Chiến thắng chính mình
Tại Olympic 2012, điền kinh Việt Nam đóng góp 2 trong tổng số 18 VĐV của đoàn thể thao Việt Nam. 4 năm sau, điền kinh tiếp tục đóng góp 2 VĐV (trong tổng số 23 VĐV Việt Nam) là Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ) và Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào). Nếu xét trên góc độ đầu tư của ngành thể thao, thì kết quả đạt được của điền kinh Việt Nam xem ra chưa tương xứng, nhưng tất cả đều phải thừa nhận sân chơi Olympic không hề dễ dàng chinh phục.
Nguyễn Thị Huyền.
Nguyễn Thị Huyền từng làm nên kỳ tích ở SEA Games 28 năm 2015. Còn Nguyễn Thành Ngưng lại là một trong những bất ngờ lớn nhất của đoàn thể thao Việt Nam. Ở đội tuyển điền kinh, chưa bao giờ Ngưng được đánh giá cao, cũng bởi chị gái Thanh Phúc quá xuất sắc.
Không được chú ý nhưng Thành Ngưng đã lập nên kỳ tích tại giải vô địch đi bộ châu Á 2016 diễn ra ở Nhật Bản hồi đầu năm. Thành tích 1 giờ 23 phút 29 đã vượt qua mốc chuẩn tham dự Olympic là 1 giờ 24 phút 00.
Ít ai biết, thể thao Việt Nam đã suýt mất tấm vé Olympic ở môn đi bộ. Do không đặt nhiều kỳ vọng vào Ngưng, Tổng cục TDTT không đài thọ kinh phí để Ngưng sang Nhật dự giải lần này. Để có tiền sang Nhật dự giải, Ngưng phải nhận hỗ trợ kinh phí từ đơn vị chủ quản Đà Nẵng và Trung tâm huấn luyện thể thao Đà Nẵng.
2 gương mặt xuất sắc nhất trong cuộc đua giành vé dự Olympic của điền kinh Việt Nam sẽ có mặt tại Brazil trong ít ngày tới. Tuy nhiên, cả hai không được đánh giá cao trong cuộc đua tranh khác là chinh phục những tấm huy chương của Thế vận hội. Các thông số của Huyền và Ngưng đều khá thấp so với mặt bằng chung thế giới. Cả hai cũng lần đầu dự Olympic nên không tránh được vấn đề về tâm lý.
“Chúng tôi không đặt nặng vấn đề thành tích với 2 VĐV này, mà chỉ muốn họ vượt lên chính mình, thi đấu đạt kết quả cao nhất, đó cũng là chiến thắng rồi!”- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn nói.