Rườm rà kiểm tra chuyên ngành
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, kiểm tra chuyên ngành không đúng, thiếu sự kết hợp giữa các bộ ngành làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn áp dụng phương án tự công nhận chất lượng lẫn nhau, hoặc phương pháp quản lý rủi ro, thậm chí đầu bên kia đã kiểm tra chất lượng thì phía nhập khẩu không cần tốn thời gian kiểm tra thêm.
Kiểm tra chuyên ngành mặt hàng thép gây bức xúc cho doanh nghiệp nhập khẩu.
1m vài mẫu cũng kiểm tra
Theo đại diện các DN may mặc, thời gian qua việc kiểm tra formaldehyt hành DN một cách không cần thiết. Bà Lê Quang Thuận Nhi - đại diện công ty may Scavi phàn nàn: Thông tư 37 ảnh hưởng nhiều đến DN. Bất cập ở chỗ, chỉ 2m2 vải mẫu cũng cũng kiểm tra, một thùng có nhiều loại vải với kích thước từ 1 – 2m cũng bị kiểm định. DN khổ sở vì quy định kiểm tra chuyên ngành theo thông tư 37 mất thời gian từ 1 ngày – 3 ngày, còn chi phí khoảng 1,5 triệu – 2,5 triệu đồng/m vải mẫu, một thùng hàng mẫu có 4 loại thì mất 8 triệu tiền phí kiểm tra. Chia sẻ với khó khăn của DN dệt may trước tình trạng kiểm tra chuyên ngành gay gắt formaldehyt dành cho vải mẫu, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, hội nhập đến gần, cạnh tranh gay gắt và gấp gáp nhưng cứ nhùng nhằng kiểm tra hàng mẫu làm mất thời gian, cơ hội nhận đơn hàng từ phía đối tác. Thay vì xóa bỏ quy định không phù hợp, Bộ Công thương lại thay thông tư 32 thành thông tư 37 mang tính chặt chẽ hơn.
Đau đầu với kiểm tra chuyên ngành đối với hàng mẫu, bà Lê Quang Thuận Nhi kiến nghị: “Với hàng mẫu nên không kiểm tra, nếu chặt chẽ hơn thì nên gia hạn giới hạn nào là hàng mẫu. DN có thể cam kết danh mục hàng mẫu với số lượng mẫu để thông thoáng hơn”. Nhiều ý kiến khác cùng bày tỏ mong muốn ngưng kiểm tra chuyên ngành đối với hàng mẫu. Trường hợp tiếp tục kiểm tra chuyên ngành thì nên giao cho một đơn vị kiêm nhiệm. Liên quan đến giải pháp cho kiểm tra chuyên ngành đối với vải mẫu, ông Lê Văn Triển – Phó trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TP. HCM cho rằng, kiểm tra chuyên ngành đang gây khó cho hoạt động thông quan của hải quan và cộng đồng DN. Điển hình, kiểm tra formaldehyt quá nhiều nhưng vi phạm rất ít. Theo ông Triển, sắp tới nên giảm kiểm tra tràn lan như hiện nay, khoảng 100 lô thì nên kiểm tra 1 – 2 lô chẳng hạn. Nên áp dụng phương án phải công nhận lẫn nhau, đặc biệt là hàng của những nước công nghiệp phát triển chẳng hạn như: Anh, Pháp, Đức… hay những sản phẩm nổi tiếng thế giới Adidas, Gucci… Hoặc tiến đến áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, thậm chí đầu bên kia đã kiểm thì không cần đầu bên này kiểm nữa. Nếu tất cả các cơ quan làm như vậy thì đạt hiệu quả rất nhiều.
Quá nhiều công đoạn kiểm tra thép nhập khẩu
Ông Lê Văn Triển thông tin thêm, thời gian hoàn thành thủ tục thông quan của hải quan chỉ chiếm khoảng 28%, 72% thời gian còn lại là chờ ý kiến của các cơ quan khác. Băn khoăn về việc kiểm tra chuyên ngành, đại diện Công ty Thép Khương Mai bức xúc: “Nhập khẩu thép nguyên tấm về phục vụ cho hoạt động công nghiệp, nhưng kiểm tra chuyên ngành lại bắt cắt một miếng đi kiểm tra. Như vậy nguyên tấm thép được kiểm tra DN không biết sử dụng để làm gì? Theo DN thép, giảm kiểm tra chuyên ngành bao nhiêu tốt cho doanh nghiệp bấy nhiêu. Ông Nguyễn Văn Trí - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc cho hay, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành phải trải qua quá nhiều công đoạn. Thứ nhất, phải có xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép của Sở Công thương về nhu cầu nhập khẩu thép để phục vụ hoạt động sản xuất, gia công cơ khí. Sau đó đăng ký kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP. HCM. Bước thứ ba, đăng ký đánh giá sự phù hợp chất lượng thép nhập khẩu tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3. Tiếp đến, đưa thép về công ty rồi mời Trung tâm 3 xuống lấy mẫu… Nhìn chung, quy trình rất nhiêu khê. “Cứ nói ngành cơ khí là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế nhưng chỉ với quy định kiểm tra chuyên ngành đã khiến ngành này phát triển không nổi”, ông Nguyễn Văn Trí nêu quan điểm. Mệt mỏi với kiểm tra chuyên ngành không ít DN phàn nàn, nhập khẩu sản phẩm về nhưng chờ kiểm tra thì thị trường đã hết thời của model đó hoặc phí kiểm tra chuyên ngành quá giá trị món hàng nhập khẩu.
Ngoài những bức xúc về kiểm tra chuyên ngành về dệt may, thép DN còn phàn nàn về thủ tục thông quan chuyên ngành liên quan đến thông tư 23 – nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng, kiểm định xe cơ giới, dán nhãn năng lượng, an toàn thực phẩm… Theo cộng đồng DN, kiểm tra chuyên ngành thiếu sự phối kết hợp về thông tin vô hình trung tạo ra rào cản và gây khó khăn cho DN. Ông Trần Ngọc Liêm – Phó Giám đốc VCCI TP. HCM cho hay, Hải quan thành phố đã đề nghị Bộ Công thương đánh giá hiệu quả 6 năm thực hiện Thông tư 32. Bởi vì, số lượng kiểm tra chuyên ngành này càng tăng nhưng vi phạm lại rất ít. Đơn cử, quý I-2016, có đến 309 ngàn lô hàng nhập khẩu, kiểm tra đạt 280 ngàn lô hàng nhưng chỉ có 7 vi phạm. Vậy thì không có lý do gì để duy trì kiểm tra chuyên ngành như hiện nay. “Chúng ta không bác kiểm tra chuyên ngành nhưng phải kiểm tra sao cho phù hợp hơn”- ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.