Hội nghị An toàn giao thông khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên 2016
Sáng ngày 20/7 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm MTTQ Việt Nam vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016.
Toàn cảnh Hội nghị.
Đại diện Mặt trận, Ban An toàn giao thông và lực lượng Cảnh sát giao thông các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đăk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Khánh Hòa tham gia.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi ngày cả nước có 24 người chết (có trên 10.000 người chết và bị thương/năm) do tai nạn giao thông, ngoài ra còn để lại di chứng thương tâm tàn tật suốt đời, không những là gánh nặng cho gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Đây là “thảm họa quốc gia”. Tai nạn giao thông không loại trừ bất kỳ người nào khi tham gia giao thông.
Do đó việc giải quyết tai nạn giao thông không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà là ý thức, trách nhiệm của xã hội và của mỗi người.
Do vậy, việc thực hiện mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cùng với sự chỉ đạo quyết liệt các giải pháp mang tính đột phá và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống địa phương.
Đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật và việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, từ đó ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT ở một bộ phận nhân dân đã được nâng lên.
Hội nghị cũng đã nghe được gần 20 ý kiến tham luận điển hình.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu.
Phát biểu và chỉ đạo Hội nghị, bà TrươngThị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Trong những năm qua, TTATGT đang là vấn đề được xã hội quan tâm sâu sắc. Để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật góp phần làm giảm tai nạn giao thông, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia tiếp tục triển khai Chương trình phối hợp số 14/CTrPH-MTTW-UBATGTQG ngày 30/12/2011 về “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, phối hợp triển khai thực hiện đưa phong trào phát triển đến các cộng đồng dân cư trong cả nước và đã thu được kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
6 tháng đầu năm 2016 (tính từ ngày 16/12/2015 đến 15 tháng 6 năm 2016): Toàn quốc xảy ra 10.227 vụ TNGT, làm chết 4.362 người, làm bị thương 8.939 người.
So với cùng kỳ năm 2015 giảm 952 vụ (-8,52%), giảm 116 người chết (-2,59%), giảm 1.213 người bị thương (-11,95%).
Có 39 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giảm số người chết vì TNGT, trong đó có 10 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Trà Vinh, Quảng Trị, An Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Gia Lai, Đà Nẵng, Nam Định, Cần Thơ.
Đặc biệt: Lai Châu, An Giang và Trà Vinh giảm trên 30% số người chết do TNGT.
Tuy nhiên, vẫn còn 22 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó có 12 tỉnh tăng trên 10% là: Lào Cai, Phú Thọ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Tiền Giang, Cao Bằng, Cà Mau.
Có 3 tỉnh có số người chết tăng trên 30% là: Tiền Giang, Cao Bằng và Cà Mau.
Phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy trên 70% số vụ tai nạn xảy ra nguyên nhân do người tham gia giao thông không chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông như phóng nhanh, vượt ẩu, người điều khiển phương tiện không quan sát, đi không đúng làn đường, phần đường quy định, chạy quá tốc độ, chuyển hướng không đúng quy định, ngoài ra các lỗi không nhường đường, vượt xe, sử dụng rượu bia chiếm tỉ lệ đáng kể.
Tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu vẫn là các tuyến quốc lộ (35%) và nội thị (31%).
Đây là các tuyến đường có mật độ dân cư đông đúc, người và phương tiện tham gia giao thông đa dạng với mật độ cao, đặc điểm đường giao cắt nhiều, phương tiện lưu thông hỗn hợp dễ xảy ra va chạm, khá phức tạp trong bảo đảm TTATGT.
Trong những năm gần đây, việc đưa vào vận hành, khai thác các tuyến đường cao tốc ở nước ta đã góp phần thay đổi bộ mặt, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại những vùng miền trên cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình lưu thông đã xảy ra nhiều vụ TNGT thảm khốc.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được các cấp, các ngành chức năng quan tâm, vì thế ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT ở một bộ phận nhân dân có được nâng lên, song nhìn chung số người nhận thức, hiểu biết pháp luật về TTATGT chưa nhiều, tình trạng nhiều lái xe chạy quá tốc độ quy định, tránh vượt ẩu, tạt ngang đầu xe, điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu bia, không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép không hợp lệ, chở hàng cồng kềnh, xe ô tô khách, đò dọc, đò ngang chở quá tải, giành khách trên đường, đậu đỗ bừa bãi còn diễn ra.
Nhiều người không phải là không biết các quy định pháp luật về TTATGT nhưng vẫn cố tình vi phạm, hoặc do coi thường pháp luật, do cơ chế cạnh tranh của thị trường vì lợi nhuận mà coi thường tính mạng của người khác; không ít chủ xe ô tô thúc ép lái xe tăng tốc độ để tranh khách, tăng chuyến, tăng giờ lái, phương tiện không đảm bảo các điều kiện an toàn vẫn lưu thông.... chủ đò không đủ thiết bị cứu sinh vẫn hành nghề… Chính vì thế mà nhiều vụ tai nạn giao thông gây hiệu quả nghiêm trọng thương tâm vẫn tiếp tục xảy ra.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng chỉ ra một số vấn đề mà các đại biểu cần quan tâm như:
Thứ nhất, đánh giá thực trạng về công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cho người dân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nêu rõ vai trò của MTTQ, các tổ chức thành viên trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Thứ hai, những kinh nghiệm chỉ đạo, xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; việc xây dựng các tổ, nhóm tự quản ở cộng đồng dân cư; việc tổ chức cho khu dân cư, gia đình đăng ký cam kết không vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện văn hóa giao thông.
Thứ ba, công tác phối hợp hoạt động giữa MTTQ và Ban An toàn giao thông, lực lượng công an cùng cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Thứ tư, những kiến nghị, đề xuất để thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới.
Bà Huỳnh Thị Phượng – Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh Khánh Hòa:
Khánh Hòa làm tốt công tác tuyen truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đảm bảo trật tự ATGT: Hiện nay tình trạng không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn chiếm lòng lề đường, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, điều khiển phương tiện giao thông khi sử dụng rượu bia, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông thường xảy ra.…
Trước tình hình đó, hằng năm, với nguồn kinh phí hỗ trợ của Ban An toàn giao thông tỉnh (mỗi năm 50 triệu đồng), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh đưa nội dung tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và công tác đảm bảo trật tự ATGT vào nội dung tập huấn công tác nghiệp vụ cơ sở cho cán bộ Mặt trận chủ chốt từ cấp huyện đến cơ sở; tính từ năm 2012-2016 đã mở 28 lớp tuyên truyền phổ biến “Luật giao thông đường bộ” và các văn bản pháp luật về trật tự ATGT, nói chuyện chuyên đề về Luật an giao thông, văn hóa giao thông… cho 2.431 lượt cán bộ và nhân dân tại các khu dân cư, dự kiến tháng 10/2016 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh mở lớp tập huấn tại trường Chính trị tỉnh cho 145 cán bộ Mặt trận cơ sở; Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và ý thức trong việc thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trật tự an toàn giao thông; phát huy vai trò cá nhân tiêu biểu trong các dân tộc, chức sắc tôn giáo trong việc tham gia tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt luật giao thông đường bộ. MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã phối hợp tổ chức hội thi, sinh hoạt chuyên đề, giao lưu văn hoá văn nghệ, tìm hiểu về Luật an toàn giao thông tại các khu dân cư, kết quả đã tổ chức được 45 buổi thu hút trên 3.195 lượt người tham gia, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 235 buổi tuyên truyền trong các cộng đồng dân cư về nâng cao nhận thức tự giác đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, nhằm giảm số vụ và người tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.Ông Lê Đủ - Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh Phú Yên:
Trong những năm qua, thực hiện kế hoạch phối hợp giữa MTTQVN tỉnh với Ban an toàn giao thông tỉnh và Chương trình thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Thường trực đã hướng dẫn cho hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục phối hợp triển khai tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; Nghị quyết 32 của Chính phủ; Chương trình phối hợp số 14/CTrPH-MTTW-UBATGTQG giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Ủy ban ATGT Quốc gia về “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bảo đảm trật tự an toàn giao thông lồng ghép với các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông.
Ông Điểu Xuân Hùng - Chủ tịch Mặt trận tỉnh Đăk Nông:
Đắk Nông thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 6.514 km2; dân số khoảng 560.000 người; với 40 dân tộc cùng sinh sống; trong đó dân tộc thiểu số chiếm 30.16% dân số toàn tỉnh; có 7 huyện, 01 thị xã, 71 xã, Phường, thị trấn, 786 thôn, buôn, bon, tổ dân phố; có vị trí chiến lược quan trọng nối Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh và Vương quốc Campuchia. Phương thức giao thông chủ yếu là đường bộ, song việc tham gia TTATGT của tỉnh gtrong năm qua có rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Một là: Phong trào toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông phải luôn được sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quan tâm phối hợp của chính quyền, các ngành chức năng, các tổ chức thành viên của Mặt trận và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, chương trình phải được lồng ghép chặt chẽ vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của hệ thống Mặt trận và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ” phối hợp với ngành văn hóa, Tư pháp, là một nội dung quan trọng trong tiêu chí bình xét danh hiệu thi đua hàng năm như gia đình văn hóa, thôn, buôn, bon, tổ dân phố văn hóa…
Hai là: Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, nhất là Ban Công tác Mặt trận, lực lượng cốt cán ở cơ sở tăng cường công tác thông tin, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình tiên tiến. Động viên những nguời có uy tín tiêu biểu, già làng, trưởng bản để cùng tham gia phong trào bằng nhiều hình thức phong phú phù hợp với từng đối tượng.
Ba là: Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyền truyền, vận động, xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, biểu dương các cá nhân tiêu biểu, nâng cao nhận thức, hiểu biết về trật tự an toàn giao thông trong các tầng lớp nhân dân. Tổ chức rộng rãi việc ký cam kết xây dựng các khu dân cư, xã phường cơ quan, doanh nghiệp, trường học không vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, gia đình, đoàn viên, hội viên cán bộ công chức không có người vi phạm luật giao thông đường bộ.
Bốn là, nội dung phong trào toàn dân tham gia trật tự an toàn giao thông phải đưa vào việc xây dựng các hương ước, quy ước ở khu dân cư. Công tác tổ chức sơ kết, tổng kết đánh gía kết quả hàng năm cần được tiến hành kịp thời để rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày một hiệu quả hơn, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường trong sạch, an toàn, lành mạnh.