Dàn trải đầu tư công
Đầu tư thiếu đồng bộ, dàn trải dẫn đến hàng chục ngàn tỷ đồng “đổ xuống sông xuống bể” đang gây bức xúc cho xã hội. Trong khi đó, nợ công ngày càng lớn dần. Con số của Ngân hàng thế giới, mỗi người Việt Nam đang phải gánh cho khoản nợ công tới 29 triệu đồng.
Một dự án ngàn tỷ bỏ hoang.
Hàng ngàn tỷ… “đắp chiếu”
Thanh tra Chính phủ đã có cuộc kiểm tra bước đầu và theo con số thống kê chưa đầy đủ, những dự án đầu tư bằng vốn nhà nước hiện vẫn chưa hoặc không thể hoạt động “ngốn” hơn 81.000 tỉ đồng. Chỉ riêng 2 nhà máy đình đám, “nổi danh” bất động, “đắp chiếu” năm này qua năm khác được báo chí nhắc tới trong thời gian gần đây là Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Sợi Đình Vũ và đã lên đến gần 20.000 tỉ đồng.
Từng được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá về kinh tế, tuy nhiên, các dự án nói trên cũng như nhiều dự án khác được đầu tư hàng ngàn tỷ, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng trong thời gian gần đây đã nhanh chóng rơi vào tình trạng thua lỗ, thoi thóp hoặc “trùm mền” làm tổn thất vô cùng lớn cho ngân sách Nhà nước.
Với số vốn đầu tư lên tới 7.000 tỉ đồng, Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng) đã đứng trước nguy cơ phá sản chỉ sau hơn một năm hoạt động do thua lỗ liên tiếp. Nhà máy chỉ vận hành khoảng 7 tháng mà đã lỗ hơn 1.085 tỉ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu, khoảng 1.000 công nhân viên PVTex phải tạm nghỉ việc. Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên cũng “nổi danh” với số vốn đầu tư khổng lồ. Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO - thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam) thuê nhà thầu Trung Quốc xây nhà máy từ năm 2007 với số vốn hơn 8.100 tỉ đồng, nhưng đến nay nhà máy vẫn “đắp chiếu” nằm trơ như một đống sắt gỉ.
Nhà máy giấy Phương Nam ở Long An đầu tư khoảng gần 3.000 tỷ đồng xong giờ phải bỏ đi vì công nghệ bóc đay không phù hợp, không bóc được, chọn công nghệ sai nên không ra được sản phẩm. Nếu tiếp tục vận hành, thì mỗi tấn sản phẩm do dây chuyền này sản xuất sẽ chịu mức lỗ 4,6 triệu đồng. Và điều tất yếu sẽ xảy ra là, Nhà máy rơi vào tình trạng càng sản xuất càng lỗ và không có khả năng thu hồi vốn.
Có thể kể ra đây hàng loạt dự án tương tự “ngốn” hàng ngàn tỷ tiền ngân sách nhà nước nhưng không hoạt động gây thất thoát, lãng phí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế đất nước, làm hao mòn tài sản công và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội… Thế nhưng, lại chẳng có một ai bị liên đới trách nhiệm. Hàng loạt dự án đầu tư công không hiệu quả nhưng không tính đến việc quy trách nhiệm cá nhân.
Kỳ vọng từ “siêu ủy ban”
Nợ công của Việt Nam đang ngày một bị đẩy lên cao, trong khi người dân Việt Nam chủ yếu vẫn nghèo, nhiều người thu nhập không đủ sống, có bệnh không dám chữa vì không có tiền, trẻ em không được đến trường học… thì ở khắp nơi trên cả nước lại vẫn đang tồn tại những dự án “ôm” hàng ngàn tỷ nằm bất động ngày này qua ngày khác mà không hề có một ai bị truy cứu trách nhiệm.
Theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, tình trạng đầu tư dàn trải, “con gà tức nhau tiếng gáy” ngày càng trở nên trầm kha đối với xã hội Việt Nam. Ông Liêm nêu quan điểm, “bệnh” của chúng ta là lãnh đạo địa phương nào cũng muốn “ghi danh” bằng cách phải “sản sinh” được càng nhiều dự án càng tốt, mà không cần quan tâm đến việc dự án đó sẽ mang lại hiệu quả gì cho kinh tế của địa phương nói riêng, nền kinh tế của nước nhà nói riêng. Nhiều dự án giao thông mọc lên tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng chỉ để “đắp chiếu”, trong khi không hề lấy ý kiến của các tổ chức xã hội, của người dân, DN dẫn đến lãng phí, gây bức xúc trong xã hội. Vấn đề ở đây, nếu vẫn tiếp tục đầu tư theo kiểu “cha chung không ai khóc”, thiếu trách nhiệm với xã hội, với dân như vậy thì sẽ không thể khá lên được, dân nghèo sẽ vẫn mãi nghèo. Và những người làm lãnh đạo các địa phương, hết lớp này đến lớp khác vẫn đang “viết” tiếp cho nghịch lý “đã nghèo còn chi hoang”.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đưa ra nhận định, vấn đề cốt yếu ở đây là tư duy, làm ra sản phẩm không tính tới vấn đề giá thành, hiệu quả kinh tế, mới dẫn đến thực trạng hàng loạt dự án ngàn tỷ bỏ hoang.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã công bố dự thảo Nghị định quy định thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý DN nhà nhằm mục tiêu quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại DN, với kỳ vọng sẽ ngăn chặn được các trường hợp nhiều DN nhà nước rót vốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng thua lỗ như các dự án “đình đám” kể trên. Song, không ít ý kiến của giới chuyên gia bày tỏ quan ngại, “siêu ủy ban” này ra đời chắc chắn sẽ tiêu tốn ngân sách nhà nước với một nguồn tiền không nhỏ trong bối cảnh ngân sách đang có nhiều khó khăn, Nhà nước sẽ lại phải nuôi cả một bộ máy lớn. Và cũng không loại trừ, “siêu ủy ban” này ra đời chưa chắc đã hoạt động hiệu quả hơn, lại chỉ làm cho bộ máy Nhà nước thêm cồng kềnh, trong khi xu hướng là giảm dần số DN nhà nước.