luật gọi là Luật Bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính riêng để thêm vào Luật Bảo vệ người tiêu dùng của quốc gia này.
Hay một số khu vực khác như khu vực Liên minh châu Âu (EU) có một chỉ thị của Hội đồng châu Âu về bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động tín dụng. Nhiều quốc gia trên thế giới đều đã đưa ra Luật Bảo vệ người tiêu dùng riêng trong lĩnh vực tài chính tín dụng. Đây là một bước mà các nước quốc tế đều thực hiện và Việt Nam rất nên học tập.
Việt Nam chỉ mới có Luật Bảo vệ người tiêu dùng vài năm, vì vậy phải xây dựng thêm các quy định pháp lý khác để áp dụng một cách có hiệu quả hơn trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
Thứ hai, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dù ở trong lĩnh vực nào- không chỉ trong lĩnh vực tài chính, chỉ được coi là có hiệu quả khi có những cơ chế giải quyết khiếu nại hợp lý để có thể đảm bảo thu hồi lại được những thiệt hại của người tiêu dùng.
Đây là bước thứ hai mà chắc chắn trong thời gian tới Việt Nam phải tập trung, tức là xây dựng cơ chế để giúp cơ quan chức năng xử lý một cách hiệu quả những hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Bước thứ ba không kếm phần quan trọng là phải nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, bởi dù pháp luật có đầy đủ đến đâu, cơ chế giải quyết khiếu nại có rộng khắp, thì vẫn không thể bảo vệ được hoàn toàn quyền lợi người tiêu dùng nếu họ không biết tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra con số, có người tiêu dùng Việt Nam đã phải vay mức lãi suất lên đến 80%/năm, bà nhận định thế nào về mức lãi suất này, quốc tế có quốc gia nào để mức lãi suất như vậy không, thưa bà?
- Theo quan điểm cá nhân tôi, không một quốc gia nào “đạt” được mức lãi suất này. Hiện nay, đối với lĩnh vực vay tín dụng tiêu dùng, các quốc gia trên thế giới xử lý vấn đề này theo hai cách.
Cách thứ nhất họ cho phép thị trường tự do vận hành, nhà nước không can thiệp thị trường vì họ cho rằng, khi đã cạnh tranh, các công ty tài chính phải đưa ra mức lãi suất hợp lý nhất thì mới được người tiêu dùng lựa chọn.
Tuy nhiên, có một cách khác cho rằng, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng có đầy đủ thông tin về mức lãi suất có thể có trên thị trường cũng như những quy định của pháp luật trong vay tiêu dùng, như vậy họ có thể bị lợi dụng, bị bóc lột bởi các công ty tài chính. Và như vậy, nhiều quốc gia đã áp dụng cả hai cách.
Tức là họ vẫn cho phép cả bên vay và cho vay được tự do thỏa thuận lãi suất để đảm bảo thị trường vận hành tự do. Tuy nhiên họ cũng áp một mức trần lãi suất, ví dụ có một số quốc gia áp mức 48-50%/năm để đảm bảo mức lãi suất không vượt quá khả năng trả nợ của người tiêu dùng. Và theo kinh nghiệm của tôi, đây là mức tối đa mà các quốc gia áp dụng.
Còn ở Việt Nam thì sao thưa bà, dường như vấn đề này vẫn đang bị bỏ ngỏ, dẫn đến những thiệt hại lớn cho người tiêu dùng như chúng ta đã được chứng kiến trong thời gian gần đây. Theo bà, Việt Nam có nên áp trần lãi suất cho vay?
- Không phải Việt Nam chưa có luật về áp trần lãi suất cho vay rồi. Tôi khẳng định là chúng ta đã có quy định, có kỷ cương về lĩnh vực này, song tại sao vẫn có tình trạng người tiêu dùng phải chịu mức lãi cao bất hợp lý như vậy. Rõ ràng, có quy định là chưa đủ mà phải áp dụng quy định đó trong thực tế, thực thi pháp luật như thế nào mới là yếu tố quan trọng nhất.
Tôi nghĩ, chúng ta không cần phải tập trung quá nhiều trong việc đưa ra thêm các quy định, chính sách, luật lệ mà điều quan trọng nhất hiện tại là làm thế nào để thực thi được những quy định đã có rồi. Đó là quan điểm của tôi.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ trần lãi suất. Vậy theo bà, có nên để thị trường tự do?
- Các tổ chức tín dụng thì luôn cho rằng nên bỏ trần lãi suất, vì theo họ, khi thị trường vận hành tự do thì sẽ đưa đến việc người đi vay và bên vay sẽ được tự do thỏa thuận, và người đi vay sẽ tự được chọn mức lãi suất nào hợp lý với khả năng chi trả của mình hoặc mức thấp nhất trên thị trường.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ ở đây, việc nhà quản lý áp trần lãi suất không nhằm vào áp chế các công ty tài chính, mà mục đích chính để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi không phải trong trường hợp nào người đi vay cũng biết được rõ mức lãi suất hiện có trên thị trường cũng như nhận thức được hết quyền lợi của họ được đến đâu.
Ví dụ gần đây nhất, tôi có tham gia một hội thảo liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Campuchia. Tại đây, tôi có đặt câu hỏi với một số cán bộ ngành công thương của nước bạn, rằng họ có tài khoản ngân hàng không, họ đều nói là “có”, nhưng khi tôi hỏi mức lãi suất họ được hưởng là bao nhiêu, thì họ đều trả lời “không rõ”.
Điều này có nghĩa là, khi người tiêu dùng mở tài khoản ngân hàng không phải ai cũng có đủ kiến thức để có thể lựa chọn sản phẩm tốt nhất cho mình. Chưa kể đôi khi họ có đủ kiến thức nhưng vẫn ở thế yếu hơn và không thể thỏa thuận một cách ngang bằng với bên cho vay được.
Vì vậy, theo quan điểm của tôi, việc áp trần lãi suất thế nào cho hợp lý để đảm bảo được quyền lợi cho cả bên vay và cho vay là việc rất nên làm, tránh đổ vỡ cho thị trường tài chính.
Trân trọng cảm ơn bà!