Xác định sai vùng tìm kiếm MH370 trong suốt 2 năm qua?
Các nhà điều tra tại một công ty Hà Lan đang dẫn đầu quá trình tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines cho hay có khả năng máy bay đã lướt đi chứ không đâm thẳng xuống. Điều này có nghĩa rằng nhiều khả năng người ta đã tìm kiếm sai khu vực trong suốt 2 năm qua.
Một mảnh vỡ được xác nhận thuộc chuyến bay MH370
được giới chuyên gia khám xét tỉ mỉ. (Nguồn: DM).
Giả thuyết mới
Chuyến bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines đã biến mất vào tháng 3/2014 cùng 239 hành khách và phi hành đoàn trong lịch trình bay từ Bắc Kinh đến Kuala Lumpur. Kể từ đó, các đội thợ lặn thuộc tập đoàn Fugro của Hà Lan đã rà soát trong một vùng biển có diện tích gần bằng đất nước Hy Lạp trong suốt 2 năm.
Cuộc tìm kiếm, bao phủ khu vực rộng 120 km vuông vùng biển Nam Ấn Độ Dương phía Tây Australia, dự kiến sẽ kết thúc trong 3 tháng tới sau một cuộc họp của các nước Malaysia, Trung Quốc và Australia sắp tới. Đến nay, các đội tìm kiếm vẫn chưa tìm được manh mối nào về MH370.
“Nếu nó không ở đó, có thể nó đã rơi ở đâu khác” - Giám đốc dự án của Fugro, ông Paul Kennedy, nói với hãng tin Reuters.
Ông Kennedy nói rằng ông không loại bỏ việc không tìm thấy chiếc máy bay này trong khu vực khoanh vùng tìm kiếm là do nó đã được điều khiển vào những phút cuối nên có thể đã lướt đi trên biển thoát ra khỏi vùng tìm kiếm mà người ta ước tính trước đó dựa vào hình ảnh chụp từ vệ tinh.
“Nếu lúc đó nó được điều khiển, nó có thể lướt đi thêm một đoạn đường dài” - ông Kennedy nói - “Nó có thể đã lướt ra khỏi khu vực tìm kiếm của chúng tôi”.
Sự nghi ngờ rằng đội ngũ tìm kiếm hiện nay đang thực hiện chiến dịch trong một khu vực sai lầm có khả năng sẽ làm dấy lên nhiều lời kêu gọi minh bạch thông tin để các học giả cùng các công ty tư nhân nhập cuộc.
Bình luận mà phía tập đoàn Fugro đưa ra liên quan tới khả năng máy bay không đâm thẳng xuống biển đã khiến nhiều người đưa ra giả thuyết rằng, có ai đó đã tiếp tục điều khiển máy bay trong những khoảnh khắc cuối cùng. Trước đó, nhiều giả thuyết đưa ra nói rằng 2 phi công có thể đã rời buồng lái, hoặc máy bay bị cướp… và chiếc máy bay mất hoàn toàn kiểm soát khi nó bổ nhào xuống biển.
Thêm phần bí ẩn, các nhà điều tra còn tin rằng ai đó có thể đã tắt bộ truyền tín hiệu của máy bay trước khi lái nó đi chệch đường bay đến hàng nghìn dặm.
Tuy nhiên, giả thuyết cho rằng máy bay đã được ai đó lái lướt đi một quãng đường dài không nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan điều tra có liên quan gồm: Tập đoàn Boeing, hãng Thales SA của Pháp, Cơ quan An toàn Giao thông quốc gia Mỹ, công ty vệ tinh Inmasat PLC của Anh và tổ chức Khoa học Công nghệ quốc phòng Australia.
Ngừng chiến dịch tìm kiếm?
Cuộc họp giữa quan chức đến từ Trung Quốc, Australia và Malaysia dự kiến sẽ được tổ chức trong ngày 22/7 nhằm thảo luận về tương lai của chiến dịch tìm kiếm MH370. Chính phủ các nước này trước đó đã thỏa thuận rằng sẽ không tiếp tục mở rộng chiến dịch nếu như không tìm thấy được chứng cứ đáng tin cậy, bất chấp sự phản đối từ gia đình các nạn nhân.
Trong trường hợp chiến dịch tìm kiếm được tiếp tục mở rộng, nó sẽ cần thêm một nguồn vốn lớn từ chính phủ các nước - trong khi trước đó đã chi 180 triệu USD - và khiến nó trở thành chiến dịch tìm kiếm đắt giá nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới.
Còn nhớ trong lúc quyết định khu vực tìm kiếm hồi năm 2014, chính quyền các nước kết luận rằng MH370 đã không có người lái trong khoảnh khắc cuối cùng, có thể do không có phi công trong buồng lái hoặc phi công bất tỉnh. Họ tin rằng nó đã được bật chế độ lái tự động và bổ nhào xuống biển khi cạn nhiên liệu.
Tuy nhiên, ông Kennedy nói rằng một phi công có kỹ năng tốt hoàn toàn có thể cho máy bay lượn thêm khoảng 190 km với độ cao mà nó đang có sau khi cạn nhiên liệu. Reuters dẫn lời một phi công có kinh nghiệm nhiều năm bay với chiếc Boeing 777, nói rằng để máy bay lướt đi khi cạn nhiên liệu như vậy thì phi công cần phải điều khiển bằng tay hoàn toàn, chúc mũi máy bay xuống dưới và giữ tốc độ.
Hiện Cơ quan An toàn Giao thông Australia (ATSB), phụ trách phối hợp tìm kiếm, vẫn bảo vệ quan điểm rằng vùng tìm kiếm được vạch ra là chính xác và chưa có bình luận gì về giả thuyết mới. Trước đây, chính quyền các nước phụ thuộc chủ yếu vào các thông tin mà công ty vệ tinh Inmasat cung cấp để định vị các khu vực mà máy bay có thể rơi.