Nông nghiệp Việt Nam: Liên kết là yếu tố quyết định để phát triển
Ngày 22/7, chương trình “Vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam” đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh với sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp và 150 chủ trang trại, nông dân sản xuất giỏi trên toàn quốc. Đây là chương trình thường niên, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam và Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Chương trình “Vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam” năm 2016.
Năm nay, do tình hình thời tiết và thị trường, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta như: Cá tra, cà phê, cao su, lúa gạo đề gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nước ta đang đàm phán 7 Hiệp định thương mại tự do với các đối tác đa phương, khu vực và song phương về lĩnh vực nông nghiệp. Theo tiến trình đàm phán và ký kết, đến trước năm 2020, nước ta sẽ bước vào những “sân chơi chung” với hàng chục nước có nền nông nghiệp hiện đại trên thế giới.
Nhìn lại gần 3 năm thực hiện Quyết định số 62/2013, ngày 25/10/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, việc liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Một số tỉnh, thành phố được xem là “điểm sáng” của sự liên kết như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… cũng chỉ có một bộ phận nhỏ người nông dân được bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản cho biết, khó khăn nhất trong việc liên kết với người nông dân hiện nay là thói quen sản xuất theo kiển truyền thống, mang nặng tính tự phát và nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, do trình độ hạn chế nên người nông dân không mạnh dạn ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong khi đó, hoạt động của Hội nông dân các cấp chưa mang lại hiệu quả thiết thực, chủ yếu vẫn là hoạt động phong trào, hình thức. Muốn liên kết hiệu quả, cần phát huy hơn nữa vai trò của tín dụng trong hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kiên Cường cho biết:
Theo tôi thì chính quyền địa phương nói chung, hội nông dân nói riêng phải tổ chức thực hiện nhiệm vụ làm cầu nối để người nông dân liên kết với doanh nghiệp một cách hiệu quả quả hơn. Chúng ta không thể dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu, những phong trào hay những đợt vận động nữa. Mỗi người, mỗi cơ quan làm nhiệm vụ này phải coi mình là người trong cuộc và xác định mình có trách nhiệm trong đó.