Thổ Nhĩ Kỳ - phương Tây rạn nứt sau đảo chính bất thành

Khánh Duy 22/07/2016 22:25

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22/7 tiếp tục thúc giục phía Mỹ nhanh chóng dẫn độ một giáo sỹ lưu vong mà họ cho là có liên hệ với cuộc đảo chính bất thành xảy ra hồi tuần trước. Vấn đề này hiện đang trở thành mối bất hòa căng thẳng giữa hai nước đồng minh cùng thuộc khối NATO.

Cuộc thanh trừng khốc liệt mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện khiến các đồng minh phương Tây không hài lòng. (Nguồn: Reuters).

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã nói với hãng truyền hình nhà nước TRT rằng nước này sẵn sàng tham gia vào một ủy ban mà phía Washington đề xuất thành lập để thảo luận về việc dẫn độ giáo sỹ Fethullah Gulen - đang sống tịa Mỹ - về nước dù rằng ông vẫn khẳng định ủy ban này là không cần thiết vì nó quá mất thời gian.

“Nếu các bạn muốn vạch ra kế hoạch dẫn độ Gueln về nước, nó sẽ phải mất nhiều năm. Nhưng nếu các bạn quyết định luôn thì nó sẽ hoàn thành trong một thời gian ngắn” - ông Cavusoglu nói trong một bài phát biểu được hãng tin Reuters dẫn lại.

Sau kế hoạch đảo chính bất thành diễn ra đêm 15/7 do một phe phái trong quân đội thực hiện, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một cuộc thanh trừng khốc liệt trong ngành quân đội nước này; trong đó hàng loạt các vụ bắt giữ binh sỹ, cảnh sát, thẩm phán, công tố viên… diễn ra cùng hàng nghìn người khác bị sa thải.

Chính phủ nước này đến nay vẫn cho rằng những người ủng hộ giáo sỹ Gulen, người hiện sống ở bang Pennsylvania (Mỹ), là những kẻ đứng đằng sau kế hoạch lật đổ chính quyền này và liên tục đề nghị Mỹ dẫn độ người này về Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên phía Mỹ cũng yêu cầu Ankara cung cấp bằng chứng về sự liên quan của vị giáo sỹ này.

Theo giới phân tích, bất kỳ tổn hại nào trong mối quan hệ song phương Mỹ-Thổ cũng có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng trong toàn khu vực. Là một thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và dẫn đầu trong các nỗ lực kiểm soát dòng người di cư tới châu Âu.

Đến nay, ông Gulen đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới đảo chính, thậm chí cho rằng chính Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tự vẽ ra cuộc đảo chính này nhằm củng cố quyền lực. Trong khi đó, ông Erdogan đã kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình ban đêm một tuần sau cuộc đảo chính, gọi nó là “liều thuốc” xoa dịu cuộc đảo chính.

“Tôi đang yêu cầu đất nước anh hùng của tôi, đất nước đã phá được âm mưu đảo chính bằng sự dũng cảm, tiếp tục tuần hành vì dân chủ trên đường phố cho tới khi đất nước dẹp bỏ được tình trạng khó khăn này mãi mãi” - ông Erdogan nói đêm 21/7.

Trong một tín hiệu cho thấy căng thẳng vẫn tiếp diễn, nhiều người biểu tình đã tổ chức bao vây một căn cứ quân sự ở thủ đô Ankara bằng xe tải và xe ủi vì lo ngại các động thái từ phía quân đội.

Tính đến nay đã có trên 10.000 người đã bị bắt giữ vì liên quan tới đảo chính, trong số này còn có cả nhà hoạt động nhân quyền hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Kemal Cengiz. Hàng chục nghìn người khác đang bị điều tra. Trong một bài phát biểu mới đây, Tổng thống Erdogan còn nhấn mạnh về sự cần thiết phải “thanh trừng” xã hội và sự tồn tại của một con “virus” trong lực lượng quân đội.

Điều mà phương Tây lo ngại nhất là, mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ còn tuyên bố một lệnh tạm ngừng một thỏa thuận về nhân quyền mà họ soạn thảo, trong đó bao gồm các vấn đề như khám xét và bắt giữ. Các nhà làm luật ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho phép chính phủ điều hành đất nước bằng quy định trong khoảng thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng tới.

Các động thái cứng rắn này dường như đã đi ngược lại nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đảm bảo rằng cuộc đảo chính vừa qua sẽ không làm tổn hại tới nền kinh tế hay gây tổn hại vĩnh viễn tới mối quan hệ giữa họ và phương Tây.

Trước đây, sau cuộc đảo chính quân sự hồi năm 1980, thiết quân luật đã được áp dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và họ đã áp đặt tình trạng khẩn cấp trên khắp các khu vực người Kurd sinh sống ở Đông nam nước này hồi năm 1987, mà phải đến 15 năm sau mới gỡ bỏ. Tình trạng khẩn cấp cho phép chính quyền các quyền lực đặc biệt để sử dụng quân đội và các lực lượng an ninh khác để đàn áp các cuộc biểu tình cũng như tụ tập ở nơi công cộng.

Và điều này khiến cho giới lãnh đạo phương Tây không hài lòng. Tại Washington, phụ trách báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest đã nói rằng, các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ đang “theo dõi chặt chẽ” các bước đi tiếp theo của ông Erdogan.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục họ bảo vệ các truyền thống và thể chế dân chủ đã giúp họp đảo ngược kế hoạch đảo chính ngay từ ban đầu và đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của họ trong tương lai” - ông Earnest nói hôm 21/7.

Khánh Duy