Ngày này ở Móng Cái
Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) được nhiều người gọi là “thiên đường mua sắm vùng biên”. Kể từ năm 1996 đến nay, thành phố thương mại trẻ này trở nên sầm uất với những thương hiệu xe hơi hàng đầu, nhiều tòa nhà cao chót vót tọa lạc tại khu trung tâm. Đường phố sạch sẽ và rộng thênh thang. Nhiều tụ điểm vui chơi giải trí tấp nập… và loại hình du lịch kết hợp thương mại khá độc đáo.
Cầu Ka Long.
Theo lẽ thường thì một thành phố nằm bên sông thường cho người ta cái cảm giác lãng đãng của buổi sớm mai. Nhưng thành phố Móng Cái bên dòng sông Ka Long lại có sự khác biệt. Anh chàng “thổ dân” Móng Cái tên Thanh đùa rằng, đừng đi tìm sự lãng mạn ở Móng Cái làm gì, đã xa rồi, giờ cùng với làm du lịch, Móng Cái còn cực kỳ sôi động với các hoạt động kinh doanh buôn bán sầm uất nhất miền Bắc.
Nói rồi, Thanh chỉ tay về phía dãy xe conteiner cỡ trung đang rồng rắn nối đuôi nhau ra khỏi khu chợ 1- khu chợ lớn nhất Móng Cái. Hàng hóa ở đây được vận chuyển tấp nập tới các địa phương khác trên cả nước từng ngày, từng giờ. Thanh bảo, Móng Cái đêm ngắn, ngày dài, người dân có thói quen thức khuya, dậy sớm vì họ hay lam hay làm. Có lẽ vậy nên Móng Cái mới phát triển “leo thang” đến thế.
Thành phố Móng Cái giống như một chuỗi phức hợp dịch vụ thương mại lớn và sầm uất với các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng... mọc lên san sát dọc theo các đại lộ khang trang, hiện đại như đại lộ Hòa Bình, Hùng Vương, Hữu Nghị, Trần Phú…Hiện nay, Móng Cái có 14 chợ và trung tâm thương mại lớn, tập trung ở khu trung tâm thành phố với hàng ngàn cửa hàng kinh doanh lớn nhỏ.
Và cây cầu bắc qua sông Ka Long là biểu tượng để người ta dễ ghi nhớ về thành phố này. Cây cầu đã hiện hữu hơn nửa thế kỷ qua, cầu được một nữ kiến trúc sư người Pháp thiết kế và được khởi công xây dựng từ những năm 1950 đến 1964 thì hoàn tất. Đây là cây cầu duy nhất tại Việt Nam có cấu tạo hoàn toàn bằng đá, không dùng các chất kết dính thông thường như xi măng, vôi, vữa mà chỉ được ghép nối bằng những phiến đá lớn nhỏ, vô cùng tài tình.
Qua cây cầu là trung tâm Móng Cái, nơi đây tập trung các điểm bán hàng “made in China”, Thanh dắt chúng tôi vào khu chợ 1, ấn tượng nhất là những gian hàng công nghệ cao được bày biện lóa cả mắt. Máy tính, điện thoại, tivi... của các hãng danh tiếng thế giới đều xuất hiện đời cao nhất. Tuy nhiên, ở đây chất lượng lại theo kiểu “hên xui” (có nghĩa nếu may mắn sẽ tìm được sản phẩm có chất lượng, nhưng trường hợp như vậy cũng khá hiếm).
Chỉ với 3 triệu đồng là có được 1 chiếc máy tính. Các sản phẩm ở đây hầu như không có tem chính hãng và chế độ bảo hành... mù mờ. Chỉ cần từ 1 triệu đồng trở lên là cũng có thể sắm được máy quay phim hoặc máy chụp ảnh đẹp. Nhưng, “tiền nào của nấy” quả nhiên không sai.
Ra khỏi khu chợ, chúng tôi tìm một quán cà phê bên sông Ka Long. Người dân Móng Cái thích chào buổi sáng bằng những ly cà phê phin. Nếu muốn uống cà phê sữa, bạn sẽ phải gọi phục vụ cho một ly màu, gọi cà phê sữa hoặc cà phê nâu họ sẽ không hiểu bạn muốn uống loại gì. Cà phê ở Móng Cái cực ngon.
Ở Hà Nội quán cà phê nhiều vô kể, nhưng ít quán ngon. Thanh bảo, dân Móng Cái rất sành điệu, nếu không làm ngon là mất khách, vài ngày là đóng cửa quán như chơi. Có thể Hà Nội quá đông dân tứ xứ, nên cũng dễ dãi trong ăn uống. Chứ ở Móng Cái đã vào quán cà phê thì phải là người kiếm được nhiều tiền. Vì dân lao động, cửu vạn chỉ uống trà đá và các loại nước đóng chai bán đầy vỉa hè.
Những người được gọi là “nhà giàu mới nổi” thuộc lớp người sinh sau năm 1975 đang đua nhau kinh doanh làm giàu trên đất Móng Cái. Thanh kể, lớp người giàu có ở Móng Cái phần đông do dân ở nơi khác tới lập nghiệp. Làn sóng “nhập cư” ở Móng Cái đã làm thay da đổi thịt thành phố thương mại này.
Chợ trung tâm Móng Cái.
Không chịu sống trong những căn nhà mặt phố nhỏ hẹp như hộp diêm ở Hà Nội, mặt tiền nhà phố của người dân Móng Cái thường là từ 5 tới 10 mét rộng, chiều dài chạy vào khoảng 20 mét khiến nhà nào cũng rộng thênh thang như hội trường. Tuy nhiên, có rất ít nhà dân dụng được làm theo thiết kế của kiến trúc sư, mà chỉ theo kiểu tự thiết kế. Thanh nói rằng, người dân ở đây ra đường nhiều hơn ở nhà. Nhà thực sự vẫn chỉ là chỗ để ngủ chứ chưa phải là nơi thư giãn như nhiều biệt thự trong phố của nhà giàu Hà Nội hoặc TP HCM.
Đặc biệt, người dân Móng Cái rất quan tâm tới chiếc “xế hộp”. Những biển xe 14... với các thương hiệu: BMW; Mercedes, Audi (Đức); Acura, Camry, Fortuner (Nhật); Ford (Mỹ) nhan nhản trên các tuyến phố chính. Rất khó nhìn thấy xe của Hàn Quốc chạy trên phố. Nói cách khác, xe Hàn rất khó giành thị phần tại đây. Thanh cười tinh nghịch nói, Móng Cái là trung tâm của hàng Fake nhưng người dân lại vô cùng sính hàng hiệu.
Móng Cái có không ít tụ điểm dành cho giới trẻ giải trí. Nhiều quán bar, sàn nhảy sau 24 giờ vẫn dập dìu người đến, kẻ đi. Một số sàn nhảy ở Móng Cái cũng đầy tai tiếng với việc bán thuốc lắc, thậm chí “dân anh chị” mang cả... súng tới đây để dọa nhau. Các quán ăn Trung Quốc ở Móng Cái được Việt hóa rất nhiều để phù hợp với cách ăn của người Việt.
Quán ăn đầu phố Tô Hiệu nhỏ nhưng luôn hút khách từ sáng tới đêm, khách chủ yếu là người Việt và món lẩu cháo là điểm nhấn của quán. Bát lẩu cháo to đùng có đủ thịt thà, hải sản, rau cải xanh… trông rất hỗn độn mà lại được thực khách thưởng thức một cách thích thú.
Dễ nhận thấy, Móng Cái khá tài tình trong việc kết hợp giữa du lịch và thế mạnh thương mại với những tour mua sắm. Vậy nên, không ngoa khi ví rằng đây là thiên đường mua sắm ở phía Bắc. Buổi tối phố Trần Phú hay còn gọi là “phố thương mại” trước đây chủ yếu hoạt động mua bán vào ban ngày thì nay đã trở thành phố đi bộ. Ngoài các cửa hàng kinh doanh cố định, trên tuyến phố đi bộ được bố trí thêm các quầy bán hàng di động phục vụ người dân và du khách.
Hay phố đi bộ Hữu Nghị, phường Hoà Lạc có chiều dài trên 700m, ngay cạnh công viên sinh thái chạy dọc theo dòng sông Ka Long. Tuyến phố này chủ yếu tập trung các gian hàng giải khát, bán hàng lưu niệm, vui chơi giải trí dành cho trẻ em, cửa hàng thư giãn, chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khoẻ cho du khách và người dân.
Tuyến phố còn được trang bị wifi miễn phí, trang trí các điểm nhấn để chụp hình lưu niệm, lắp đặt camera an ninh và hệ thống âm thanh đường phố trong công viên. Hay tuyến phố Hoà Lạc mở rộng, nối dài với tuyến phố đi bộ phường Trần Phú cũng trở thành tuyến phố đi bộ gắn với khu ẩm thực kéo dài gần 2km, kết nối giữa trung tâm mua sắm, giải trí với không gian thư giãn, tạo thành sản phẩm du lịch hút khách đến với thành phố vùng biên này.