Xử vụ đại án tại Ngân hàng Xây dựng: Nhiều 'đại gia' liên quan
Ngày 19/7, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) cùng 35 đồng phạm liên quan đến các sai phạm nghiêm trọng gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB trong khoảng thời gian chưa đến 2 năm (2012 - 2014).
Phiên tòa ngày 19/7 xử Phạm Công Danh và đồng bọn.
Trước tòa, Phạm Công Danh xuất hiện trong chiếc áo sơ mi kẻ sọc, trước hàng trăm ống kính, máy hình của phóng viên báo chí. Bản Cáo trạng của Viện KSND Tối cao cáo buộc Phạm Công Danh về các tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thẩm phán Phạm Lương Toản- Chánh tòa Hình sự làm chủ tọa, đã thông báo sự có mặt của một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án được gửi thư mời triệu tập, gồm có bà Nguyễn Thị Như Loan và ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) thuộc Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai.
Tuy nhiên, cả hai mẹ con bà Loan đều vắng mặt, mà thay vào đó là bà Ngô Kim Lan (ngụ TP Hà Nội) nhận ủy quyền cho mẹ con bà Loan và Công ty Nhà Quốc Cường dự tòa. Tòa cũng đã triệu tập gần 130 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có không ít các “đại gia” có tiếng trong lĩnh vực bất động sản.
Cáo trạng cho hay, Phạm Công Danh đã sử dụng pháp nhân của các nhân vật khác nhau để lập hồ sơ khống, trong đó nhờ thông qua mối quan hệ với Chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai, ông Danh đã lập hồ sơ khống mang tên họ để vay của VNCB 300 tỷ đồng.
Tính từ tháng 12/2012 đến 3/2014, ông Danh với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB còn chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh để thực hiện hồ sơ khống theo cùng hình thức nêu trên nhằm xây dựng các phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT cũng không có thật.
Bản cáo trạng được công bố trong ngày đầu xét xử cho thấy, Phạm Công Danh còn chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 đường Trường Chinh, TP Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo để vay tại VNCB khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định các lô đất nói trên tại Đà Nẵng chỉ có trị giá hơn 2.600 tỷ đồng tại thời điểm đó.
Tuy nhiên, bằng việc lập khống và khai khống các hồ sơ, Phạm Công Danh tiếp tục chỉ đạo cho chuyển khoản hoặc rút tiền mặt từ các thương vụ nêu trên được 4.700 tỷ đồng để trả nợ. Sau khi trả nợ còn hơn 1.465 tỷ đồng, Phạm Công Danh sử dụng vào các khoản chi chăm sóc khách hàng, tuy nhiên lại không giải trình được cụ thể trước cơ quan điều tra.
35 đồng phạm được xác định tích cực giúp sức cho Phạm Công Danh thực hiện các hành vi rút ruột hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước, trong đó có: Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc); Mai Hữu Khương (33 tuổi, nguyên thành viên HĐQT, Hoàng Đình Quyết (33 tuổi, nguyên Giám đốc và Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn), đều là các lãnh đạo, cán bộ, nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và công ty đối tác của VNCB...
Các đồng phạm đã lập hồ sơ khống nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNBC 62 tỷ đồng; Lập hồ sơ khống thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành, P 15, Q 10, TP HCM gây thiệt hại 182 tỷ đồng; Thuê trụ sở ở đường Sư Vạn Hạnh, TP HCM gây thiệt hại 400 tỷ đồng;….
Như ĐĐK đã thông tin, từ thời điểm năm 2012 Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ sở hữu vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng (khoảng 84,92%) cổ phần, được xác định rơi vào tình trạng khó khăn đặc biệt.
Thanh tra Ngân hàng Nhà nước kết luận TrustBank lỗ lũy kế khoảng 6.061 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị âm hơn 2.854 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép nhóm cổ đông Phú Mỹ chuyển nhượng cổ phần (bán toàn bộ gần 85%) cho nhóm cổ đông mới là Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh làm Chủ tịch HĐQT. Nhóm của Phạm Công Danh đã thanh toán cho nhóm Phú Mỹ hơn 3.500 tỷ đồng.
Từ cuối tháng 2/2013, Ngân hàng TrustBank hoạt động dưới sự điều hành của nhóm cổ đông mới và được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Lúc này, sự non kém, thiếu kinh nghiệm trong quản lý tài chính đã bộc lộ rất rõ rệt, trong đó VNCB đưa ra kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng và thực hiện một gói tín dụng lĩnh vực xây dựng, bất động sản trị giá 50.000 - 70.000 tỷ đồng.
Việc tái cơ cấu không đem lại kết quả, thậm chí Phạm Công Danh và nhóm cổ đông mới đã khiến tình trạng nợ xấu tại VNVB ngày càng trở nên trầm trọng, mất khả năng chi trả các khoản thua lỗ. Cụ thể, đến ngày 29/7/2014, tức chỉ một năm sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã vào cuộc và công bố hàng loạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Công với ông Danh và 35 bị cáo khác.
Trong ngày xét xử đầu tiên, HĐXX đã thẩm vấn xong phần lý lịch các bị cáo và công bố toàn bộ bản Cáo trạng của vụ án. Hôm nay (20/7), tòa tiếp tục làm việc.