Nỗ lực dập dịch bạch hầu

T. Trung - T. Hà 19/07/2016 10:30

Trước tình hình dịch bạch hầu tiếp tục tăng nhanh tại tỉnh Bình Phước, đã và đang có nhiều nỗ lực để dập dịch bệnh này.

Nỗ lực dập dịch bạch hầu

Ngành y tế đang nỗ lực dập dịch bạch hầu.

Ngày 18/7, Viện Pasteur TP HCM đã cử đoàn công tác đến Bình Phước giúp tỉnh này chống dịch. Trước mắt, các bác sĩ viện Parster cấp cho Bình Phước 10.000 liều vaccine để tiêm cho những người từ 6 - 16 tuổi tại 2 xã có dịch. Theo bác sĩ Nguyễn Đồng Thông- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước, đoàn cùng với Ban chỉ đạo của huyện Đồng Phú tiếp tục đưa ra những biện pháp tích cực hơn để chống dịch. Theo đánh giá của Sở, so với tốc độ tiêm chủng vừa rồi thì hơi chậm. Sáng cùng ngày, Sở đã họp với Viện Parteur TP HCM, cố gắng làm sao trong 2-3 ngày tới phải tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hều cho các đối tượng từ 6-26 tuổi theo quy định.

Tính đến trưa 18/7, tại tỉnh Bình Phước đã có 60 ca mắc và nghi mắc bệnh bạch hầu. Ngoài các bệnh nhân tại 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú, bệnh này đã lây lan sang 1 bệnh nhi 4 tuổi tại xã Đồng Tâm của huyện Đồng Phú. Có 6 người hiện đã xuất viện. 51 người mắc bệnh còn lại đang điều trị tại bệnh viện các tại các trạm y tế xã, bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước, BV Binh đoàn 16 và 3 ca đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM.

Trong số 3 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng Bình Phước cho biết, 2 trong số 3 bệnh nhân này đã tiêm phòng bệnh và vẫn còn lưu sổ tiêm chủng. Trường hợp còn lại, theo người nhà thì bệnh nhân đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng không còn lưu sổ tiêm chủng. Lý giải những trường hợp đã được tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh và tử vong, PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết, có thể do bệnh nhân không được tiêm đầy đủ và đúng lịch các mũi tiêm vaccine. Còn đa số sau khi tiêm vaccine, người được tiêm sẽ có miễn dịch. Tuy nhiên, thực tế vẫn có có một tỷ lệ ít người do khả năng miễn dịch thấp nên chưa đạt được ngưỡng miễn dịch bảo vệ.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Phó Trưởng Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cũng cho biết, nếu trong cộng đồng có tỷ lệ người đã có miễn dịch cao (gọi là miễn dịch cộng đồng) thì dịch bệnh không xảy ra và những người chưa miễn dịch cũng có thể được bảo vệ. Ngược lại, nếu miễn dịch cộng đồng không đủ để ngăn ngừa dịch, khi dịch xảy ra những người này sẽ dễ mắc bệnh.

Trước tình hình này, ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã yêu cầu ngành y tế tỉnh Bình Phước tập trung không để xảy ra thêm trường hợp bệnh nhân tử vong. Vì bệnh này đã được phát hiện, điều tra dịch tễ, công bố dịch, có phác đồ và kinh nghiệm điều trị, đồng thời ngành y tế cũng đã khoanh vùng phòng chống dịch.

“Bộ Y tế cam kết sẽ dập dịch trong thời gian sớm nhất” - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định.

Để tạo cộng đồng đủ miễn dịch với bệnh bạch hầu, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ tiêm đúng lịch, đúng liều trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau khi tiêm vaccine khoảng 2 tuần, hiệu lực phòng dịch sẽ được phát huy.

T. Trung - T. Hà