Vì sự bình yên của Biển Đông

Thành Luân Ảnh: Hồng Phúc 24/07/2016 07:22

Ngày 23/7, Hội thảo quốc tế “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982” (trong vụ Philippines kiện Trung Quốc) do Trường ĐH Luật TP HCM phối hợp cùng Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, đã diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM. Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài phải được thực hiện bởi một cơ chế thực thi pháp luật cụ thể, rõ ràng, minh bạch, có sự giám sát quốc tế chặ

Chủ tọa hội thảo gồm đại diện thành viên Tòa Trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan) - GS.TS Erik Franckx; phía Việt Nam có GS.TS Mai Hồng Quỳ- Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM, Trưởng BTC Hội thảo và GS.TS Lê Minh Tâm- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam.

Nước ký UNCLOS 1982 phải gương mẫu

Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Donald Rothwell- Phó trưởng Khoa Luật thuộc ĐH Quốc gia Úc chia sẻ các biện pháp tư pháp giải quyết tranh chấp theo UNCLOS. Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, GS Rothwell nhấn mạnh: vụ việc đã được giải quyết bằng hình thức Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982.

Trong số các vụ kiện trước đây, các quốc gia được lựa chọn (theo điều 287 của Công ước về Luật Biển 1982) cơ quan giải quyết tranh chấp, gồm Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Hội đồng trọng tài được thành lập theo phụ lục VII (được Philippines chọn trong vụ kiện Trung Quốc vào ngày 22/1/2013).

GS.TS Donald Rothwell: Phán quyết của Hội đồng trọng tài buộc các bên phải tuân thủ một cách có trách nhiệm, thượng tôn pháp luật. Phán quyết là chung thẩm và không có kháng nghị thì phải được tuân thủ bởi các bên.

Như vậy, phán quyết của Hội đồng trọng tài buộc các bên phải tuân thủ một cách có trách nhiệm, thượng tôn pháp luật. “Các bên phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Tòa Trọng tài và các bên phải chịu chi phí như nhau trừ khi Tòa Trọng tài có quyết định khác. Quyết định của Tòa Trọng tài theo đa số và Chánh án có một phiếu quyết định.

Phán quyết là chung thẩm và không có kháng nghị thì phải được tuân thủ bởi các bên. Các bất đồng liên quan đến sự diễn giải hay cách thức thực hiện phán quyết có thể đệ trình lên Tòa Trọng tài quyết định, hoặc căn cứ theo Điều 287 của tòa án hoặc trọng tài”- GS.TS Donald Rothwell nói.

Là chuyên gia Biển Đông, GS.TS Carl Thayer- Học viện Quốc phòng Úc cho biết, chính Trung Quốc là quốc gia đóng vai trò tích cực trong vòng đàm phán về UNCLOS 1982, để đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp vào trọng tâm của Công ước. Do đó, không có lý do gì để Trung Quốc trì hoãn hoặc không tuân thủ một phán quyết được đưa ra bởi Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982.

Theo chuyên gia này, “UNCLOS là một thỏa thuận trọn gói và các quốc gia phê chuẩn nó, bị ràng buộc bởi tất cả các quy định của công ước; không được kén chọn những quy định mà họ muốn tuân thủ”.

GS.TS Carl Thayer: UNCLOS là một thỏa thuận trọn gói và các quốc gia phê chuẩn nó, bị ràng buộc bởi tất cả các quy định của công ước; không được kén chọn những quy định mà họ muốn tuân thủ.

Giải quyết tranh chấp như thế nào?

Đi vào vấn đề cụ thể trong giải quyết tranh chấp, các học giả cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài phải được thực hiện bởi một cơ chế thực thi pháp luật một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch, có sự giám sát quốc tế chặt chẽ.

Phân tích về cơ chế giải quyết tranh chấp trong vụ Philippines kiện Trung Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam, TS Nguyễn Toàn Thắng- Phó Viện trưởng Trung tâm Luật So sánh (Trường ĐH Luật Hà Nội) nhìn nhận: Tòa Trọng tài khi bác bỏ “đường chín đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”) do yêu sách của Trung Quốc đưa ra, cũng đã xác định cụ thể quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển, phân biệt đảo, đảo đá và bãi cạn lúc nổi lúc chìm.

Trong đó cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS bao gồm tổng thể các nguyên tắc, cách thức, thủ tục, phương tiện và thiết chế pháp lý, có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau, được thiết lập để điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể tranh chấp.

TS Thắng cũng đưa ra đánh giá: Vụ Philippines kiện Trung Quốc có những tác động nhất định tới Việt Nam, đặc biệt ở 2 khía cạnh là “đường đứt khúc chín đoạn” và quy chế pháp lý các cấu trúc địa chất trên biển.

“Cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước đã được nhiều quốc gia vận dụng, đặc biệt là Philippines, là cơ sở để Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp với các quốc gia trong khu vực”- theo ông Thắng.

Một số học giả cũng cho rằng không loại trừ khả năng Việt Nam có thể áp dụng UNCLOS để giải quyết tranh chấp. Trong đó, tranh chấp được giải quyết tại Tòa án Luật Biển quốc tế và Tòa án Công lý quốc tế khi được các bên liên quan chấp nhận thẩm quyền của Tòa.

Trong quan hệ với Trung Quốc, khả năng giải quyết tranh chấp tại Tòa Trọng tài theo phụ lục VII có tính khả thi cao, trong đó đặc biệt ở 2 nội dung: Yêu cầu tuyên bố các quyền Trung Quốc yêu sách thiết lập ở Biển Đông phải tuân thủ UNCLOS; Yêu cầu Tòa xác định quy chế pháp lý của các cấu trúc địa chất thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã vi phạm khi đơn phương thực hiện các hành vi thay đổi hiện trạng những cấu trúc địa chất này.

Trong tham luận của mình, TS Nguyễn Ngọc Trường- Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế (CSSD) đánh giá: Ở một khía cạnh tích cực nếu Trung Quốc điều chỉnh một số hành vi và các luận điểm của họ liên quan đến Biển Đông, các phán quyết có thể mở ra một con đường thoát danh dự. Bắc Kinh có thể thoát khỏi “vòng kim cô” đường 9 đoạn, hay một “cái cùm địa - chính trị lớn đeo vào cổ” như một học giả Singapore gọi, và lặng lẽ “biến đại sự thành tiểu sự”.

Ông Trường cũng đề cập đến việc ASEAN cần đoàn kết, nhất trí trong nhiều chương trình chính trị, ngoại giao, liên kết nội khối, cũng như tăng cường vai trò của tổ chức trong các cơ chế quốc tế. Tất cả các yếu tố này sẽ là sức ép đáng kể để các bên tranh chấp tuân thủ nghiêm túc, có trách nhiệm với phán quyết được đưa ra bởi Tòa Trọng tài vừa qua.

Ngoài ra, một yếu tố cũng sẽ tác động đến quá trình thực hiện phán quyết của Tòa Trọng tài là vai trò của Mỹ, Nhật Bản và các nước liên quan giữ cho Biển Đông không trở thành “ao nhà” của Trung Quốc.

Tại Hội thảo, các chuyên gia về Luật Biển trong nước và quốc tế cũng đã bàn đến các khía cạnh ảnh hưởng và tác động từ vụ kiện của Philippines đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới và phân tích sâu sắc thêm vai trò của trọng tài trong giải quyết các tranh chấp biển ở Biển Đông.

Như vậy, để Biển Đông bình yên, các bên liên quan trước hết cần tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài, tìm các giải pháp hòa bình tránh gây căng thẳng, xung đột trên vùng biển đặc biệt quan trọng này.

Thành Luân Ảnh: Hồng Phúc