Sự cố môi trường biển tác động xấu đến xuất khẩu và du lịch
Mới đây, Chính phủ đã có Báo cáo gửi QH khóa XIV, kỳ họp thứ nhất về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp 6 tháng cuối năm. Đặc biệt, phần Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đề cập rất thẳng thắn về ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và tình trạng ô nhiễm môi trường biển.
Báo cáo nhận định, xâm nhập mặn và sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng xấu đến nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3,13 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 3,8%). Nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường nước và xâm nhập mặn, nhất là tại vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 893 nghìn ha, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1.586,4 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 3,3%). Khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng đối với vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên -Huế).
Hải sản khai thác khó tiêu thụ, nhiều ngư dân phải dừng đánh bắt ở vùng biển ven bờ, sản lượng thủy sản khai thác ở các tỉnh trên giảm mạnh, dẫn đến sản lượng khai thác chỉ tăng 3,2% (cùng kỳ tăng 4,4%); riêng sản lượng khai thác biển ước chỉ tăng 3,4%, thấp hơn 1,2% so với tốc độ tăng cùng kỳ...
Tính toán sơ bộ do sự cố ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100 nghìn người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và hơn 176.000 người phụ thuộc; thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng; Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch; có trên 3.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống bị nhiễm độ mặn cao, môi trường suy giảm nên tôm chậm lớn, xuất hiện bệnh và có trên 350 ha nuôi tôm bị chết rải rác; có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000m3), tương đương 140 tấn cá; có 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn; có trên 10 ha nuôi cua bị chết do sự cố môi trường; giá bán các sản phẩm hải sản giảm trung bình từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2015; việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường của 4 tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng (sản phẩm khai thác ngoài 20 hải lý: giá bán giảm 30 -50%; sản phẩm khai thác trong 20 hải lý: không tiêu thụ được.
Hiện nay, tại Hà Tĩnh tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản (chiếm 85% công suất kho lạnh toàn tỉnh), tại Quảng Bình tồn trên 2.000 tấn (chiếm 70% công suất kho lạnh toàn tỉnh)…
Trong khi cho rằng, khu vực dịch vụ mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước; nhưng ”nếu không có sự cố ô nhiễm môi trường biển gây cá chết hàng loạt tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch của 4 tỉnh miền Trung, thì sẽ đóng góp thêm vào tăng trưởng khu vực này có thể đạt được tốc độ cao hơn”- Báo cáo nhận định.