Sấm sét
Tới nay người ta vẫn ngạc nhiên khi nơi này ít bị sét đánh, nơi kia lại quá nhiều. Nơi hứng chịu nhiều lần sét đánh phải chăng là nơi bị ông trời trừng phạt do có quá nhiều tội lỗi?
Ảnh minh họa.
1. Cũng không thật chính xác nhưng giới khoa học vẫn cho rằng hồ Maracaibo ở Venezuela là địa điểm bị sét đánh nhiều nhất thế giới, với gần 300 đêm bị sét đánh mỗi năm. Có nghĩa là hầu như ngày nào cũng bị sét đánh. Nhưng cũng lạ là ở đây sét chỉ đánh trong đêm, còn ban ngày thì không.
Là hồ nước mặn lớn nhất ở Nam Mỹ, hồ Maracaibo có chiều dài 99km, rộng 67 km, chiều sâu nhất lên tới 60m, diện tích 13.210 km2. Theo giới nghiên cứu, chính nhiệt độ và ẩm độ tối đa kèm theo những cơn gió quanh dãy Andes tạo nên những tia sét dữ dội vào hồ này. Theo đó, mỗi cây số vuông mặt nước ở hồ Maracaibo hứng chịu 603 lần sét đánh mỗi năm. Chính vì thế, hồ này là địa điểm sấm sét xuất hiện với tần suất cao nhất thế giới. Nói như GS Dennis Buechler Đại học Alabama thì do hồ Maracaibo có vị trí địa lý và kiểu khí hậu độc đáo đã trở thành địa điểm lý tưởng thu hút những tia sét.
Hồ Maracaibo nằm trong một nhánh của dãy Alpes, 3 mặt được bao bọc bởi núi cao. Người ta nhận thấy rằng, sét đánh xuống hồ chính là sự phóng điện tĩnh theo hình zig-zag xuống mặt đất hoặc phóng điện giữa các đám mây với nhau. Đi kèm với sấm sét là mưa lớn và mưa đá.
Lạ một nỗi là sét ở hồ Maracaibo rất sáng, tới mức có thể nhìn rõ từ khoảng cách 400km. Chính vì thế, các con tàu ngoài khơi đã lợi dụng ánh sáng này để định hướng trong đêm tối, khỏi cần hải đăng.
Sét đánh xuống hồ Maracaibo.
2. Người ta cũng nhận thấy rằng, hầu hết những nơi bị sét đánh nhiều thường nằm gần các ngọn núi. Có lẽ vì thế mà châu Phi đã trở thành lục địa có nhiều địa điểm bị sét đánh nhất. Cụ thể, tại châu lục này có tới 6/10 địa điểm bị sét đánh nhiều nhất thế giới, trong đó có 5 địa điểm nằm dọc theo dãy núi Mitumba ở phía Đông Congo. Sau châu Phi, châu Á là khu vực bị sét đánh nhiều thứ hai thế giới, khu vực bị sét đánh mạnh nhất nằm ở phía Tây Bắc dãy Himalaya. Còn khu vực bị sét đánh nhiều thứ 3 thế giới là Nam Mỹ.
Trong rất nhiều loại sét, người ta đã tính ra những nơi nào bị sét đánh nhiều nhất và đó là loại sét nào. Nhìn chung, châu Phi là nơi phải hứng chịu nhiều bão nhất trong năm với trung bình khoảng 260 cơn bão/năm. Đi cùng đó là việc sét trút xuống. Cộng hòa Congo được coi là nơi có nhiều sét nhất, với khoảng 160 cú sét đánh mỗi km2 hàng năm. Tuy nhiên, nó vẫn không bằng thung lũng, Brahmaputra ở vùng Đông Ấn Độ là nơi có lượng sét cao nhất: trong khoảng giữa tháng 4 và tháng 5, mỗi tháng có trung bình 500 lần bị sét đánh.
3. Người ta cũng đã ghi nhận hiện tượng kỳ lạ, đó là có những người sét đánh mãi không chết.
Hồ sơ ông Roberts lưu giữ chứng minh những tổn thương sức khỏe của ông là do sét đánh.
Brian Skinner- một nhiếp ảnh gia người Úc, trong một lần chụp ảnh tại bãi biển New South Wales đã bị sét đánh trúng nhưng may mắn thoát chết, trong khi chiếc nhẫn đeo tay bị đánh cong, vào ngày 30/11/2014 tại bờ biển New South Wales. “Sét đánh rất gần, chỉ cách khoảng 5 mét, nhưng Brian không chết”- Julia, cộng sự của Skinner kể lại. Còn Brian kể: “Tất cả mọi thứ như đứng yên. Rồi tia sét đi ra khỏi cơ thể tôi. Tôi cảm thấy mình như một luồng điện chạy xuyên qua tay, qua 5 ngón tay. Ngay khi trở lại trong xe, tôi nhìn xuống bàn tay và thấy nó bị cháy đen. Tia sét đã xuyên thẳng vào bàn tay phải của tôi, đi qua tất cả các ngón tay và bẻ cong chiếc nhẫn vàng trên tay tôi”.
Sau đó, Brian đã đến gặp bác sĩ để chụp X-quang và kết quả cho thấy ông không bị gãy xương cũng như bị phồng rộp.Nhưng, điều đáng chú ý là, một tuần sau khi bị sét đánh trúng, ông phát hiện mình có những khả năng kỳ lạ, trong đó có khả năng đọc được suy nghĩ của người khác.
Ông Sullian chỉ bị thương ngoài da dù bị sét đánh đến 7 lần.
Nhưng cũng chưa lạ bằng ông Sullivan ở vùng Viginia (Mỹ) đã 7 lần bị sét đánh nhưng không chết. Sullivan là người quản lí công viên quốc gia bang Virgina, lần đầu tiên bị sét đánh là khi ông đang ngồi trong một căn phòng rộng rãi, sét xuyên qua mái nhà làm tất cả đồ đạc trong nhà nghiêng ngả, nhưng Sullival không hề hấn gì. Lần thứ hai ông bị sét đánh là bên một dòng sông; lần thứ 3 trên 1 tảng đá câu cá; lần thứ 4 là trong một khu rừng rậm. Lần thứ 5 khi Sullival vừa rời khỏi xe, lần thứ 6 là đang lái xe thì tia sét chui qua cửa xe, đánh vào bên phải đầu. Cuối cùng, lần thứ 7, khi Sullival đang đứng ở nhà và bị sét đánh vào chân. “Lần nào tôi cũng cảm thấy nóng kinh khủng”, Sullivan nói.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu cơ thể ông Sullivan có chứa những chất thu hút sét?
Kinh dị hơn là trường hợp của ông Melvin Roberts (bang Carolina, Mỹ), trong vòng 12 năm đã bị sét đánh tổng cộng 11 lần nhưng vẫn sống sót. Kể về cảm giác lúc bị sét đánh, Roberts cho biết: “Nó giống như là bạn bị nấu chín từ bên trong vậy”. Tuy nhiên, người ta cho rằng đó hoàn toàn là sự tưởng tượng, vì không thể có chuyện “trời đánh” 11 lần không chết. Chính tổ chức Kỷ lục Guinness cũng không chấp nhận ghi danh ông Melvin vì không có đủ bằng chứng xác thực. Nhưng dẫu thế thì người ta vẫn không thể giải thích được vì sao có người bị sét đánh không chết.