Kiểm tra ... 'khói xe máy'

Ngọc Quang 18/07/2016 00:55

Dự thảo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe môtô, xe gắn máy do Cục Đăng kiểm Việt Nam soạn thảo mới đây đã gây sự chú ý của nhiều người, nhất là ở những thành phố được đưa vào “tầm ngắm”.

Kiểm tra ... 'khói xe máy'

Ảnh minh họa.

Theo đó, số tiền người đi xe máy phải nộp cho việc kiểm định khí thải là 100.000 - 150.000 đồng/lần/xe/2 năm với những xe đã sử dụng từ 5 năm trở lên. Dư luận e ngại liệu chủ trương này có khả thi và như vậy có phài là phí chồng lên phí.

Một số ý kiến cho rằng, xe máy chính là nguồn chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm không khí. Trong khi phương tiện được người dân Việt Nam sử dụng phổ biến nhất chính là xe máy; mức độ ô nhiễm không khí ngày một gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn. Vả lại kinh phí dành cho việc xử lý ô nhiễm môi trường hiện lại rất hạn chế.

Một thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, mức độ ô nhiễm không khí ở đô thị hiện đã vượt mức 3 lần cho phép, người tham gia giao thông dù không đi bằng xe máy thì cũng bị “vạ lây” do bầu không khí là chung cho tất cả mọi người. Con số thống kê cho thấy, 70-90% ô nhiễm không khí đô thị là từ các hoạt động giao thông vận tải, chỉ 10-30% là do công nghiệp và sinh hoạt.

Tại Hà Nội và TP HCM, xe máy chiếm 95% về số lượng phương tiện hoạt động và cũng thải ra tới 94% Hydro carbon (HC), 87% carbon oxit (CO), 57% oxit Nitơ (NOx)... Nếu đúng, thì quả thủ phạm ô nhiễm không khí đích thị là xe máy.

Nhưng trong thực tế, nhiều hoạt động khác của con người làm cho không khí bị ô nhiễm chứ không chỉ quy vào cho xe máy như thủ phạm chính. Đó là hoạt động của các nhà máy với lượng khói bụi thải ra rất lớn. Công việc xây dựng cũng thải rất nhiều bụi. Nếu chỉ tính lượng khói bụi mà các nhà máy, cơ sở sản xuất và xây dựng cộng lại, ắt hẳn phải nhiều hơn xe máy thải ra, chưa kể đến những nguồn thải khác.

Nói vậy để trở lại vấn đề, thu phí để có thêm nguồn kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường là cần thiết, trong đó có xe máy. Nhưng phải công bằng với những “anh” khác đang ngày đêm thải khói bụi, cũng như các chất độc hại vào không khí ầm ầm. Với người dân Việt Nam, người sử dụng xe máy phân khối thấp chủ yếu là người thu nhập thấp.

Xe máy là phương tiện đi lại hàng ngày. Thử hình dung, nếu bây giờ không có xe máy thì sẽ ra sao? Tất nhiên là hoạt động sẽ ngừng trệ. Từ vùng cao xa xôi cho tới duyên hải ven biển, kể cả ở những hòn đảo chơi vơi giữa đại dương, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chính. Vì thế, một chính sách mới đưa ra “thử nghiệm” đi chăng nữa cũng cần được tính toán chu đáo, nhất là phải lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía người dân- những người sẽ phải nộp tiền cho khí thải, trong khi trước đó họ không phải nộp.

Đề án cũng “cẩn thận” khi đưa ra lộ trình để “soi” khói xe máy, áp dụng thí điểm tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ; đồng thời xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, phí, lệ phí thực hiện kiểm tra khí thải xe môtô, xe gắn máy...

Nghe chừng có vẻ chặt chẽ nhưng thực tế cũng đã chứng minh có không ít quy định trước đó về lĩnh vực giao thông đưa ra nhưng bất khả thi, bị dư luận xã hội phản ứng. Ví dụ như quy định kích cỡ vòng ngực đến độ nào mới được cấp bằng xe máy; nhằm hạn chế xe máy, tránh ùn tắc giao thông thì phân ra ngày chẵn ngày lẻ cho các biển số đăng ký xe… Mục đích thì không ai phủ nhận nhưng cách làm và sự xa rời thực tế của những nhà soạn thảo văn bản đã không phù hợp.

Chính vì thế, ở ta mới có không ít những loại văn bản “trên trời” làm khó người dân, mới đưa ra áp dụng vài ba ngày đã phải “lờ” đi, hoặc là cho vào ngăn kéo.

Nay, việc thu phí xe máy nhả khói, xét ra cũng là cần thiết. Nhưng tiếc rằng điều đó không được nhìn ra từ đầu để áp dụng thống nhất, tạo sự công bằng. Và có nhất thiết phải kiểm định riêng hay không khi mà ngay từ khi mới mua xe không tính luôn phí môi trường.

Dự thảo cho rằng, xe máy sau khi hoạt động được 5 năm mới kiểm định. Nghe thì có vẻ “nhân từ” nhưng bất cập ở chỗ trước thời hạn đó chủ xe đã bán cho người khác, thì anh mua sau sẽ gánh nợ, trong khi việc mua bán lại xe cũ ở ta là rất phổ biến.

Vả lại, có khả thi không khi người ta đang đi xe máy trên đường, dừng lại kiểm tra xem xe đã lưu hành quá 5 năm chưa để phạt. Lực lượng nào sẽ có quyền dừng xe (khi người ta không phạm lỗi) để kiểm tra “tuổi” xe? Cảnh sát giao thông? Thanh tra giao thông hay Thanh tra môi trường? Lấy người đâu ra mà lắm thế trong khi chủ trương tinh giản biên chế Chính phủ đề ra là rất kiên quyết.

Một quyết định, một chủ trương cần có tính khả thi mới được xã hội chấp nhận và mới có hiệu quả. Xin nhắc lại, việc thu phí môi trường là cần thiết và phải làm, nhưng thu sao cho đúng mới quan trọng.

Những đối tượng nào xả thải ra môi trường (trong đó có không khí) cũng đều phải nộp phí môi trường chứ không riêng gì xe máy. Và tốt nhất, phí đó thu ngay khi mua bán xe mới, thu đủ một lần chứ không đợi sau 5 năm mới dừng xe người ta lại kiểm tra, để thu hoặc phạt, cho dù đã có phí môi trường 300đ/lít xăng.

Việc dự thảo rằng xe máy có niên hạn từ 5 năm trở lên bắt buộc phải kiểm tra khí thải định kỳ và được cấp giấy chứng nhận, dán tem kiểm định mới được phép tham gia giao thông; Xe không đạt tiêu chuẩn phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp, thay thế phụ tùng và kiểm định lại…, như vậy vẫn là giải pháp “theo đuôi”, rất khó thành công.

Ngọc Quang