Chuyển từ Quốc hội tham luận sang thảo luận, tranh luận
Ngày 23/7, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí để trao đổi, thông tin về hoạt động trọng tâm của Quốc hội trong thời gian tới. Dự buổi gặp mặt còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Hoàng Long.
Thay mặt lãnh đạo Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời cảm ơn các cơ quan báo chí trong và ngoài nước theo dõi đưa tin hoạt động của Quốc hội suốt thời gian qua và mong báo chí sẽ đồng hành cùng với Quốc hội trong thời gian tới để đưa thông tin hoạt động của Quốc hội đến đồng bào cả nước.
Chủ tịch QH cho biết, sẽ kế tiếp và phát huy kinh nghiệm của những người tiền nhiệm, cùng với UBTVQH, QH thực hiện tốt thẩm quyền của mình theo Hiến pháp và pháp luật. “Nhiệm kỳ này diễn ra trong bối cảnh thành công của Đại hội Đảng XII, và đất nước có những bước phát triển kinh tế xã hội từ những thành tựu từ nhiều năm trước, trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trên tinh thần được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, các ĐBQH sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, kế thừa những thành quả đạt được trong 70 năm qua của QH, tiếp tục đổi mới nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của QH, để QH thực sự là QH đoàn kết, sáng tạo, hành động vì sự phát triển của đất nước, dân tộc, và nhân dân”- Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch QH, thời gian tới hoạt động giám sát sẽ chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm mà nhân dân bức xúc. “Trong giám sát sẽ không “đánh trống bỏ dùi”, sau một thời gian thực hiện sẽ giám sát lại các kiến nghị của QH, ĐBQH và các lời hứa của các thành viên Chính phủ. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng là giám sát của QH, sẽ làm rõ trách nhiệm, trách nhiệm ở đâu? Tăng cường tính tranh luận giữa các ĐBQH, chuyển QH từ tham luận sang thảo luận, tranh luận. Tăng cường quan hệ với cử tri, dành nhiều thời gian đi cơ sở tiếp xúc với cử tri, nắm bắt tâm tư nguyện vọng cử tri”.
Trả lời câu hỏi về sự cố môi trường biển khiến cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, người dân được quyền sống trong môi trường trong lành, nên bất cứ tổ chức, cá nhân nào làm ảnh hưởng đến môi trường sẽ phải chịu trách nhiệm. Formosa là bài học đắt giá để chúng ta phải xem xét lại các dự án kinh tế, đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam trong tương lai.
Liên quan đến việc QH có giám sát lại hoạt động của Formosa hay không, nhất là giao đất thời hạn 70 năm và trách nhiệm của những người có liên quan, Chủ tịch QH khẳng định: “Hiện đang giao cho Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường giám sát. QH có giám sát độc lập riêng để có phản biện. Ngoài vấn đề này sắp tới QH sẽ giám sát về bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế xã hội. Nhưng quan trọng giám sát phải chỉ rõ trách nhiệm. Báo cáo giám sát dài 10 trang mà không chỉ rõ trách nhiệm thì không được”.
Trả lời về vấn đề nợ công, QH khóa XIV sẽ kiểm soát chặt chẽ vấn đề này như thế nào? Theo Chủ tịch QH, đây là việc QH có trách nhiệm. Nợ công hiện vẫn dưới 65% GDP nhưng nợ Chính phủ đã vượt 0,3% so với chỉ tiêu. Khoá này QH sẽ tính toán lại nợ công cho đúng, xem mức 65% ở Việt Nam có an toàn hay không? Hiện nợ công vẫn nằm trong tầm kiểm soát tuy nhiên có an toàn hay không không hẳn phụ thuộc vào con số mà là vay rồi đến hạn nợ có trả được không, vay xong đầu tư có hiệu quả không.
“Chúng ta hiện nay vẫn kiểm soát tốt tỷ lệ nhưng đến lúc trả nợ thì có khó khăn. Có hiện tượng phải vay để đảo nợ, tức là vay mới để trả nợ cũ. Để đảm bảo áp lực trả nợ, chúng ta đã đổi vay ngắn hạn sang trung hạn và dài hạn. Xu hướng này đang diễn ra để đảm bảo Việt Nam không dẫm theo vết xe đổ của những quốc gia đi trước. QH sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ công. Trong thẩm tra các báo cáo tài chính, các cơ quan của QH nhất định kiểm tra chặt chẽ không để bội chi tăng lên. Khoá trước chưa làm được nhưng khoá này chắc chắn phải làm để đảm bảo nợ thực sự an toàn chứ không chỉ là dưới 65%” - Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.
Giữ vững chủ quyền lãnh thổ, đảm bảo môi trường hòa bình
Liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Việt Nam nhất quán một quan điểm về chủ quyền, chưa bao giờ thay đổi. Đó là vấn đề thiêng liêng với mỗi một người dân Việt Nam. Khi Biển Đông có nhiều tranh chấp phải có nhiều biện pháp đấu tranh để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định cho người dân. “Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này, thế khác nhưng vấn đề là những tổ chức đó làm được gì cho đất nước? Chưa làm được gì cả, họ chỉ kích động, làm đất nước rối ren. Việt Nam không chấp nhận việc đó. Việt Nam không phải là một bên trong vụ kiện của Philippines và Trung Quốc nhưng có liên quan đến Biển Đông nên chúng ta đã theo dõi. Ngay sau vụ kiện, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết cuối cùng của Tòa, vì phán quyết dài tới 500-600 trang nên chúng ta cũng phải nghiên cứu kỹ xem có vấn đề gì ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam thì sẽ phát biểu tiếp”- Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.