Mô hình siêu ủy ban: Tránh hành chính h­­óa

Hồ Hương (thực hiện) 24/07/2016 07:49

Theo TS Nguyễn Quang Thái - Phó tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, mô hình siêu ủy ban mà Bộ KH-ĐT đưa ra muốn quản lý vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước cần được bàn thảo rất thận trọng, không vội vàng được...

Dư luận đang rất quan tâm đến Dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố. Đơn giản là trong đó có việc dự kiến thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng, mô hình này là cần thiết để giám sát vốn nhà nước, trong bối cảnh nhiều “ông lớn” vung vãi tiền ngân sách; nhưng luồng ý kiến khác lại lo ngại mô hình siêu ủy ban này là “bình mới rượu cũ”. Đại Đoàn Kết trò chuyện với TS Nguyễn Quang Thái- Phó tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam.

TS Nguyễn Quang Thái.

PV:Thưa ông, theo dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu của việc hình thành ủy ban nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản Nhà nước. Ý kiến của ông?

Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp. Số liệu của 781 doanh nghiệp 100% sử hữu nhà nước năm 2014: tổng tài sản 3.105 nghìn tỷ đồng (trong đó, Tập đoàn, Tổng công ty và công ty mẹ -con chiếm 90%).
Vốn chủ sở hữu 1.233 nghìn tỷ đồng (Tập đoàn 65%, Tổng công ty 25,2%, khối công ty mẹ con chiếm 2,3%. Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu Nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản lên đến 5.408 nghìn tỷ đồng.

TS Nguyễn Quang Thái: Mục đích của việc thành lập mô hình này là tách các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ra khỏi các bộ/ngành, tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh, và thứ hai là tập trung vào một đầu mối để dễ quản lý và giám sát.

Nhưng tôi cũng cho rằng, hiện nay quản lý một tập đoàn đã là rất khó chứ chưa nói đến việc gom mấy chục tập đoàn lại với nhau. Trong bản dự thảo của Bộ KH-ĐT đã công bố danh sách 30 tập đoàn, tổng công ty mà vốn nhà nước tại DN sẽ được chuyển giao cho Uỷ ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước.

Trong đó có 9 tập đoàn và 21 tổng công ty đang nằm trong Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 đã xác định, tái cơ cấu DNNN là một trong 3 trụ cột trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế (cùng với tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng và tổ chức tín dụng) đã được Đảng chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ này, ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015. Rõ ràng chúng ta đã có chiến lược từ lâu rồi, thế thì cứ thực hiện theo đúng Nghị quyết.

Trở lại với dự thảo của Bộ KH-ĐT, thành lập ủy ban là muốn đẩy mạnh cải cách DNNN. Do vậy, theo tôi, muốn quản lý vốn nhà nước thì cần chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Để lập ra ủy ban thì cần nghiên cứu sâu hơn. Làm rõ chức năng của ủy ban mới; Phải được đưa ra thảo luận và không vội vàng.

5 năm qua, riêng quá trình cổ phần hóa, cải cách DNNN vẫn rất chậm. Vậy, nếu khi thành lập ủy ban, liệu có nhanh hơn?

- Việc cải tổ DNNN đã có 5 năm nay và không thực hiện được như ý. Mô hình ủy ban được nêu ra trong dự thảo cũng mang tính hành chính, tuy nhiên đụng đến tiền vốn và tài sản là rất khó, không đơn giản.

Mô hình ủy ban này theo mô tả là tách quyền quản lý trực tiếp DNNN từ các bộ/ngành, nhưng Nhà nước vẫn giữ đại diện sở hữu DNNN, chính là gồm đại diện của các bộ/ngành như trước. Vậy là chúng ta chỉ đang điều chuyển người đại diện vốn nhà nước từ DNNN về ủy ban mới, chứ chưa thay đổi cách quản trị.

Trong khi đó, điều cốt yếu để tăng hiệu quả hoạt động của DN là tăng cường quản trị nội bộ DN. Chúng ta cần phòng ngừa trường hợp biến hành chính bao cấp phân tán thành bao cấp tập trung mà không nâng cao chất lượng. Nếu không cẩn thận sẽ lại rơi vào quản lý theo kiểu hành chính hóa.

Vì vậy, theo tôi, mô hình siêu ủy ban này muốn quản lý vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước cần được bàn thảo rất thận trọng, không vội vàng được

Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình mới siêu ủy ban này cũng không có gì quá đặc biệt với SCIC, là công ty quản lý kinh doanh vốn nhà nước do Bộ Tài chính đang điều hành?

- Nó giống SCIC, nhưng thực ra có khác. SCIC là cầm vốn và đi kinh doanh còn chức năng quan trọng của siêu ủy ban này là đầu tư và quản lý toàn bộ danh mục tài sản, vốn đầu tư của nhà nước tại các DN nhằm hợp lý hóa danh mục đầu tư, tối đa hóa giá trị tài sản, vốn đầu tư nhà nước tại các DN… Như thế có nghĩa là nó siêu quyền lực luôn, thế cho nên mới có luồng quan điểm gọi là siêu bộ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Một số điểm trong dự thảo vai trò, vị trí và chức năng của Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại danh nghiệp:

1. Vai trò:
a) Giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; tập trung nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại doanh nghiệp để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực chiến lược, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế;
b) Thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

2. Chức năng:
a) Đầu tư và quản lý danh mục tài sản, vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiêp trên nguyên tắc bảo toàn và tối đa hóa giá trị tài sản, vốn đầu tư nhà nước được giao quản lý.
b) Chuyên trách thực hiện đầy đủ tất cả các quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, trừ các quyền thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và các luật có liên quan.
c) Trực tiếp hoặc chủ trì tham mưu, giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chính sách sở hữu nhà nước; tái cơ cấu và đổi mới doanh nghiệp nhà nước; đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế.

3. Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ:
a) Chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực. Ủy ban không có chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
b) Trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
c) Chịu sự đánh giá, giám sát của Chính phủ, của Quốc hội, các cơ quan có liên quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo toàn, phát triển và tối đa hóa giá trị tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
d) Chịu sự đánh giá, giám sát của nhân dân, báo chí, truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội trong đầu tư và quản lý danh mục tài sản, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, trong thực hiện các quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp.

Hồ Hương (thực hiện)