Câu chuyện về những kỷ vật của người lính
Hàng trăm kỷ vật chiến trường đã được sưu tầm. Không ít những đồ vật xưa theo dòng chảy của thời gian đã được gìn giữ cẩn thận. Hơn 30 năm nay, ông Võ Văn Hoan ở xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc, Nghệ An) đã say mê tìm lại, lưu giữ để làm sống lại một thời ký ức hào hùng của dân tộc.
Những kỷ vật này với ông Hoan là một gia tài vô giá.
Ông Võ Văn Hoan đã chạm tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng trí tuệ, phong thái vẫn minh mẫn, hảo sảng. Ít ai biết rằng, từ hơn 30 năm nay, ông đã không ngừng say mê đi tìm kỷ vật của một thời bom đạn khói lửa chiến tranh. Đến khuôn viên sân vườn của gia đình ông ở xóm 8, xã Nghi Thịnh chúng tôi như lạc vào một thời ký ức hào hùng của dân tộc.
“Hơn 10 năm kể từ khi về nghỉ hưu đến nay cũng là lúc tôi dành nhiều thời gian hơn để sưu tầm kỷ vật chiến tranh. Từ mảnh bom bi, chiếc mũ tai bèo cho đến chiếc bộ đàm của quân giải phóng, lá thư thời chiến… Nghe tin người dân ở đâu phát hiện thấy kỷ vật chiến tranh là tôi lại vác ba lô đến tận nơi để sưu tầm, mang về. Mục đích của tôi là mong muốn những kỷ vật ấy phải được lưu giữ cẩn thận để con cháu mai sau hiểu rằng, để có nền hoà bình, độc lập hôm nay là sự hy sinh, mất mát rất lớn của thế hệ cha ông đi trước” – ông Hoan tâm sự.
Những năm tháng ấy, ông bôn ba khắp nơi, khi mảnh đất Bình – Trị - Thiên khói lửa, lúc Tây Nguyên ngút ngàn hay đồng bằng miền Đông Nam Bộ… Không thể nhớ hết những đồ vật mà mình gom góp, mang về lưu giữ nhưng đối với ông Hoan, mỗi kỷ vật đều có giá trị thiêng liêng trường tồn cùng thời gian.
66 tuổi, nhưng gần như hơn nửa cuộc đời, ông dành thời gian đau đáu về những kỷ vật cũ mà ở đó ẩn chứa cả hình hài của đất nước, của con người Việt Nam qua các thời kỳ. Từ tấm áo của người mẹ quá cố gắn trên mình các huân, huy chương cho đến chiếc bi đông đa dụng do Liên Xô sản xuất mà bộ đội vẫn dùng hàng ngày trong lúc hành quân chiến đấu. Rồi cả mảnh bom bi của quân đội Mỹ thả xuống trên mảnh đất Việt Nam đã sát hại không ít đồng bào vô tội. Vẫn còn đó viên gạch được chính ông lấy từ thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972 thấm xương máu của bao lớp người đã ngã xuống…
Mỗi kỷ vật là một câu chuyện riêng, cảm động lòng người. Ông bảo, cả cuộc đời mình, cái quý giá nhất chính là những gì mà hôm nay bản thân còn lưu giữ. Để rồi, mong muốn sau này, sẽ không còn ai vô tâm với những gì mà thế hệ đi trước dựng xây, cống hiến cho cuộc sống thanh bình hôm nay. Đồng cảm với ông, vợ con là những người luôn song hành, ủng hộ, từ những chuyến đi đến việc gìn giữ, nâng niu mỗi kỷ vật.