Mất quyền kiểm soát cà phê hoà tan Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn gì
"Vua cà phê" Việt vẫn nắm quyền điều hành và kiểm soát phần lớn các doanh nghiệp trong hệ thống Trung Nguyên.
Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương vừa quyết định hủy bỏ quyền đại diện theo pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) tại Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên - đơn vị đang sở hữu thương hiệu cà phê hoà tan G7 và trao lại cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ ông Vũ. Trên thực tế, ông Vũ vẫn là đại diện pháp lý, nắm quyền điều hành tại Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng - nơi nắm cổ phần chi phối ở hầu hết công ty thành viên trong hệ thống. Tập đoàn còn sở hữu nhiều mảng kinh doanh khác như bán lẻ, kinh doanh nhượng quyền.
Cụ thể, Trung Nguyên có Nhà máy cà phê Buôn Ma Thuột chuyên về chế biến hạt cà phê, cà phê rang xay vốn điều lệ 500 tỷ đồng và Nhà máy cà phê Sài Gòn tại Mỹ Phước (Bình Dương).
Ông Vũ nắm quyền điều hành tại Công ty Trung Nguyên Franchising với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Theo báo cáo của Nikkei, tính đến đầu năm 2015, Trung Nguyên có tới 2.500 điểm bán - số lượng lớn nhất trong các chuỗi nhà hàng - cà phê Đông Nam Á. Trung Nguyên cho phép các điểm bán này treo biển Trung Nguyên miễn phí. Thực tế, công ty chỉ có 57 quán cà phê nhượng quyền tại Việt Nam và một ở Singapore.
Trung Nguyên còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực du lịch khi thành lập Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê với vốn điều lệ 98 tỷ đồng (tập đoàn nắm 70%, ông Vũ và bà Thảo mỗi người 15%). Đại diện công ty ban đầu thuộc bà Thảo, nhưng mới đây ông Vũ đã chuyển quyền quản lý sang tên mình. Đây là công ty chuyên hoạt động du lịch với các thương hiệu như: làng cà phê Trung Nguyên, resort coffee tour Trung Nguyên, khu du lịch Gia Long,…
Ở lĩnh vực bán lẻ, Trung Nguyên có Công ty Thương mại và dịch vụ G7 toàn cầu - sở hữu chuỗi bán hàng G7 - ministop và Công ty Thương mại và dịch vụ G7.
Đặc biệt, ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn là đại diện pháp luật và nắm quyền kiểm soát ở Công ty Đầu tư Trung Nguyên có vốn điều lệ 3.160 tỷ đồng, đầu tư vào các công ty thành viên của tập đoàn.
Đặng Lê Nguyên Vũ là doanh nhân và được xem như ông vua cà phê Việt. Ảnh: Forbes.
Vụ việc tranh chấp quyền kiểm soát doanh nghiệp này kéo dài từ cuối năm ngoái khi Trung Nguyên thông báo việc tạm dừng cung cấp cà phê hòa tan với lý do bảo trì máy móc. Cuộc chiến pháp lý giữa bà Thảo và ông Vũ hết sức gay gắt. Phía bà Thảo đã phát đi thông điệp chính mình mới là người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty Trung Nguyên International Singapore, Tổng giám đốc Cà phê hoà tan Trung Nguyên, đồng thời là đồng sáng lập và đồng sở hữu của Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên. Theo đó, bà Diệp Thảo là người đưa cà phê Trung Nguyên, thương hiệu G7 ra quốc tế.
Đây đều là các công ty đóng góp lớn vào doanh thu toàn tập đoàn, vì vậy việc mất kiểm soát sẽ tác động không nhỏ đến chiến lược phát triển sau này. Công ty cà phê hoà tan Trung Nguyên được thành lập năm 2003, sở hữu thương hiệu G7, có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó tập đoàn mẹ nắm 85%, ông Vũ 10% và bà Thảo 5%. Công ty có 2 nhà máy sản xuất cà phê tại Dĩ An (Bình Dương) và Bắc Giang.
Theo số liệu của Euromonitor, năm 2015, G7 đã lọt vào top 3 thương hiệu cà phê hoà tan lớn nhất Việt Nam cùng với Nescafé và Vinacafé. Doanh thu trong nước của G7 năm 2015 đạt 245 tỷ đồng, năm 2014 đạt khoảng 270 tỷ. Tuy vậy, đây chỉ là thị phần trong nước, thực tế G7 được xuất khẩu đi khắp thế giới, đặc biệt là Trung Quốc với doanh số lên tới nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Trung Nguyên International Singapore được thành lập năm 2008 với mục tiêu chinh phục thị trường thế giới. Công ty phụ trách xuất khẩu cà phê tại thị trường ASEAN và toàn cầu. Đến nay thương hiệu Trung Nguyên đã xuất khẩu sang 60 nước trên thế giới như Mỹ, Canada, châu Âu, ASEAN…
Người đại diện | Tên công ty | Vốn điều lệ | Lĩnh vực hoạt động |
Đặng Lê Nguyên Vũ | Tập đoàn Trung Nguyên | 1.500 tỷ đồng | Chi phối các công ty thành viên của hệ thống Trung Nguyên |
Đặng Lê Nguyên Vũ | Công ty Đầu tư Trung Nguyên | 3.160 tỷ đồng | Đầu tư vốn vào các công ty thành viên của tập đoàn |
Đặng Lê Nguyên Vũ | Công ty Trung Nguyên Franchising | 100 tỷ đồng | Hệ thống cửa hàng nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên |
Đặng Lê Nguyên Vũ | Công ty Đầu tư du lịch Đặng Lê | 98 tỷ đồng | Khai thác du lịch |
Đặng Lê Nguyên Vũ | Công ty Thương mại và Dịch vụ G7 toàn cầu | 100 tỷ đồng | Bán lẻ cà phê |
Đặng Lê Nguyên Vũ | Công ty Thương mại và Dịch vụ G7 | 50 tỷ đồng | Bán lẻ cà phê |
Lê Hoàng Diệp Thảo | Công ty cà phê hoà tan Trung Nguyên | 200 tỷ đồng | Sản xuất cà phê G7 trong nước và xuất khẩu |
Lê Hoàng Diệp Thảo | Công ty TNHH TNI | Sản xuất cà phê xuất khẩu quốc tế | |
Lê Hoàng Diệp Thảo là người sáng lập | Công ty Trung Nguyên International Singapore | Trụ sở tại Singapore, là cứ điểm xuất khẩu cà phê Trung Nguyên ra toàn cầu |
Doanh thu và lợi nhuận của Trung Nguyên luôn là một ẩn số. Trong một lần xuất hiện trên Cổng thông tin điện từ Chính phủ, ông Vũ cho biết, doanh thu năm 2012 của công ty đạt trên 200 triệu USD và sẽ tăng gấp đôi một năm sau đó do nhu cầu cà phê đóng gói ở ASEAN, Trung Quốc tăng mạnh. Trung Nguyên cũng đặt ra mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2016. Năm 2014, riêng công ty mẹ đã có doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 1.300 tỷ. Công ty có nguồn thu rất lớn từ xuất khẩu các loại cà phê hoà tan, cà phê rang xay, cà phê chồn ra thế giới.
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10/2/1971, trong một gia đình nông dân nghèo ở Nha Trang (Khánh Hoà). Ông khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Từ một vài cửa hàng nhỏ bán cà phê năm 1996 tại Buôn Ma Thuột, với số vốn bỏ ra chỉ bằng chiếc xe đạp, đến nay Trung Nguyên đã trở thành thương hiệu toàn cầu.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã lọt vào bảng xếp hạng triệu phú do tạp chí Forbes bình chọn vào năm 2014 với tổng tài sản hơn 100 triệu USD. Ngoài kinh doanh, ông Vũ còn tham gia viết sách.