'Đại án Ngân hàng Xây dựng': Rút hàng ngàn tỷ đồng quá dễ

Lê Anh 21/07/2016 00:09

Ngày 20/7, TAND TP HCM tiếp tục ngày xét xử thứ 2 vụ đại án tham nhũng gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) do Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) đứng đầu cùng với 35 đồng phạm liên quan.

'Đại án Ngân hàng Xây dựng': Rút hàng ngàn tỷ đồng quá dễ

Phạm Công Danh trong ngày thứ 2 hầu tòa (Ảnh: Hồng Phúc).

Trong ngày thứ 2 xét xử vụ án, ông Trần Ngọc Quang – đại diện Viện KSND TP HCM thực hành quyền công tố, tiếp tục công bố bản cáo trạng (số 20/CT-VKSTC-V3) có độ dài tới 123 trang.

Trong số hơn 30 bị cáo có mặt trước tòa vào ngày 20/7 đều hầu hết là những gương mặt còn rất trẻ. Đáng chú ý, có 4 bị cáo nguyên là các thành viên của Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB nhưng bị mê muội bởi ma lực của đồng tiền, bị cáo buộc với hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh.

Ngoài trách nhiệm của 4 bị cáo nêu trên trong Tổ giám sát, cáo trạng cũng cáo buộc đối với 25 bị cáo khác, nguyên là các cán bộ, nhân viên ngân hàng; cán bộ, nhân viên một số công ty do Phạm Công Danh lập ra về các hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo buộc với cả 2 hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999) và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (điều 179, Bộ luật Hình sự năm 1999) có 7 bị cáo là Phạm Công Danh đứng đầu; tiếp theo là các bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng GĐ VNCB); Mai Hữu Khương (nguyên GĐ VNCB - Chi nhánh Sài Gòn); Hoàng Đình Quyết (nguyên GĐ VNCB - Chi nhánh Lam Giang); Nguyễn Quốc Viễn (nguyên Trưởng Ban kiểm soát VNCB); Phan Minh Tùng (nguyên phụ trách Tổ tài chính Tập đoàn Thiên Thanh) và Bạch Quốc Hảo (nguyên Phó GĐ công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của VNCB).

Đáng chú ý, nhiệm vụ chính của các nhân viên tín dụng, nhân viên ngân hàng các chi nhánh là kiểm tra hồ sơ khách hàng, soạn thảo hợp đồng, trình lãnh đạo ngân hàng phê duyệt và thực hiện giải ngân, thu nợ đối với khách hàng,…, thế nhưng dưới sự chỉ đạo của Phạm Công Danh thì nhiều nhân viên ngân hàng thực hiện sai chức năng của mình, tìm các pháp nhân để lập hồ sơ vay tiền tại chính ngân hàng VNCB do Danh làm Chủ tịch HĐQT.

Sau đó, ông Danh tiếp tục chỉ đạo các nhân viên ngân hàng dưới quyền hoàn tất, phê duyệt hồ sơ vay tiền của các công ty “ma” (chỉ có pháp danh không có hoạt động). Sau khi chủ các doanh nghiệp “ma” này vay được tiền ngay lập tức số tiền này được chuyển qua nhiều tài khoản trung gian khác rồi sau cùng chuyển về lại tài khoản của ông Danh, hoặc được rút tiền mặt sử dụng trái pháp luật.

Cáo trạng của Viện KSND Tối cao cũng điểm lại một loạt các hành vi khai khống để “phù phép” gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước.

Trong đó, điển hình là việc Phạm Công Danh và các đồng phạm thực hiện lập hồ sơ khống thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking và rút ra hơn 63,2 tỷ đồng của Ngân hàng VNCB; Lập khống hợp đồng thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành, rút ra hơn 201 tỷ đồng; Lập hợp đồng thuê trụ sở tại 816, Sư Vạn Hạnh của Công ty Hương Việt, rút ra 400 tỷ đồng; Rút gần 5.200 tỷ đồng nhưng không chứng từ, không có chữ ký của chủ tài khoản; rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng VNCB gần 5.500 tỷ đồng; Rút 903 tỷ đồng từ Ngân hàng VNCB dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Công ty Cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt…

Trong các hành vi lập khống hồ sơ, hợp đồng nêu trên, ông Danh mới hoàn trả được 20 tỷ đồng, trong số gần 600 tỷ đồng gây thất thoát.

Tổng hợp nhiều các sai phạm nêu trên, Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Ngân hàng VNCB với số tiền lên đến hơn 9.000 tỷ đồng.

Hôm nay (21/7), phiên tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.

Lê Anh