Tranh giả làm kém đến mức ai cũng trông thấy

Việt Quỳnh 20/07/2016 08:25

Hội đồng thẩm định bao gồm: họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật &Nhiếp ảnh (Bộ VHTT&DL), hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn- Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, ông Trịnh Xuân Yên - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân cùng kết luận “15 bức tranh là giả, 2 bức tranh mạo danh”.

Tranh giả làm kém đến mức ai cũng trông thấy

Bức ảnh chụp lại tranh gốc của hoạ sĩ Thành Chương,
bên rìa trái có chữ ký Thành Chương, giờ mang tên “Trừu tượng” – tác giả Tạ Tỵ, trong bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung.

8h sáng ngày 19/7, theo lời mời của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, các chuyên gia trong hội đồng thẩm định đã có mặt tại Bảo tàng, tiến hành bàn bạc, thẩm định về 17 bức tranh trong bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung, đồng thời, có sự tham gia của hoạ sĩ Thành Chương và vợ - bà Ngô Hương.

“Không cần phải nhà nghiên cứu, chỉ cần nhìn thôi, đã thấy ngay đó là những bức tranh giả. Bất cứ hoạ sĩ nào cũng đều thấy được điều này” – họa sĩ Nguyễn Quân nói- “Ngay khi nhìn ảnh chụp, chưa tới Bảo tàng xem trực tiếp, tôi đã biết đó là những bức tranh giả. Đối với việc chuyên môn thì rất đơn giản, giống như anh ăn một quả táo bằng nhựa thì anh biết đó không phải là táo thật”.

Còn về việc triển lãm tranh diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, theo Nguyễn Quân: “Giống như họ cần danh nghĩa, chứ không cần ai xem. Họ cần đưa vào lý lịch để hợp thức hoá. Nếu mình không làm rõ việc này thì bằng là mình cấp cho họ giấy chứng nhận, giống như anh đóng một cái dấu kiểm định thực phẩm vào một con lợn toi. Những bức tranh này làm giả kém đến mức ai trông cũng thấy. Họ không kì công, không có tay nghề và cũng không hiểu biết để làm ra được những bức tranh giả lừa được các chuyên gia. Thật thảm thương. Tôi cho rằng đây là tai nạn của Bảo tàng”.

Buổi họp diễn ra kín đáo, các nhà báo quan tâm không được tham gia. Trong lúc nghỉ ngơi giữa buổi, các nhà báo có tranh thủ tiếp cận, và tình cờ được chứng kiến về sự xuất hiện của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung.

Trước mặt công chúng và báo giới, ông Vũ Xuân Chung đã có hành động thô lỗ và xúc phạm hoạ sĩ Thành Chương. Mặc dù bất ngờ và sốc, do trước đó, hoạ sĩ Thành Chương luôn bày tỏ sự cảm thông chia sẻ với ông Vũ Xuân Chung, nhưng hoạ sĩ vẫn bình tĩnh trả lời về việc ông có đầy đủ chứng cứ cho việc xác nhận bức tranh mang tên “Trừu tượng” lấy danh hoạ sĩ Tạ Tỵ do ông vẽ.

“Tôi rất thông cảm với hành động của ông Chung, khi bỏ ra số tiền lớn để mua những bức tranh mà lại là giả”, hoạ sĩ Thành Chương chia sẻ.

Để khẳng định bằng chứng về bức tranh đã vẽ trước báo giới Việt Nam và sự có mặt của 2 phóng viên của New York Times, hoạ sĩ Thành Chương đã đưa ra ảnh gốc chụp bức tranh ông vẽ hoạ sĩ Kim Anh, trên tranh có chữ ký “Thành Chương”, bản phác hoạ gốc chân dung hoạ sĩ Kim Anh, trước khi vẽ sơn dầu.

Ngay trước khi buổi họp diễn ra, mặc dù không có mặt, nhưng hoạ sĩ Kim Anh cũng đã gửi thư xác nhận về bức tranh mà hoạ sĩ Thành Chương đã từng vẽ bà khi 18 tuổi.

Như vậy, hoạ sĩ Thành Chương là “nhân chứng sống” về 1 bức tranh bị mạo danh Tạ Tỵ. Xuất hiện trong buổi họp, có con gái của hoạ sĩ Tạ Tỵ. Bà chia sẻ với bà Ngô Hương- vợ hoạ sĩ Thành Chương về việc ủng hộ hoạ sĩ Thành Chương và quyết tâm đưa việc giả mạo tên này ra ngoài ánh sáng, nhằm khôi phục uy tín cho các tác phẩm hội hoạ, đặc biệt là với những bức thuộc nhóm tác giả học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương xưa.

“17 bức tranh được công bố của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM một lần nữa chứng minh thực sự tranh giả vẫn trôi nổi trên thị trường trong và ngoài nước, nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan văn hóa. Điều này làm tổn hại hình ảnh đẹp đẽ của các danh hoạ Việt Nam”, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

“Khi tiếp xúc với 17 bức tranh này, tôi bị sốc vì trong đó không phải là nét bút của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… đâu. Đó là sự xúc phạm đến vong linh các danh hoạ này”.

Tranh giả làm kém đến mức ai cũng trông thấy - 1

Họa sĩ Thành Chương và nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân trao đổi sau buổi họp thẩm định.

Ngày 10 tháng 7 năm 2016, cuộc triển lãm với chủ đề “Những tác phẩm từ châu Âu về” thuộc sở hữu nhà sưu tập Vũ Xuân Chung khai mạc tại Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh (triển lãm từ ngày 10 tháng 7 đến ngày 21 tháng 7 năm 2016). Sau khi khai mạc Triển lãm, đã có rất nhiều ý kiến về tính nguyên gốc và chất lượng mỹ thuật của bộ sưu tập này.

Để bảo đảm tính khách quan trả lời trước công chúng, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp lúc 8 giờ 30 phút ngày 19/7/2016 với các nhà quản lý, các chuyên gia mỹ thuật để trao đổi xung quanh những vấn đề gây dư luận về triển lãm này. Sau đây là thông báo của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh:

- 15 bức tranh thuộc Bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM là không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện.

- 2 bức tranh trong Bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả (HS Tạ Tỵ và HS Sỹ Ngọc).

- Tạm giữ tất cả 17 bức tranh thuộc Bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ công tác điều tra.

- Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý và sớm có kết luận cho vấn đề này.

Việt Quỳnh