Về nơi địa linh Tổ quốc
Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, sông nước mênh mông, hiền hòa. Tôi có nhiều may mắn, đã từng được đặt chân đến nhiều vùng, miền của Tổ quốc nhưng trong số 63 tỉnh, thành của cả nước, vẫn còn nhiều tỉnh đi chưa giáp nên ước ao làm sao đến cuối cuộc đời, được đến thăm hết các tỉnh, thành để hiểu thêm về đất nước, con người của Tổ quốc. Vốn “máu” đi phượt, nên nếu hễ có dịp là tôi tìm cách đi ngay.
Hành trình về Tây Bắc, nơi địa linh của Tổ quốc.
Cách đây 2 năm, tôi có dịp “đánh” một chuyến vòng cung đến một số tỉnh vùng Tây Bắc như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, đến tận bản làng của đồng bào Thái đen, thăm cánh đồng ruộng bậc thang ở SaPa, Lai Châu,… Nay đi chuyến Tuyên Quang, Hà Giang,…. coi như giáp vùng Tây Bắc. Lần lựa mãi, đến đầu tháng 7-2016, sau khi rủ được gần chục anh em có máu “phượt”, lên sẵn chương trình đi một chuyến thăm các tỉnh miền Tây Bắc nhưng rồi cuối cùng ngày lên đường chỉ còn lại có bốn người.
Bốn thì bốn, đi là đi. Thế là “bay” đến Nội Bài. Dù đã xế chiều nhưng cả 4 anh em đều quyết tâm vượt hơn 300 km trong đêm, đi thẳng lên Hà Giang – nơi địa đầu Tổ quốc, để có nhiều thời gian thăm các địa điểm lý thú khác như: Cổng trời Quản Bạ, Núi Đôi Cô Tiên, Cao nguyên đá Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú,….
Cột cờ Lũng Cú-nơi cực bắc của Việt Nam.
Nghe nói đến Hà Giang – tỉnh miền núi ở đỉnh đầu của Tổ quốc – một vùng cao nguyên đá hùng vĩ, có cột cờ Lũng Cú ngay địa đầu của Tổ quốc, đường đi hiểm trở phải qua đèo Mã Pí Lèng uốn lượn quanh co bên sườn núi, khi thì chạy ngút ngàn lên đỉnh núi mây mù, khi thì xuống sâu tận thung lũng nên ai cũng háo hức. Sau một đêm ngủ ở miền núi Hà Giang, sáng sớm, chúng tôi khởi hành đi Cao nguyên đá Đồng Văn.
Qủa thật, đường miền núi đi vào buổi sớm, sương giăng, mây vờn trên đỉnh núi tạo nên phong cảnh hết sức hữu tình. Đêm qua, đi qua Tuyên Quang lên Hà Giang, do đi vào ban đêm nên không cảm nhận được nét hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Giờ đây, con đường lên cao nguyên Đá Đồng Văn khúc khủyu với những khúc cua “cùi chỏ” hết sức nguy hiểm trong đó nguy hiểm nhất là qua đèo Mã Pí Lèng nên có những lúc cả xe ngừng nói chuyện để lái xe tập trung uốn lượn theo khúc quanh của núi rừng.
Mới sáng sớm mà dòng người bà con dân tộc Mèo, Lôlô, Choang,… không biết đi bộ từ lúc nào mà đã gần đến chợ, trên lưng gùi theo gà vịt, hoa qủa, rau rừng kể cả lợn tộc mang ra chợ bán. Ngang qua xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, gặp một cô gái đang ngồi bó mạ bên nương, chúng tôi dừng lại hỏi thăm đời sống, được biết cô tên Vương Thị Nhung, 24 tuổi, lấy chồng từ năm 18, đến nay đã có 2 con còn nhỏ. Cả nhà 4 nhân khẩu, có 2 sào lúa.
Để có thêm thu nhập, chồng cô phải đi trồng bắp trên núi đá. Điều hết sức lý thú là trong mênh mông rừng núi đá là những vườn bắp của bà con. Bắp được trồng từ đám đất ven đường cho đến tận đồi cao. Dù là núi đá nhưng cứ chỗ nào có đất là bà con tỉa bắp, trồng chuối, mía,… mà cây nào cũng xanh lá tốt tươi, ra qủa to.
Chúng tôi leo lên cổng trời Quản Bạ ở độ cao 1.500 m so với mặt biển, phải nghỉ đến vài lần để thở. Trên đường lên cổng trời, tôi thầm nghĩ: Tí nữa gặp ông trời, tôi sẽ mách với ông trời về những chuyện trái khoáy dưới trần gian để xem Ngọc hoàng xử lý ra sao. Thế nhưng lên đến tận cổng trời thì Ngọc hoàng đi vắng! Quanh đi quẫn lại, thấy cột điện cao thế án ngữ giữa cổng trời làm mất đi vẻ thiêng liêng của Cổng trời Quản Bạ.
Tôi chợt nghĩ: Sao các nhà làm du lịch Hà Giang không khai thác điểm Cổng trời Quản Bạ làm nơi “hái” tiền nhỉ? Qua thị trấn Tam Sơn, cảnh Núi Đôi hiện ra nùng vĩ. Núi Đôi còn được gọi là núi Cô Tiên - một thắng cảnh đẹp nổi tiếng của thị trấn và cũng là một minh chứng về lòng chung thủy của nhân gian truyền lại từ đời này qua đời khác ở Hà Giang.
Hành trình tiếp theo là lên thăm Cột cờ Lũng Cú, nơi được coi là “nóc nhà của Việt Nam” và được ví như "Vầng trán kiêu hãnh của Tổ quốc” ở cực Bắc của đất nước. Dưới chân Cột Cờ Lũng Cú là con sông Nho Quế. Trên chốt cao cột cờ Lũng Cú, lá cờ Tổ quốc vẫn tung bay, khẳng định đất thiêng này là của Việt Nam.
Bộ đội biên phòng Việt Nam ngày đêm vẫn chắc tay súng để canh giữ đường biên của Tổ quốc. Trước đó, chúng tôi ghé thăm Dinh thự họ Vương nơi ở của vua Mèo Vương Chính Đức. Căn nhà bây giờ thì thường thôi nhưng hơn trăm năm trước, kiến trúc cũng như nội thất bên trong là những thứ mà dân thường hằng mơ ước. Tại đây, khách tha hồ mua các loại thảo dược quý như: tinh dầu ngọc am, nụ tam thất, củ tam thất,…
Phiên chợ ở vùng cao Hà Giang.
Ngang qua huyện Mèo Vạc – nơi có chợ bò nổi tiếng được phát triển mạnh từ năm 2000 nhưng hôm chúng tôi đến do không phải ngày chợ phiên nên chỉ lác đác vài con bò được dân bản mang ra chợ bán. Chúng tôi dừng lại hồi lâu xem cảnh mua bán bò ra sao, nhận thấy không có cảnh chèo kéo giữa người mua và bán như ở miền xuôi.
Người dân dắt bò ra chợ nếu được giá thì bán, không được giá thì dắt bò về, chờ phiên chợ sau. Vào ngày chợ phiên, thương lái các tỉnh miền xuôi như: Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên... cũng cho xe tải trọng lớn lên thu mua bò. Mỗi phiên chợ có khoảng 300-400 con bò được mua bán.
Trên đường đi, tôi nhận thấy dù đường miền núi, đèo dốc hiểm trở đi lại khó khăn nhưng dân phượt và khách du lịch đi bằng đủ các lọai phương tiện từ xe đạp, xe máy, ô tô các kiểu. Từ cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), chúng tôi men theo sườn núi về Cao Bằng với đoạn đường hơn 220 km qua các điểm như: xã Bảo Lâm, mỏ thiếc Tĩnh Túc,….
Đi từ tờ mờ sáng mà mãi cho đến chiều mới đến thác Bản Giốc. Thác Bản Giốc sát biên giới với Trung Quốc, là thác nước lớn thứ tư thế giới trong số các thác nước đẹp nằm trên biên giới giữa các quốc gia, đồng thời là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á...
Người dân nơi đây đa số là người dân tộc Tày, Nùng. Trời mưa to nhưng chúng tôi vẫn đội mưa đến gần sát thác để được ngắm nhìn cảnh sắc hùng vỹ của dòng thác nước đổ từ trên cao xuống dòng Quây Sơn trong xanh. Chị bán hang nước và tặng phẩm tiếc nuối cho chúng tôi. Chỉ kể: Nếu còn sớm, cac anh mà vào Động Ngườm Ngao nằm ngay cạnh thác Bản Giốc dài 2 km, sẽ thấy những thạch nhũ nghìn năm lấp lánh. Tuy thạch nhũ ở đây không đẹp như hang động ở Quảng Bình nhưng là nét dộc đáo của hang động ở Cao Bằng.
Hành trình cuối cùng là Lạng Sơn – nơi từng chứng kiến hàng vạn quân xâm lược Trung Quốc xâm lấn đất nước vào 17-2-1979. Chúng tôi ngồi với anh Hồ Lợi, phóng viên kiêm phát thanh viên đài Lạng Sơn, người từng gắn bó với tôi trong những năm công tác ở Lạng Sơn lúc chiến tranh biên giới nổ ra.
Bây giờ thì Lạng Sơn đổi thay qúa lớn. Đường phố được đầu tư mở rộng. Đô thị được xây dựng lại khang trang. Là chợ biên giới, có đường cao tốc, chỉ cách Hà Nội hơn 170 km, nên chợ Kỳ Lừa, chợ Tân Thanh lúc nào cũng sôi động. Ngồi với nhau hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi ôn lại những kỷ niệm của 37 năm về trước, thưởng thức lại những món ăn đặc sản của Lạng Sơn như: Khau nhục, măng tre vầu, thịt kho với qủa tram, nhâm nhi vài ly “Côn Sơn tửu”.
Chia tay Lạng Sơn, chúng tôi kết thúc hành trình 1.205 km đến các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn – nơi được gọi là địa linh của Tổ quốc, được gặp gỡ, trò chuyện hiểu thêm nhiều điều lý thú về đất nước, con người, được thưởng ngoạn nét hùng vĩ của thiên nhiên ban tặng cho đất nước, thấy được sự kiên cường cua người dân miền núi, càng thêm tự hào về dân tộc, về Tổ quốc.