Tri ân một thời 'hoa lửa'
Đây là cảm nhận chung của các đại biểu trong hội nghị “Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016”, ngày 23/7 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chủ trì tổ chức tại Quân Khu 9.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Trần Thanh Mẫn thăm hỏi động viên mẹ VNAH.
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hội nghị, tham dự còn có Phó chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn cùng với các Bộ, ngành trung ương và địa phương. Đặc biệt còn có 229 đại biểu người có công tiêu biểu cả nước…
Những “bông hoa” còn sót lại
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung cho biết: Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, hàng triệu người đã ngã xuống, biết bao bà mẹ đã tiễn đến người con cuối cùng lên đường đánh giặc và không bao giờ trở lại. Hôm nay đây, 299 thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu đại diện cho hàng triệu người có công của cả nước tề tựu về đây sống lại một thời hào hùng, tưởng nhớ tri ân những liệt sĩ, mẹ VNAH những người có công với cách mạng…
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
Thời hoa lửa, những người lính luôn hiên ngang bất khuất trước mọi kẻ thù, kiên trung với lý tưởng. Trở về với cuộc sống đời thường, những chiến sĩ ấy lại là tấm gương, biểu tượng tinh thần cho con cháu nói theo.
Gần 299 đại biểu, người có công tiêu biểu của cả nước về dự.
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Hậu sinh 1936, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy, ở ấp Long Thạnh A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Tiền Giang là người như vậy. Năm 1954, mẹ tham gia cách mạng, 18 tuổi là giao liên rồi bị bắt giam tại các khám, Mỹ Tho, Gò Công, Phú Lợi…và bị đày ra Côn Đảo, chồng hy sinh năm 1971. Vượt qua nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần. Mẹ Nguyễn Thị Hậu là trụ cột gia đình trải qua nhiều công việc, tần tảo sớm hôm…Đã xây dựng được nhà cửa khang trang, là tấm gương sáng cho con cháu và người dân lối xóm noi theo, gia đình nhiều năm liền gia đình văn hóa tiêu biểu.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cảm phục trước tinh thần của bệnh binh 3/3, thương binh 4/4 Nguyễn Hồng Hải, sống tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Năm 1979 xuất ngũ, xuất phát điểm gần như tay trắng, không có ruộng đất, khó khăn chồng chất, được đồng đội giúp đỡ, vay vốn làm ăn và cất nhà. Bản lĩnh của người lính năm xưa vẫn còn, ông Hải quyết tâm làm kinh tế và tích lũy. Đến nay đã đầu tư được 4 trạm bơm phục vụ tưới tiêu cho bà con trong xã. Đặc biệt còn tạo công ăn việc làm cho 20 lao động nông thôn.
Còn thương binh 4/4 (27%) Đỗ Thám, ngụ tại xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước tham gia cách mạng năm 1962, trải qua nhiều chức vụ đến năm 1976 chuyển ngành. Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, năm 1993 ông Đỗ Thám mạnh dạn vay vốn làm kinh tế trang trại trồng cao su. Hiện nay đang khai thác 50 ha cao su.
Cảm kích trước tinh thần và ý chí của các cá nhân có công tiêu biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tôi được nghe, chứng kiến những câu chuyện, cá nhân rất đáng khâm phục về ý chí, nghị lực phi thường, nổ lực phấn đấu bền bỉ, sáng tạo của các đồng chí thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và gia đình của những người có công trên nhiều lĩnh vực. Các đồng chí đã tiếp tục thể hiện tinh thần phẩm chất của “Bồ đội Cụ Hồ” tiếp tục đóng góp cho quê hương đất nước.
Nhiều người không cầm được nước mắt khi nhớ lại thời hoa lửa.
Mong muốn người có công có mức sống cao hơn mức trung bình
Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, đạo lý đền ơn đáp nghĩa, được thể hiện bằng những tình cảm, hoạt động chăm sóc người có công. Các hoạt động này có sức lan tỏa và được cộng đồng xã hội hưởng ứng dưới nhiều hình thức đa dạng, và thiết thực. Năm chương trình lớn: Nhà tình nghĩa; Quỹ đền ơn đáp nghĩa; sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh nặng, chắm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng…được thực hiện phần nào giúp đỡ, động viên các gia đình.
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công với cách mạng chiếm gần 10% dân số, hiện có hơn 1,4 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 117.300 Bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Mẹ VNAH, gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; hơn 185. 602 bệnh binh; hơn 110 ngàn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; trên 9.077 người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; trên 16.000 người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước ngày khởi nghĩa trước tháng 8/1945; trên 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động. Trên 312.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng và hơn 4 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng huân chương, huy chương kháng chiến...
Ngoài ra, cả nước còn thực hiện chế độ trợ cấp ưu đãi với hàng vạn thanh niên xung phong. Hơn 1,4 triệu người được hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen. Ngoài ra còn được hưởng các chính sách ưu đãi như trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, phương tiện trợ giúp, vay vốn sản xuất, miễn giảm thuế hỗ trợ cải thiện nhà ở. Hầu hết hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Bên cạnh việc chăm sóc, tri ân những người đang sống, công tác tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, xây dựng tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng được chú trọng. Cả nước hiện có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 1.750 đài tưởng niệm liệt sĩ, 4810 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 3.077 nghĩa trang liệt sĩ. Bộ Quốc phòng đã tìm kiếm, quy tập được hàng vạn hài cốt liệt sĩ trong nước và nước bạn Lào, Campuchia…
Trong 3 năm gần đây, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa ” được gần 1.219 tỷ đồng để xây mới và sữa chữa 59.294 căn nhà và tặng 33.090 số tiết kiệm. Thực hiện Quyết định số 22/2013, Chính phủ đã cấp trên 2.450 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80.000 hộ gia đình người có công để xây dựng và sữa chữa nhà ở. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trăn trở: Chúng ta vẫn chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình có công với nước còn nhiều khó khăn; việc chăm sóc sức khỏe, chữa trị các vết thương chiến tranh, chăm lo học hành, giải quyết việc làm chưa được chu đáo…
Với phương châm hầu hết hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư. Thủ tướng nhắn nhủ các Bộ ngành địa phương: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi người có công, theo hướng đảm bảo ngày càng tốt hơn; Đẩy mạnh hơn nữa phong trào đền ơn đáp nghĩa; tiếp tục đẩy nhanh thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Tạo điều kiện tốt nhất để các gia đình đến thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ. Tăng cường giáo dục cho thế hệ trẻ về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”…
Những kết quả đạt được của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã góp phần tô đậm thêm nét văn hóa của người Việt Nam, làm giàu thêm truyền thống nhân văn của dân tộc. Đó là biểu tượng của trách nhiệm, của nghĩa tình…