6 nước giàu nhất thế giới tiếp nhận người tị nạn ít nhất
6 quốc gia giàu nhất thế giới, các nước đóng góp tới gần 60% nền kinh tế thế giới, lại chỉ tiếp nhận được tổng số 9% toàn bộ người di cư trên toàn thế giới trong khi các nước nghèo hơn lại phải chia sẻ gánh nặng này; báo cáo mới nhất của tổ chức Oxfam cho hay.
Ảnh minh họa.
Theo một báo cáo được Oxfam công bố hôm 18/7, các nước giàu nhất thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp và Anh - đóng góp tới 56,6% tổng GDP toàn thế giới - chỉ tiếp nhận khoảng 2,1 triệu người tị nạn, tức 8,9% tổng số người tị nạn trên toàn thế giới.
Trong số 2,1 triệu người tị nạn này, có đến 1/3 được Đức tiếp nhận (736.740 người), trong khi 1,4 triệu người còn lại được chia sẻ giữa 5 quốc gia còn lại trong top 6 nước giàu nhất. Trong khi đó, nước Anh, hiện đang chia rẽ về vấn đề nhập cư, chỉ tiếp nhận 168.937 người tị nạn.
Ngược lại, hơn một nửa số người tị nạn trên toàn cầu - khoảng 12 triệu người - hiện đang sống tại các nước nghèo hơn như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, Pakistan, Lebanon và Nam Phi; bất chấp thực tế rằng tất cả các quốc gia này chỉ đóng góp dưới 2% giá trị nền kinh tế toàn cầu.
Trước nghịch lý đó, Oxfam hiện đang kêu gọi chính phủ các nước tiếp nhận thêm người tị nạn và giúp đỡ các nước nghèo hơn hiện đang phải lo chỗ ở cho đại đa số người tị nạn trên thế giới.
Theo báo cáo Xu hướng toàn cầu của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), hơn 65 triệu người đã phải rời bỏ đất nước vì tình trạng bạo lực, chiến tranh và xâm phạm nhân quyền; đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Hầu hết trong số này - khoảng 40,8 triệu người - bị mất nhà ở ngay trong đất nước họ, trong đó có 21,3 triệu người là người tị nạn và 3,2 triệu người đang đợi đơn xin tị nạn được chấp nhận.
Cuộc nội chiến ở Syria được cho là đóng vài trờ lớn nhất trong cuộc khủng hoảng di cư này; tiếp đến là các cuộc xung đột ở Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Iraq, Nigeria, Nam Sudan và Yemen. Rất nhiều người phải bỏ chạy tới các quốc gia láng giềng, như từ Syria sang Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia hiện đang tiếp nhận nhiều người di cư nhất thế giới (2,8 triệu người).
Báo cáo của Oxfam còn cho hay một số quốc gia giàu có hiện đang gây khó cho người di cư vào nước họ, chỉ ra rằng thỏa thuận giải quyết khủng hoảng di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng Ba vừa qua chính là một bằng chứng.