Đánh thức du lịch biển đảo
Phát triển du lịch biển đảo nói chung và tại Quảng Ngãi nói riêng vừa là việc phát huy di sản văn hóa biển, vừa gắn với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Nhưng trên thực tế, mọi thế mạnh du lịch biển đảo hiện vẫn đang ở dạng tiềm năng. Đây là những nhận định được đưa ra tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn hóa dân gian với vấn đề biển đảo” vừa được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức tại Quảng Ngãi.
Biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).
Di sản văn hóa biển vẫn ngủ quên
Ông Phan Đình Độ- phụ trách phòng Quản lý Di sản (Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi) khẳng định: Vùng biển địa phương nổi tiếng không chỉ với di sản văn hóa vật thể mà còn là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể phong phú, phản ánh sinh động đời sống của cư dân biển đảo. Ngoài các di chỉ khảo cổ học về nền văn hóa Sa Huỳnh, trong những năm gần đây ở vùng ven biển Quảng Ngãi còn phát hiện nhiều tàu cổ đắm ở vùng biển Vũng Tàu (Bình Châu- Bình Sơn) và Lý Sơn.
Qua khảo sát dọc ven biển Quảng Ngãi và Lý Sơn có đến hàng trăm di tích đền thờ cá Ông (Thần Nam Hải)- một vị “phúc thần” của ngư dân làm nghề đánh bắt hải sản; rồi đền thờ các nữ thần ( Thiên y a na, Thủy Long, Ngũ Hành…) của ngư dân làm nông nghiệp và thủ công; đình làng, đền miếu âm linh tự thờ các thần Thành hoàng làng, tiền hiền, hậu hiền- những người có công với quê hương đất nước.
Các di tích đền, miếu nói trên được người dân xây dưng, tôn tạo mang nhiều giá trị về lịch sử văn hóa và nghệ thuật kiến trúc... Bên cạnh đó, trong các di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội là một sáng tạo văn hóa độc đáo và mang đậm nét đặc trưng của văn hóa biển.
Ở vùng biển đảo Quảng Ngãi hàng năm có rất nhiều lễ hội truyền thống được duy trì từ đời này sang đời khác như Lễ hội đua thuyền tứ linh truyền thống ở 2 xã An Vĩnh và An Hải (Lý Sơn); hội đua thuyền ở các xã ven biển Bình Thuận, Bình Châu (Bình Sơn); lễ hội ra quân đánh bắt hải sản ở Sa Huỳnh, Lý Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức; lễ hội Nghinh ông kết hợp với hát múa bả trạo ở làng Hải Ninh, Đông Yên, Mỹ Tân (huyện Bình Sơn)…
Đặc biệt trong số những di sản văn hóa phi vật thể kể trên, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm ở đảo Lý Sơn là một lễ hội gắn liền với việc thực thi chủ quyền của quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân những Cai đội và binh phu Hoàng Sa đã hi sinh trên biển khi làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Dẫu vậy tại hội thảo vừa rồi, các đại biểu cùng có chung nhận định với tiềm năng phát triển du lịch biển đảo rất phong phú, lẽ ra Quảng Ngãi đã trở thành một điểm đến rất hấp dẫn. Song cho đến nay, những tiềm năng ấy vẫn chưa được đánh thức. Để trả lời câu hỏi làm thế nào để thu hút khách du lịch đến với vùng biển này vẫn là bài toán hết sức nan giải.
TS Đặng Hoàng Lan (Khoa Du lịch- Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh) phân tích: nếu tính toán dựa trên các con số thống kê có thể thấy lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Quảng Ngãi trong vòng 5 năm qua tăng qua mỗi năm; cơ sở vật chất phục vụ việc lưu trú của du khách được xây dựng nhiều hơn… nhưng so với tiềm năng thì vẫn còn hạn chế với các địa phương khác.
Theo phân tích của TS Đặng Hoàng Lan, nguyên nhân bởi nhiều sản phẩm du lịch được hình thành nhưng lại không phát huy hiệu quả; công tác quảng bá du lịch chưa được chú trọng. Do đó để du lịch Quảng Ngãi phát triển, trước mắt cần tập trung lấy Lý Sơn làm điểm nhấn.
Tái hiện lễ khao lề thế lính ở đảo Lý Sơn.
Phát triển “du lịch ý thức” ở Lý Sơn
Theo TS Đặng Hoàng Lan, ngay cả việc chọn Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để làm cơ hội quảng bá cho du lịch Quảng Ngãi, hiện những gì đang diễn ra cũng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của di sản. Từ năm 2013 Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Tuần văn hóa biển đảo Quảng Ngãi được tổ chức với qui mô lớn, Lý Sơn đã đón hàng ngàn lượt khách thập phương về đảo dịp này. Nhưng hiện tại cơ sở hạ tầng du lịch phục vụ lưu trú của khách tham quan còn quá ít ỏi.
Đồng tình với quan điểm này, TS Trần Hữu Sơn- Phó Chủ tịch Hội VNGD Việt Nam cũng cho rằng, Quảng Ngãi có nhiều thế mạnh về phát triển du lịch biển đảo, nhưng hiện vẫn đang bỏ ngỏ tiềm năng, hoặc có phát triển cũng vẫn còn đơn điệu, chủ yếu xây dựng sản phẩm du lịch trên 2 tour chính là “Lý Sơn- biển đảo quê hương” và “Theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm”.
Trong 5 tour du lịch của Cty CPDL Quảng Ngãi quảng bá thì có tới 3 tour có điểm đến là bãi biển Mỹ Khê. Nhưng hoạt động của các điểm đến này chỉ là…tắm biển. Theo TS. Trần Hữu Sơn, bên cạnh chương trình du lịch “Lý Sơn- biển đảo quê hương” cần nghiên cứu bổ sung chương trình riêng mang tính đặc thù là “Tiếng gọi Hoàng Sa”, “Lý Sơn mùa tỏi”, “Hành trình của các thần linh”…Trong đó bổ sung các trải nghiệm về khám phá biển, khám phá san hô, khám phá tri thức dân gian về văn hóa tỏi…
Theo TS Đặng Hoàng Lan, Lý Sơn cần phát triển mạnh mẽ một hình thức du lịch mới hướng về đảo Lý Sơn và Hoàng Sa: Đó là du lịch ý thức chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nói du lịch ý thức với nghĩa đây là hình thức du lịch mà ý thức của người đi du lịch phải được đặt lên hàng đầu, trước cả mục đích tham quan hay khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của thiên nhiên và con người nơi đến du lịch.
Ngoài ra, việc tổ chức các tour du lịch cũng cần liên kết với các địa phương lân cận để mở các tuyến du lịch ven biển đến Lý Sơn như Cù Lao Chàm- Lý Sơn; Đà Nẵng- Lý Sơn, Bình Ba- Lý Sơn…
Nhằm đa dạng các sản phẩm du lịch ở Quảng Ngãi và Lý Sơn, bên cạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch thuần túy như tham quan, nghỉ dưỡng biển đảo, cần phát huy, xây dựng sản phẩm du lịch lịch sử văn hóa- khảo cổ; du lịch di tích lịch sử văn hóa “thăm lại chiến trường xưa”….
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, có một tin vui là tới đây sẽ có cây cầu vượt biển nối đảo Lớn với đảo Bé ở huyện đảo Lý Sơn- Quảng Ngãi được xây dựng. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nằm trong dự án qui hoạch huyện đảo Lý Sơn- một huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.