Phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú: Còn nhiều khó khăn
Vừa qua, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo về phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và trường phổ thông có học sinh bán trú (HSBT) vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Ảnh minh họa.
Sau 5 năm triển khai kiện toàn và phát triển mạng lưới, hệ thống trường PTDTBT tăng mạnh. Nếu năm học 2010-2011, toàn quốc chỉ có 127 trường PTDTBT với 13.200 HSBT thuộc 2 địa phương thì đến năm học 2015-2016, đã có 979 trường với 146.000 học sinh bán trú trên 28 tỉnh/thành phố.
Đối với các trường phổ thông có HSBT chỉ được quan tâm phát triển sau khi đề án hình thành. Theo đó, từ năm học 2011-2012 đến năm học 2015-2016, đã có 119.000 học sinh bán trú tại 1.982 trường của 30 tỉnh/thành phố.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), đến nay, tất cả các dân tộc thiểu số của nước ta đều có con em theo học tại trường PTDTNT, chiếm 6,1% tổng số học sinh dân tộc thiểu số trên cả nước.
Học sinh trường PTDTNT được nuôi dạy trong môi trường giáo dục có tính chất chuyên biệt, ngoài việc học văn hóa, còn được học tiếng nói, chữ viết dân tộc, trang bị kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương, kiến thức khoa học kỹ thuật cơ bản... Mặt khác, học sinh học tại trường PTDTNT được miễn học phí, các loại phí thi, tuyển sinh, hỗ trợ tiền tàu xe nghỉ Tết, nghỉ hè và được học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu chung. Riêng học sinh chín dân tộc rất ít người học tại các trường PTDTNT được hưởng học bổng bằng 100% lương tối thiểu.
Mặc dù có những bước phát triển đáng kể phục vụ nhu cầu học tập của con em dân tộc thiểu số, nhưng so với nhu cầu thực tiễn, hệ thống trường PTDTNT phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số, chưa đáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo nguồn cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ công cuộc phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc, miền núi.
Đa phần các trường PTDTBT chuyển đổi từ trường tiểu học, THCS, PTCS công lập nên các cơ sở vật chất thiết yếu liên quan cho sinh hoạt của học sinh và giáo viên nội trú chưa được trang bị đủ. Tính đến tháng 5-2016, tình trạng cơ sở hạ tầng tại các trường tuy được cải thiện nhưng vẫn còn quá nhiều thiếu thốn. Ông Trần Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GD&ĐT cho biết, tỉ lệ cơ sở vật chất kiên cố chiếm từ 30-50%, còn lại là các công trình bán kiên cố, công trình tạm hoặc thuê/mượn.
Có khoảng 67% (98.400/1460.000) học sinh được ở nội trú tại trường, 60% học sinh được ăn tập trung tại nhà ăn. Tại một số trường, giáo viên phải thuê phòng trọ để nhường chỗ ở nội trú cho học sinh hoặc học sinh tự làm lán, trại xung quanh trường để ở (1,8%).
Kiến nghị về tình trạng thiếu thốn của học sinh, ông Lê Thanh Hải - Trưởng phòng Giáo dục huyện K’bang (Gia Lai) đánh giá, mức chi phí 460.000 đồng/tháng đối với học sinh bán trú vẫn còn quá thấp. Các trường phải tự điều tiết chi tiêu nhiều khoản sinh hoạt, nên bình quân, định mức bữa ăn của các em chỉ còn 5.000 đồng/bữa ăn, khó bảo đảm cuộc sống cho học sinh.
Không chỉ vậy, các đại biểu cho biết, kinh phí hỗ trợ được cấp về tới các trường thường rất chậm; nhiều địa phương chưa có biên chế cho nhân viên cấp dưỡng; nhiều trường buộc phải để học sinh tự nấu ăn; giáo viên còn thiếu kinh nghiệm về phong tục, tập quán của học sinh dân tộc thiểu số trong vùng…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, hệ thống trường PTDTNT đã góp phần tăng tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, cần thêm sự quan tâm của các cấp, ngành để giảm bớt khó khăn cho cuộc sống của học sinh và giáo viên.