Dệt may khó cán đích
“Đơn hàng không tăng giá, nhiều đơn hàng về tới Việt Nam nhưng lại bị các đối tác rút ra chuyển sang thị trường khác do giá cạnh tranh hơn, lực lượng lao động biến động mạnh… là những nguyên nhân khiến cho xuất khẩu dệt may ngày càng sụt giảm, và có khả năng khó đạt kim ngạch 30 tỷ USD trong năm nay” – đó là nhận định của các DN ngành dệt may tại cuộc họp báo “Tình hình dệt may 6 tháng đầu năm 2016 – Những vướng mắc và giải pháp tháo gỡ” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức sáng 21/7, tại Hà Nội
Xuất khẩu dệt may sụt giảm, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Nguy cơ mất thị trường hiện hữu
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay không đạt tăng trưởng như kỳ vọng. Cụ thể, trong tháng 6/2016, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 2,346 triệu USD, tăng 14,41% so với tháng 5 và tăng 0,26% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may mới đạt 12,6 tỷ USD và đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Nguyên nhân được Chủ tịch Vitas nêu lên, chủ yếu do yếu tố khách quan như giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, cùng với sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn. “Doanh nghiệp dệt may đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ giá, thị trường, công nghệ quản trị, đến năng suất lao động. Đồng thời đối mặt nhiều rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại tại một số nước, cũng như sức ép về thời gian giao hàng ngày càng rút ngắn, chi phí lao động không ngừng tăng. Nhất là, cơ chế chính sách không ổn định gây ra những tác động đến sự phát triển của cộng đồng DN, dẫn đến các DN trong ngành gặp phải không ít khó khăn” - ông Vũ Đức Giang nhận định.
Cho rằng xuất khẩu dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 mới đạt 12,6 tỷ USD và cho dù rất nỗ lực nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm nay cũng khó thực hiện được mục tiêu 30 tỷ USD, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định: “Mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 30 tỷ USD trong năm 2016 là rất khó”.
Dẫn chứng một cách cụ thể đối với ngành dệt may, ông Dương đánh giá, tác động của việc Anh rời EU đang khiến cho các đồng ngoại tệ giảm giá sâu. Tại các thị trường cạnh tranh mạnh mẽ với Việt Nam trong lĩnh vực dệt may như Ấn Độ, Băng La Đét… họ đã điều chỉnh đồng tiền của nước họ giảm 10 -20% so với đồng USD, thế nhưng tỷ giá đồng Việt Nam vẫn neo ở mức cao với đồng USD, chỉ điều chỉnh giảm có 2%. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá rất mạnh: EU giảm 18%, Nhật Bản giảm 17%, Trung Quốc giảm 8%... Điều này dẫn đến hàng hóa của Việt Nam trở nên quá đắt so với hàng hóa của các thị trường cùng cạnh tranh, khiến cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam bị mất thị trường.
Đối diện nhiều nguy cơ
Không chỉ gặp khó do tỷ giá, các DN ngành dệt may còn đang gặp rất loay hoay trước đề xuất tăng lương tối thiểu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. “Sự điều chỉnh liên tục lương tối thiểu trong những năm qua (mỗi năm tăng từ 12-15%) và sắp tới có khả năng tăng trong năm 2017 này đã đẩy chi phí nhân công của DN lên cao, thủ tiêu sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Cụ thể, với chi phí cho lao động trong ngành may chiếm 70-72% trong đơn giá gia công, thì mức tăng lương tối thiểu hàng năm đã làm hàng hóa Việt Nam đắt hơn từ 8-10% so với các nước khác” – ông Dương nêu rõ. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng quá cao cũng đang khiến các DN phải tăng chi phí sử dụng vốn… Tất cả những yếu tố nói trên, theo ông Dương đang làm giảm sức cạnh tranh của các DN trong nước. “Rõ ràng, các chính sách về lương, lãi suất, tỷ giá... đang trở thành rào cản khiến cho DN không thể mạnh lên được. Đẩy DN vào tình thế “tăng giá sản phẩm thì mất thị trường, không tăng giá thì lỗ” – ông Dương cho biết.
Đồng tình với nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng Giám đốc Công ty May 10 cũng cho rằng, chính các cơ chế chính sách mà nhà quản lý đưa ra đang trực tiếp gây áp lực lên các DN. Theo bà Huyền, sở dĩ thời gian qua, nhiều đơn hàng của các đối tác nước ngoài chuyển qua các thị trường như Ấn Độ, Băng –la – đét, Campuchia... là bởi, các quốc gia này đã liên tục đưa ra những chính sách ưu tiên cho DN như việc họ điều chỉnh giảm mức lương tối thiểu, giảm bảo hiểm, hỗ trợ các vấn đề về thuế… nhằm giúp cho DN của họ nhẹ gánh chi phí đầu vào, giúp giảm giá thành sản phẩm, thì Việt Nam lại đi ngược với xu thế đó. Cái gì cũng tăng, đội chi phí của DN lên cao. “Đó là lý do tại sao thời gian qua, các DN dệt may liên tục bị sụt giảm đơn hàng, nếu tiếp tục diễn biến theo chiều hướng đó, chúng ta sẽ đánh mất dần thị trường. Và lúc đó không chỉ nguy cơ sụt giảm xuất khẩu, mục tiêu kim ngạch 30 tỷ USD không đạt được, mà tình huống xấu hơn là lao động ngành Dệt may bị thất nghiệp hàng loạt” – bà Huyền bày tỏ quan ngại.
Trước hàng loạt những trở ngại về chính sách đang dồn các DN ngành dệt may vào thế bí, các DN ngành dệt may đều đồng thanh lên tiếng đề xuất, Chính phủ cần có những động thái cải thiện về chính sách, môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa mới tạo được động lực, để các DN ngành dệt may có thể nâng cao năng lực cạnh tranh. “Trong đó, vấn đề về lãi suất, tỷ giá, lương tối thiểu cần phải được điều chỉnh ngay để giảm nhẹ gánh nặng, áp lực cho cộng đồng DN trong bối cảnh cạnh tranh hàng hóa khốc liệt như hiện nay” – Chủ tịch Vitas nhấn mạnh.