Tranh thật, tranh giả
Cho tới ngày 19/7 vừa qua, nghi vấn tranh giả đã được hóa giải thông qua thẩm định của Hội đồng thẩm định nghệ thuật- bao gồm những họa sĩ tên tuổi như Lương Xuân Đoàn, Lê Huy Tiếp, Vi Kiến Thành, Thành Chương…
Họa sĩ Thành Chương bên bức tranh phía dưới đề chữ: “Trừu tượng, tác giả Tạ Tỵ, thể loại sơn dầu, kích cỡ 47x56 cm, 1952”.
17 bức tranh có mặt trong triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu trở về” khai mạc ngày 10/7 vừa qua tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã được giữ lại để phục vụ công tác điều tra.
Để xảy ra triển lãm tranh giả của những danh họa tên tuổi Việt Nam tại một bảo tàng lớn như Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, trách nhiệm thuộc về ai? Trước đó, lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP đã thừa nhận về mặt chuyên môn, bảo tàng sẽ phải rút kinh nghiệm làm sao tránh tình trạng những tác phẩm không phù hợp hoặc giả đưa vào bảo tàng.
Ngày 20/7, trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này, họa sĩ Lê Huy Tiếp cho biết đáng lẽ hội đồng thẩm định triển lãm tranh với sự tham gia của các chuyên gia hội họa phải được lập ra trước khi triển lãm khai mạc. Đằng này chỉ sau khi sự việc đã rồi, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh mới lập hội đồng thẩm định nghệ thuật.
Theo ông Tiếp, các triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và ở Hà Nội đều tổ chức hội đồng thẩm định có sự tham gia của các chuyên gia mỹ thuật trước khi cấp phép triển lãm. Ông Tiếp cũng cho rằng, sau vụ việc tranh giả được triển lãm trong một bảo tàng lớn, cần phải đặt ra vấn đề trách nhiệm của đơn vị tổ chức, cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Hơn nữa là xem xét lại qui trình cấp phép triển lãm các tác phẩm nghệ thuật hiện nay.
Qua vụ việc triển lãm tranh giả, công chúng thưởng lãm tranh cũng nhìn thấy rõ hơn năng lực chuyên môn của Hội đồng khoa học của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Dư luận đặt câu hỏi: đây liệu có là kẽ hở đối với Hội đồng khoa học bảo tàng với những BST tiếp theo đưa tranh từ nước ngoài về Việt Nam hay không? Hơn thế, với năng lực chuyên môn của Hội đồng khoa học của Bảo tàng có giới hạn, sẽ có nguy cơ nhiều người có thể tuồn tranh giả và thông qua bảo tàng để có thể hợp thức hóa việc bán lại (“rửa tranh”) hoặc đấu giá tranh về sau hay không? …
Và trong khi chờ kết luận rõ ràng từ cơ quan điểu tra, vụ việc triển lãm tranh giả khiến cả người trong và ngoài giới đều đặt ra nghi vấn rằng: Liệu có hay không những đường dây buôn bán tranh giả xuyên quốc gia đã và đang tồn tại, được tiếp tay từ những kẽ hở pháp luật…