Quy chế dân chủ phải mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân
Phát biểu tại hội nghị Sơ kết việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm 2016, ngày 18/7, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định, quy chế dân chủ (QCDC) phải được tiến hành thực sự, không được hình thức và mang lại hiệu quả tốt hơn cho cuộc sống người dân.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị.
Tham dự hội nghị có ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ, ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Để thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cho rằng, người dân cần phải được thông tin, được hiểu những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của mình. Cụ thể như những báo cáo của các cơ quan chính quyền, các cơ quan nhà nước cần được minh bạch, công khai đến người dân.
Theo đó, phải có cơ chế, hình thức để đảm bảo quyền của người dân được nghe, được bàn bạc để góp ý kiến. Đồng thời, phải có quy định để người dân bàn những việc liên quan trực tiếp đến đời sống của họ. Như việc công nhận hộ nghèo thì những hộ này phải được thông báo, bình xét trong tổ dân phố, khu dân cư một cách công khai, dân chủ.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các cơ chế để người dân được thông qua Mặt trận, đoàn thể, Ban thanh tra nhân dân để họ kiểm tra giám sát hoạt động của chính quyền, các cơ quan nhà nước. Như vậy, có thể thấy rằng vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã hội rất quan trọng.
“Chúng ta gắn liền với trách nhiệm cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa bàn cơ sở. Trách nhiệm của người đại diện, đó là Quốc hội, HĐND- cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân. Trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội là những tổ chức đại diện cho quyền lợi, lợi ích hợp pháp của đối tượng của mình phải làm tròn trách nhiệm”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Đồng thời, theo bà Trương Thị Mai, cần phải đề cập đến trách nhiệm của người dân tham gia vào cơ chế này ra sao, họ được hiểu, nâng cao nhận thức ra sao và họ hiểu được phải tham gia trong cơ chế dân chủ này như thế nào. Muốn như vậy thì yêu cầu công khai minh bạch là một yêu cầu rất quan trọng đảm bảo cho sự tham gia hiệu quả của người dân.
Phải biết lắng nghe, đáp ứng quyền lợi chính đáng của người dân. Sau đó sẽ tạo được sự đồng thuận thì chắc chắc những công việc của Đảng, Nhà nước triển khai sẽ được nhiều vận hành êm xuôi.
“Trung tâm của Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị chính là cuộc sống của người dân, tâm tư và lợi ích chính đáng của người dân phải được giải quyết để tạo sự đồng thuận. Trên cơ sở sự đồng thuận đó chính là xây dựng và bảo vệ đất nước. Nghị quyết XII của Đảng đã nhấn mạnh điểm này và xem nó là một trong những trọng điểm để xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân, củng cố vững chắc niềm tin của người dân’, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Các đại biểu dự hội nghị đã thống nhất đánh giá, 6 tháng đầu năm 2016, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về QCDC ở cơ sở và gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Dân chủ trong Đảng được mở rộng, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng có nhiều đổi mới. Công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân, sát dân và vì dân phục vụ; các chính sách của Nhà nước được các cấp chính quyền tổ chức thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch...
Kết quả xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
6 tháng cuối năm 2016, BCĐTƯ về thực hiện QCDC ở cơ sở tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp, các ngành tiếp tục tham mưu cho cấp ủy tập trung lãnh đạo thực hiện tốt việc quán triệt, tuyên tuyền, phổ biến, triển khai thực hiện sâu rộng Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở” gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp.
Gắn việc triển khai thực hiện QCDC với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Chỉ đạo các cơ quan nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch các quy định, quy trình; chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Các cấp, các ngành cần tăng cường đối thoại và giải quyết kịp thời những bức xúc trong nhân dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động...