Xây dựng trái phép tại Thanh Hoá: Vẫn chuyện 'con voi chui lọt lỗ kim'
Thời gian vừa qua, dư luận tại Thanh Hóa hết sức bất bình trước việc hàng loạt nhà hàng, cửa hàng kinh doanh tại khu vực xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) chưa được cấp phép xây dựng vẫn ngang nghiên mọc lên như nấm và hoạt động kinh doanh tấp nập trước sự làm ngơ của các cấp, ngành chức năng.
Một loạt công trình xây dựng trái phép tại xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa).
Chính quyền làm ngơ
Không khó để người ta nhận ra những công trình xây dựng không phép này khi chúng sừng sững mọc lên tại khu “đất vàng” của TP Thanh Hoá (ngay chân cầu Nguyệt Viên, QL 1A, địa phận xã Hoằng Quang, TP Thanh Hoá). Tại thời điểm phóng viên có mặt, nhiều công trình xây dựng trái phép đã được hoàn thiện kiên cố (thậm chí có những công trình cao 3-4 tầng); có những công trình đang tiến hành san lấp mặt bằng, tập kết vật liệu xây dựng nham nhở… nhưng không hề có bất cứ một cơ quan chức năng nào có mặt tại đây để kiểm soát, xử lý!?
Theo phản ánh của người dân nơi đây, họ không rõ các cơ sở, doanh nghiệp trên đã được cấp phép xây dựng hay chưa!? Vấn đề mà người dân quan tâm, trong suốt thời gian qua là giá đất đền bù cho họ như thế nào!? Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, tại địa phận xã Hoằng Quang, UBND tỉnh đã có chủ trương giao đất cho 11 doanh nghiệp để hoạt động, kinh doanh dịch vụ thương mại. Tuy nhiên đến nay, thời gian đã gần 1 năm, UBND tỉnh Thanh Hoá vẫn chưa thể đưa ra khung giá đất đền bù. Việc này khiến các doanh nghiệp mặc dù đã được chấp thuận chủ trương giao đất, song vẫn chưa đủ điều kiện để giải phóng mặt bằng cũng như hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp bìa đỏ, cấp phép xây dựng…
“Sốt ruột” vì khu đất “vàng” để không, một số doanh nghiệp tự đứng ra thoả thuận khung giá đất đền bù với nhân dân, chấp nhận xử phạt để tiến hành san lấp, xây dựng và hoạt động kinh doanh trái phép. Cũng từ đây mà nhiều vấn đề trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nảy sinh. Có doanh nghiệp “cắn răng” chấp nhận mức giá đền bù giải phóng mặt bằng cao ngất ngưởng (từ hơn 60 triệu đồng lên 120 triệu đồng), nhưng cũng có những doanh nghiệp “yếu về tài chính” đưa ra mức đền bù thấp hơn… Đó là nguyên nhân, vì sao nhân dân bức xúc khi hai thửa đất cận kề nhau lại có mức chênh lệch đền bù!?
Rõ ràng, các đơn vị doanh nghiệp tự ý xây dựng trái phép những công trình nhà hàng to lớn, hoạt động kinh doanh tấp nập trên địa bàn xã Hoằng Quang, TP Thanh Hoá, không thể có chuyện chính quyền xã Hoằng Quang và UBND TP Thanh Hóa không hay biết! Vậy tại sao vẫn có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” tại đây!? – Trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết, ông Lê Chí Hùng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Quang không giấu giếm, cho biết: “Trên địa bàn xã có 5/11 doanh nghiệp xây dựng sai phép. Sau khi phát hiện sai phạm, UBND xã đã lập biên bản hiện trường, đình chỉ thi công đối với một số đơn vị. Tuy nhiên, cái khó ở đây là đối với các doanh nghiệp, chính quyền xã không có thẩm quyền xử phạt.”.
Xử lý... trên giấy
Cũng theo ông Hùng thì ngay khi phát hiện những sai phạm, sau khi UBND xã lập biên bản đình chỉ thi công và báo cáo lên UBND TP Thanh Hoá, phía UBND TP Thanh Hóa đã ra văn bản xử phạt hành chính và yêu cầu một số đơn vị tháo dỡ công trình, hoàn trả lại mặt bằng.
Đơn cử như: Quyết định số 9657/QĐ-UBND ngày 28/10/2015 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Tú Linh số tiền 12 triệu đồng, yêu cầu Công ty hoàn tất các thủ tục về giấy phép xây dựng; Quyết định số 2471/QĐ-UBND ngày 19/4/2016 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Vĩnh Quang số tiền 15 triệu đồng; Quyết định số 1418/QĐ – UBND ngày 7-3-2016 xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Minh Xuân số tiền 19 triệu đồng; yêu cầu công ty tự phá dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất. Quyết định số 10609/QĐ-UBND ngày 20/11/2015 xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Lâm Bích số tiền 19 triệu đồng, yêu cầu Công ty tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất; Quyết đinh số 434/QĐ-UBND ngày 14/1/2016 xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Thương mại Việt Hưng…
Tuy nhiên, khi đối chiếu các quyết định xử phạt đối với các doanh nghiệp sai phạm này, UBND TP Thanh Hóa cũng có những ưu ái thiếu công bằng đến khó hiểu. Có doanh nghiệp đã xây dựng nhà kiên cố nhưng chỉ xử phạt hành chính, không yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng hoàn trả lại mặt bằng như: Công ty TNHH Tú Linh, Công ty TNHH Vĩnh Quang, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Thương mại Việt Hưng nhưng lại có những doanh nghiệp mà UBND TP Thanh Hóa yêu cầu phải tháo dỡ công trình sai phạm, trả lại tình trạng ban đầu của đất như: Công ty cổ phần Lâm Bích, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Minh Xuân…(!?)
Mặc dù vậy, các quyết định xử phạt đều nêu rõ thời gian chấp hành Quyết định không quá 10 ngày kể từ ngày ban hành nhưng đến nay, thời gian đã quá hạn nhiều ngày, các doanh nghiệp nói trên vẫn “bình chân như vại”, không chấp hành tháo dỡ, hoàn trả lại mặt bằng!? Đồng thời, có những doanh nghiệp ngang nhiên tiến hành san lấp mặt bằng, tập kết vật liệu chuẩn bị xây dựng như Công ty Lê Hoàng!?...
Đem vấn đề trên đến trao đổi với ông Lê Văn Thi – Đội phó Đội Quy tắc đô thị TP Thanh Hoá, ông Thi cũng thừa nhận: Hiện trên địa bàn xã Hoằng Quang, TP Thanh Hoá có 5 công ty vi phạm xây dựng, một công ty đang san lấp mặt bằng là Công ty Lê Hoàng. Đối với 5 công ty trên, Đội quy tắc đô thị đã phối hợp với Sở xây dựng kiểm tra, lập biên bản, có quyết định xử lý vi phạm. Riêng đối với Công ty Lê Hoàng, đơn vị đang tiến hành san lấp mặt bằng để xây dựng đơn vị mới lập biên bản, ban hành quyết định đình chỉ thi công!
“Vậy có hay không sự tiếp tay cho sai phạm?” với câu hỏi này ông Thi đùn đẩy: “Việc theo dõi và đình chỉ thi công là trách nhiệm của xã và lực lượng công an. Họ phải ngăn chặn sai phạm ngay tại cơ sở!”. Đồng thời ông Thi cũng viện giải “Chúng tôi cũng đã có những văn bản đôn đốc xã; thậm chí trực tiếp xuống hiện trường bắt giữ các phương tiện máy móc vi phạm đem về xử lý nhưng các doanh nghiệp này vẫn cố tình vi phạm! Thực tế, việc cần thiết phải ban hành các quyết định, văn bản chúng tôi cũng đã ban hành. Đối với các doanh nghiệp sai phạm, chúng tôi vẫn phải xử lý nhưng cũng có những cái phải chia sẻ với doanh nghiệp!? những doanh nghiệp cũng có những cái khó khăn! Vì vậy, việc ban hành quyết định cưỡng chế, tháo dỡ công trình cũng có những cái phải đắn đo, suy nghĩ!?”.