'Con vượn' Hà Bôn và 'Bảo tàng bóng đá' độc nhất vô nhị Việt Nam
Các cầu thủ từ già tới trẻ, thậm chí là những cựu cầu thủ giải nghệ cả chục năm nay, vẫn gọi ông bằng “bố Bôn” đầy trìu mến và trân trọng. Ông bố gần 80 tuổi ấy ngày qua ngày vẫn rong ruổi khắp từ Bắc vào Nam, để sưu tầm, tìm kiếm những kỷ vật về bóng đá bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Tiếng lành đồn xa, như một cơ duyên, những kỷ vật vô giá cứ tự tìm đến ngôi nhà nhỏ 3 tầng ở phố Núi Trúc – Hà Nội, nơi được gọi là “bảo tàng bóng đá Việt Nam”, với vị “Viện trưởng” Hà Bôn phúc hậu, đam mê với tr
“Con vượn Thuế vụ”
Hà Bôn thuộc thế hệ những cầu thủ trưởng thành sau năm 1954, cùng thời với những cái tên đình đám của làng túc cầu Việt Nam như Lê Thế Thọ, Phạm Huỳnh Tam Lang, Trần Duy Long… Nói về Hà Bôn, cựu thủ môn tài ba Trần Văn Khánh vẫn xem ông như người thầy đầu tiên của mình, dù chưa dạy một ngày nào.
Khi còn nhỏ, Trần Văn Khánh vẫn thường ra sân Long Biên để xem Hà Bôn bắt bóng. Chính những cú bay nhảy như mê hoặc lòng người của chàng trai nhỏ thó gốc Hà Nội “xịn”, đã khiến Khánh quyết theo bằng được nghiệp thủ môn.
Mà chẳng riêng gì Trần Văn Khánh, rất nhiều thủ môn giỏi của Việt Nam sau này đều chịu ảnh hưởng bởi phong cách của Hà Bôn. Đó là một phong cách bắt bóng tài hoa, đầy ngẫu hứng nhưng lại vô cùng chắc chắn. Điều đáng ngạc nhiên là nhìn Hà Bôn chẳng ai nghĩ ông là một thủ môn, khi chỉ cao hơn 1m6, sải tay cũng ngắn và chưa từng học một lớp đào tạo bóng đá bài bản nào. Ấy vậy mà Hà Bôn lại bay lượn trong khung gỗ hệt như làm xiếc.
Hà Bôn kể về thời oanh liệt của mình: “Đừng nghĩ nhỏ bé là không thể trở thành thủ môn giỏi. Làm thủ môn quan trọng nhất là chọn điểm rơi, phán đoán tình huống, phản xạ nhanh và ra vào hợp lý. Thật đáng tự hào khi tôi sở hữu những tố chất đó. Suốt một thời sau những năm 1954, cứ gặp Hà Bôn là các tiền đạo đối phương không sao ghi bàn nổi. Tôi còn nhớ mỗi khi có mình bắt gôn, các sân bóng chật kín người tới xem, hạnh phúc, tuyệt vời lắm!”.
Biệt hiệu “con vượn” có từ thời Hà Bôn thi đấu ở các sân phủi. Biết tiếng thủ môn Hà Bôn, đội Sở Thuế vụ đang chơi ở Giải Hạng B của miền Bắc mời ông về bắt chính. Tài năng của Hà Bôn nhanh chóng được khẳng định nên chưa đầy một năm sau, ông được tuyển Đường sắt chơi Giải Hạng A gọi về đầu quân. Năm 1963, như bao lứa trai trẻ miền Bắc, ông Bôn gác lại mọi chuyện để lên đường tòng quân. Vào Quân khu Việt Bắc. Người nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn, ông Bôn gắn với câu nói truyền miệng một thời trong các cầu thủ miền Bắc: “Bay như vượn, lượn như Bôn”.
“Viện trưởng” Viện bảo tàng Hà Bôn
Sau nhiều cuộc hẹn, người viết mới gặp được ông Hà Bôn ở nhà riêng trên đường Trúc Bạch (Hà Nội). Đó là một căn nhà nhỏ 3 tầng, mỗi tầng rộng chưa đầy 20m vuông. Ngôi nhà này với Hà Bôn là một tài sản vô giá, bởi hàng trăm kỷ vật được ông sưu tầm, tìm kiếm gần 20 năm qua, ghi những dấu ấn lịch sử hào hùng của Việt Nam và cả thế giới.
“Khi nghỉ hưu, với tình yêu bóng đá luôn cháy bỏng, tôi có một suy nghĩ là tại sao không sưu tầm những kỷ vật bóng đá để anh em cùng ngồi uống trà mỗi ngày, bàn luận về trái bóng xưa và nay. Mục đích lúc đầu đơn giản là vậy, nhưng cứ như một cơ duyên, các kỷ vật vô giá từ thời bao cấp, tự tìm đến…”, cựu thủ môn Quân khu Việt Bắc Hà Bôn chia sẻ.
Những kỷ vật cứ đầy lên theo thời gian. Căn nhà 3 tầng của ông Bôn giờ đã chật kín những áo, bóng, găng tay, ảnh… về những cựu danh thủ một thời vang bóng cũng như về đội tuyển quốc gia qua các thời kỳ như Lê Thụy Hải, Vương Tiến Dũng, Mai Đức Chung, Nguyễn Cao Cường, Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), đến những Công Vinh, Thành Lương, Kiều Trinh. Không chỉ có các kỷ vật hào hùng của bóng đá Việt, từ nhiều nguồn khác nhau, những chữ ký và áo đấu của các danh thủ Ronaldo, Ronaldinho, Petr Cech, Oliver Kahn... đều có mặt trong bộ sưu tập của cựu thủ môn gần 80 tuổi này.
Ông Bôn chỉ tay vào quả bóng có hai màu vàng-tím trông rất mới. Hóa ra đó là trái bóng đã ghi dấu ấn lịch sử của bóng đá Việt Nam năm 2008, với chức vô địch AFF Cup. Đích thân cầu thủ Lê Công Vinh đã ký và mang tặng cho ông Hà Bôn quả bóng này.
Ông Bôn lại với tay cầm một quả bóng khác có in hình các tuyển thủ đội tuyển Đức. Đây là quả bóng có đầy đủ chữ ký của của cầu thủ Đức, sau khi giành chức vô địch World Cup 2014.
Ở một góc khác là những quả bóng Euro, quả bóng kỷ niệm 100 năm thành lập FIFA, quả bóng ở trận đội tuyển nữ Việt Nam vô địch SEA Games, đội tuyển U22 Việt Nam vô địch Merdeka Cup 2008…
Trong hàng trăm kỷ vật, có một tấm ảnh mà ông Bôn treo nó ở vị trí trang trọng nhất tại phòng khách. Tôi nhận ra ngay đó là thủ môn Schumacher nổi tiếng của CHLB Đức và là một trong những thủ môn xuất sắc nhất thế kỷ 20. Trên tấm ảnh là những dòng chữ và chữ ký do chính thủ môn này tặng cho Hà Bôn. Ông Bôn kể, khi ông đang làm cho Đại sứ quán Đức, vị Đại sứ Đức lúc ấy là bạn của thủ môn Schumacher, biết ông hâm mộ Schumacher đã làm cầu nối để cả hai người làm quen. Sau này, khi đã trở thành bạn thân, cả hai thường xuyên trao đổi thư từ và những kỷ vật bóng đá với nhau.
Vốn là cầu thủ nổi danh, lại từng làm ở Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Đức và thường xuyên thi đấu giao hữu với các đại sứ quán khác nên Hà Bôn có mối quan hệ rộng, được nhiều người quý mến. Hầu hết các kỷ vật bóng đá thế giới trong “bảo tàng” đều do các đồng nghiệp làm ở đại sứ quán đi công tác nước ngoài tìm mua mang về tặng.
Còn ở trong nước, ngoài những kỷ vật tự tìm đến “bảo tàng”, ông Bôn hàng ngày vẫn rong ruổi khắp từ Bắc vào Nam để tìm kiếm, sưu tầm các kỷ vật về bóng đá.
Ông Bôn may mắn vì thú vui, niềm đam mê của mình được vợ con, bạn bè, lớp đàn em chia sẻ, giúp đỡ. Thế nên ông mới có một căn nhà trưng bày những kỷ vật bóng đá có một không hai ở Việt Nam. Điều ấy càng khiến ông tiếp tục quá trình tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật bóng đá, bởi bộ sưu tập vẫn còn thiều nhiều thứ lắm, nhất là những đôi giày, bộ quần áo, quả bóng thi đấu, cờ thưởng… từ thời bao cấp.
Tặng chứ không bán
Ông Bôn đưa tôi từ tầng 1 tới tầng ba, chỉ từng bức ảnh, từng trái bóng, những đôi găng tay, áo thi đấu. Với ông Hà Bôn, những kỷ vật trong bộ sưu tập của mình là thứ tài sản vô giá. Có người đã từng gạ Hà Bôn bán một trong số những kỷ vật ấy với giá hàng chục nghìn USD nhưng ông từ chối.
“Tôi sưu tầm là vì đam mê và tình yêu với bóng đá, chứ không phải để bán. Những kỷ vật bóng đá kia rồi có ngày sẽ được trao lại cho con cháu tôi. Chúng sẽ tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật vô giá. Tôi muốn những thế hệ về sau, sẽ luôn nhớ về thế hệ trước, qua những kỷ vật như thế này”, ông Bôn tâm sự.
Có một điều mà ông Hà Bôn vẫn trăn trở bấy lâu nay, là bóng đá Việt Nam đã trải qua hàng chục năm phát triển, nhưng đến giờ vẫn chưa có một bảo tàng đích thực. Ngay cả Liên đoàn bóng đá Việt Nam, cũng chỉ trưng bày một số hình ảnh, cúp, cờ gọi là cho có, chứ chưa xứng tầm với sự phát triển của bóng đá nước nhà.
“Khi nào Việt Nam có bảo tàng bóng đá, tôi sẽ hiến tất cả những kỷ vật mình có. Xét cho cùng, đó là tài sản chung của bóng đá Việt Nam chứ không phải của riêng tôi”, ông Hà Bôn ấp ủ.
Nhà của ông Bôn giờ là điểm hội tụ của giới đam mê bóng đá. Họ đến đây với một tình yêu bóng đá không bao giờ cạn. Ông Bôn luôn mở rộng cửa, tiếp những vị “khách quý” bằng khối kiến thức và những câu chuyện về từng kỷ vật. Đó mãi là niềm vui và niềm tự hào của ông “Viện trưởng” Viện bảo tàng bóng đá Việt Nam Hà Bôn…