Kenya đất nước diệu kỳ
Kenya, đất nước được coi là đặc biệt của châu Phi, là quốc gia có sức hút mãnh liệt với bất cứ ai cho dù cuộc sống chung của người dân còn vất vả, nhất là ở những bộ tộc ít người, trên hoang mạc và đồng cỏ.
Hồng hạc bên hồ Nakuru.
1. Trong số các bộ tộc thổ dân đất nước Kenya, người Massai tới nay vẫn giữ lại những tập tục độc đáo, đặc biệt là trong cung cách sinh hoạt hàng ngày.
Đồng cỏ chính là nơi người Massai chọn để sinh sống. Chính sự bát ngát của những đồng cỏ đã tạo ra lối sống di cư của người Massai, đồng thời cũng cho họ sự phóng khoáng trong tính cách. Thung lũng Great Rift, nơi đất đai màu mỡ và khí hậu ôn hòa, cây cỏ phát triển là vùng tập trung nhiều người Massai nhất. Không chỉ con người, muông thú cũng kéo đến sinh sống. Vì thế, người ta đã ví thung lũng Great Rift là “thiên đường của thế giới hoang dã”.
Ngững ngôi làng của người Massai hết sức độc đáo: cửa không hướng ra ngoài mà lại hướng vào phía trong, có nghĩa là trong một nhóm nhà (trung bình là 8 nhà), người ta xây dựng thành hình tròn. Cửa ra vào của mỗi ngôi nhà đều mở vào “sân chung” của cộng đồng. Theo giải thích của người dân, đó là cách tốt nhất để tránh việc bị thú hoang tấn công, đồng thời mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng. Do tập quán di cư nên hầu hết các ngôi nhà của người Massai đều làm đơn giản, diện tích nhỏ hẹp, tường là đất sét trộn với phân trâu bò đắp. Còn khung nhà là những cành cây tạo chặt hạ gần khu vực dân cư sinh sống. Vì sao trong tường nhà lại trộn phân trâu bò với đất? Giải thích điều này, người Massai cho rằng điều đó sẽ xua đuổi được ruồi muỗi, rắn rết.
Cho dù động vật hoang dã nhiều nhưng người Massai không có thói quen săn bắn, mà thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày đến từ đàn gia súc nuôi thả. Chính vì vậy, bất cứ người Massai nào cũng đều là người chăn nuôi giỏi. Hai vật nuôi phổ biến là bò và cừu. Nhà nào cũng có một đàn bò với những chiếc sừng rất dài và một bầy cừu để lấy lông và thịt. Để bảo vệ đàn gia súc trước thú hoang, người ta làm những hàng rào khá chắc chắn và cắt cử người trông nom cả ngày lẫn đêm. Đàn ông Massai thường mang bên mình giáo dài và dao găm.
Nếu với đàn ông trưởng thành, theo tập tục phải nhổ một chiếc răng cửa và xâu lỗ tai, thì phụ nữ lại cạo trọc đầu và mang rất nhiều loại trang sức nhiều màu sắc.
Samburu, một bộ tộc nổi tiếng ở Kenya.
2. “Thiên đường của thế giới hoang dã Kenya” tới nay vẫn là nơi có nhiều loài mãnh thú bậc nhất thế giới, trong đó có voi, trâu rừng, báo, tê giác... Ở đây, ngựa vằn, trâu rừng, sơn dương kéo nhau đi từng đàn, có đàn lên tới cả ngàn con. Mỗi lần dịch chuyển của chúng tạo nên một cơn địa chấn. Còn tê giác đen và tê giác trắng dù hiếm hoi nhưng vẫn sống lẩn khuất và cũng không khó để thấy chúng trong môi trường tự nhiên.
Để bảo vệ những loài dã thú, người ta xây dựng nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, lớn nhất là Khu bảo tồn Massai Mara, với diện tích lên đến 1.500km2. Rất nhiều loài thú hoang dã sống ở đây, đáng kể nhất là 5 loài gồm voi, sư tử, trâu rừng, báo, tê giác. Cũng chính từ ý thức bảo vệ thiên nhiên, nên đàn thú hoang ở Kenya vẫn duy trì được số lượng, chỉ trừ loài tê giác do bị săn bắn quá dữ dội nên đang bị hao hụt. Đáng chú ý, do bảo tồn tốt nên hàng năm từ tháng 7 cho đến tháng 10, hàng trăm nghìn con linh dương, trâu rừng, ngựa vằn… từ ở Tanzania đã tìm tới Maasai Mara. (Kenya), cho dù chúng phải di chuyển trên chặng đường dài tới gần 2.900km, trong đó có việc phải vượt qua con sông Massai rộng lớn và đầy hung hiểm đến từ lũ cá sấu.
Kenya, thiên đường hoang dã.
3. Cũng với những đàn thú hoang, Kenya còn là nơi tìm đến của những đàn hồng hạc khổng lồ. Tháng 8, hồng hạc bay rợp trời, hạ cánh xuống những hồ nước mát mẻ. Người ta nói rằng, Kenya là điểm ngắm hồng hạc đẹp nhất thế giới.
Hồng hạc gồm nhiều loài, nhưng màu lông bao giờ cũng nhiều sắc đỏ, tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo. Không chỉ hạ cánh xuống các hồ nước, chúng còn “lang thang” trong các đồng cỏ. Hồng hạc sống theo đàn, mỗi đàn trung bình từ 500-600 con, cá biệt có đàn lên tới cả ngàn con. Trong thung lũng Rift, hồ Bogoria chính là điểm hạ cánh yêu thích nhất của loài chim này. Từ đây chúng có thể dễ dàng bay tới các hồ Nakuru, Naivasha tìm kiếm thức ăn. Thật khó hình dung được rằng, tại hồ Nakuru, mỗi năm có hơn một triệu con hồng hạc dừng chân. Mỗi ngày chúng “ngốn” hết chừng 500 tấn tảo. Tuy nhiên, do hồ Nakuru ngày một ô nhiễm, nên hồng hạc đã dần chia nhỏ tới các hồ khác gần đó, như Elmentenia, Simbi Nyaima hay Bogoria.
Đó là với các hồ nước, còn trên đồng cỏ sự sinh tồn của các loài muông thú cũng vô cùng sinh động. Cuộc chiến sinh tồn trên đồng cỏ diễn ra hàng ngày, đó cũng chính là quy luật cân bằng sinh thái của cuộc sống tự nhiên. Sư tử chính là “vua” đồng cỏ. Chúng chính là sát thủ đáng sợ nhất của lục địa đen. Chỉ với một cú tát chí mạng, sư tử đã có thể hạ gục một con sơn dương để làm bữa ăn cho mình.
Tương tự, báo đốm cũng là nỗi đe dọa hủy diệt. Chúng là những “thợ săn” cực giỏi khi bản năng cho chúng cách rình mồi và săn mồi. Với khoảng cách chừng 50 mét, một con sơn dương hoàn toàn có thể rơi vào vòng ngắm của báo đốm: với những cú bật dữ dội, nó tiếp cận con mồi một cách dễ dàng. Đây cũng là loài thú thông minh, khi truy đuổi con mồi, nó không lao thẳng vào ngay mà tạm dừng đuổi để phán đoán con mồi sẽ rẽ theo hướng nào. Do đó, có khôn ngoan như đà điểu hoặc gà rừng thì cũng khó toàn mạng khi bị báo gấm tấn công.
Bình minh và hoàng hôn Kenya tuyệt đẹp. Ánh mặt trời dịu dàng tỏa xuống đồng cỏ, hồ nước và những mái nhà. Đó là một vẻ đẹp hòa quyện giữa thiên nhiên với cuộc sống con người khó nơi nào có được.