Quản lý triển lãm ảnh trên mạng: Vẫn nhiều băn khoăn

Hương Lê 18/07/2016 08:05

Có hiệu lực từ ngày 15/8 tới, Nghị định 72/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh kiến cả người trong và ngoài giới đều quan tâm. Những băn khoăn của dư luận hoàn toàn có cơ sở.

Quản lý triển lãm ảnh trên mạng: Vẫn nhiều băn khoăn

Hình ảnh đẹp về tuổi học trò được đưa lên một diễn đàn ảnh Ảnh: Đinh Văn Linh.

Bởi ngay cả khi nhà quản lý ở lĩnh vực chuyên môn lý giải nghị định này không cấm cá nhân đưa ảnh lên Facebook thì nhiều người đều cho rằng: việc xác định đâu là triển lãm ảnh trên internet và đâu là giới thiệu những tác phẩm nhiếp ảnh cũng vẫn là ranh giới mong manh.

Chỉ quản lý triển lãm ảnh trên các website…

Đơn cử như trên trang cá nhân của nhiếp ảnh gia Thái Phiên, lâu nay tác giả này vẫn giới thiệu thường xuyên theo chủ đề những tác phẩm nhiếp ảnh của mình. Thậm chí anh cũng có cả một thư viện ảnh trên internet để mọi người có thể vào xem và bàn luận, đóng góp các ý kiến. Vậy theo nghị định nói trên, hoạt động này có thuộc phạm vi quản lý của cơ quan chức năng, có phải xin phép hay không?

Theo ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MTNA&TL- Bộ VH-TT&DL), triển lãm ảnh trên internet là khi người ta lập ra một website để đăng ảnh của mình, hoặc mời gọi mọi người gửi ảnh về và ai cũng có thể truy cập để xem ảnh.

Nếu hình thức tổ chức ở qui mô cấp tỉnh thì sẽ phải xin phép Sở VH-TT&DL các tỉnh. Còn website được thành lập, vận động tổ chức ở qui mô cấp Bộ thì phải xin phép Bộ VH-TT&DL. Lâu nay, hoạt động triển lãm ảnh diễn ra tại các địa điểm đều phải được phép của cơ quan chức năng. Vì vậy, hoạt động triển lãm ảnh trên internet cũng phải đặt trong sự kiểm soát của cơ quan quản lý, thông qua việc cấp phép.

Cũng theo ông Thành, nếu đăng ảnh cá nhân lên Facebook thì không được xem là triển lãm, còn đăng ảnh với hình thức triển lãm trên mạng mới thuộc phạm vi điều chỉnh và phải xin phép. Nghĩa là theo ông, nếu chỉ đăng một vài ảnh chơi thì đó là việc cá nhân, còn nếu đăng ảnh trên mạng internet mà hình thức như một triển lãm thì phải xin phép.

Ông Thành khẳng định nghị định mới chỉ nhằm quản lý hoạt động triển lãm ảnh trên các website. Hoạt động đăng tải, tổ chức thi ảnh trên các diễn đàn cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này.

Việc xây dựng Nghị định 72 xuất phát từ thực tế đời sống và hoạt động nhiếp ảnh chứ không phải bỗng dưng cơ quan quản lý tự nghĩ ra. Ban soạn thảo nghị định nói trên gồm đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Nhiếp ảnh, Hội Nhà báo, Cục Bản quyền tác giả… Khi soạn thảo, có lấy ý kiến của giới nghệ sĩ nhiếp ảnh cả nước.

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đóng góp ý kiến rất nhiều cho nghị định này. Do đó có thể khẳng định những qui định nói trên không có gì là sai sót cả- ông Thành khẳng định.

Thận trọng trước những qui định mới

Ông Vi Kiến Thành cho biết, từ trước tới nay việc quản lý nhiếp ảnh chủ yếu dựa vào Thông tư 17 của Bộ VH-TT&DL. Nhưng hiệu lực pháp lý của thông tư này vẫn chỉ ở cấp độ thấp. Nghị định 72 do Chính phủ ban hành sẽ quản lý ở cấp cao hơn, đầy đủ hơn, bao quát hơn các hoạt động nhiếp ảnh so với trước đây.

Nghị định 72 ra đời cũng phù hợp với xu thế chung của hoạt động nhiếp ảnh trên thế giới để khi có những vi phạm xảy ra thì cơ quan quản lý không bị động trong xử lý. Bên cạnh trách nhiệm thực hiện đúng qui định, luật pháp, tất cả những quyền lợi, danh dự cũng như hoạt động của giới nghệ sĩ nhiếp ảnh sẽ được hợp pháp hóa bằng nghị định này.

Nếu có tranh chấp, kiện tụng xảy ra, cơ quan quản lý nhà nước sẽ dựa vào nghị định này để xử lý. Do đó, từ sau ngày 15/8 tới, khi một cá nhân hay hội, nhóm muốn mở một triển lãm trên internet chỉ cần làm đơn đề nghị, có thể gửi theo đường bưu điện hoặc internet đến cơ quan quản lý. Sau đó chuyển hình ảnh dự kiến trưng bày, danh sách, tên tác giả…

Sau khi nhận được hồ sơ, có thể chỉ trong vòng một ngày sau hoặc thậm chí 3 tiếng sau, họ sẽ được ký văn bản đồng ý cấp giấy phép. Cục MTNA&TL chỉ kiểm soát nội dung tư tưởng, chứ không can thiệp sâu về chất lượng ảnh, tính nghệ thuật…

Dẫu vậy, hiện nay việc quản lý hoạt động nhiếp ảnh trên internet vẫn là một điều mới mẻ. Nhiều ý kiến trong giới cho rằng, nghị định ban hành chưa phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Những thông tư, nghị định quản lý điều chỉnh một lĩnh vực nào đó cũng nhằm thúc đẩy hoạt động ở lĩnh vực đó, chứ không nên thu hẹp lại sự phát triển của nhiếp ảnh.

Trên không gian mạng, sản phẩm nhiếp ảnh ngày nay đều được số hóa. Và internet là nơi lưu trữ, trưng bày và giới thiệu tác phẩm nhiếp ảnh đến với công chúng nhanh nhất tốt nhất, hữu hiệu nhất.

Nhiều người cho rằng lẽ ra ở nhiều lĩnh vực khác như văn học, điện ảnh, âm nhạc, hội họa… trên không gian mạng, cơ quan quản lý cũng phải đặt ra những qui định kiểm soát quản lý cho đồng bộ, thì việc siết hoạt động nhiếp ảnh trên mạng mới thực sự được xem là công bằng trong việc quản lý các hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung.

Đó là chưa kể bài học kinh nghiệm từ Thông tư 01 trước đó vẫn còn mới nguyên (cũng do Bộ VH-TT&DL vừa ban hành đã vấp phải phản ứng từ dư luận xã hội). Bởi theo Luật hình sự và những qui định về an ninh mạng, người nào đưa những hình ảnh không lành mạnh lên các trang mạng sẽ bị xử lý. Vì thế mà Thông tư 01/2016 của Bộ VH-TT&DL qui định cấm chụp, phát tán ảnh nude phản cảm trên mạng xã hội đã bị coi là qui định thừa và sớm phải sửa chữa.

Điểm 9, điều 3 Nghị định 72 định nghĩa: “Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh, bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet”. Trong khi đó, điều 11 của Nghị định 72 đưa ra qui định: “Tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam phải có giấy phép triển lãm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp”.

Hương Lê