Từ tham luận đến tranh luận
Ngày 23/7, ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức đúng 1 ngày, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi gặp mặt, trải lòng cùng báo chí mà bà nói rằng, mình đang trả lời “chất vấn” các nhà báo. Lần đầu tiên, vị nữ Chủ tịch QH có buổi gặp mặt báo chí đông đảo và rộng rãi. Cũng là lần đầu tiên bà trả lời tất cả các câu hỏi đặt ra, thẳng thắn mà không có bất cứ tránh né nào.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi gặp mặt báo chí ngày 23/7.
Nhìn ở khía cạnh của cử tri khi đánh giá cuộc tiếp xúc với báo chí này, rõ ràng các “cử tri đặc biệt’ nhận thấy một sự gần dân không hề thua kém gì với các khóa QH trước.
Ấn tượng đầu tiên đọng lại nơi các cử tri-nhà báo, chắc chắn rồi đây sẽ trở thành một hiệu ứng tốt, có sức lan tỏa rộng rãi. Nhưng, có lẽ, điều đọng lại lâu và sâu sắc hơn cả chính là thông điệp về một QH hành động, một QH giúp cho những kiến tạo tầm vóc từ phía Chính phủ sẽ thăng hoa để góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sẽ phát huy kinh nghiệm của những người tiền nhiệm, cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thực hiện tốt thẩm quyền của mình theo Hiến pháp và pháp luật.
Trở lại với 70 năm lịch sử QH Việt Nam với 14 khóa QH; trong đó khóa XIV mới nhóm họp được 3 ngày đã cho thấy một thực tế được chứng minh qua các giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước, đó là: QH Việt Nam luôn là QH gần dân, lắng nghe tiếng nói nhân dân. Nhìn ở khía cạnh cử tri, QH trong suốt 70 năm đồng hành cùng dân tộc đã có nhiều cải tiến để phát huy tốt hơn nữa vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. 70 năm nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức và chỉ có đổi mới, đổi mới thật sự, QH Việt Nam mới làm tròn bổn phận mà cử tri và nhân dân giao phó.
Nhậm chức trong bối cảnh, QH vừa kỷ niệm 70 năm thành lập và thành công của Đại hội Đảng XII, nữ Chủ tịch QH sẽ có nhiều lợi thế như việc cơ cấu cơ quan lập pháp đã hình thành và vận hành ổn định. Đất nước đã đi qua những giai đoạn khó khăn, cam go nhất và đang bước đi trong hòa bình, phát triển. Nhưng khó khăn không phải là không có. Mà một trong những khó khăn đầu tiên đó là việc, không có bất cứ sự nương nhẹ nào đối với vị nữ Chủ tịch QH đầu tiên trong lịch sử. Bởi, đã gánh trên vai trọng trách thì ai cũng như ai. Nhưng, rõ ràng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã cho thấy một quyết tâm, một ý chí chính trị khá rõ ràng khi nhấn mạnh: “Trên tinh thần được Đảng, nhà nước, nhân dân giao phó, các ĐBQH sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, kế thừa những thành quả đạt được trong 70 năm qua của Quốc hội, tiếp tục đổi mới nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của Quốc hội, để Quốc hội thực sự là Quốc hội đoàn kết, sáng tạo, hành động vì sự phát triển của đất nước, dân tộc, và nhân dân”.
Khá thẳng thắn, Chủ tịch QH nói về việc chọn những vấn đề nóng, những vấn đề mà dân bức xúc nhiều để giám sát tối cao. Hơn thế, Chủ tịch QH còn cho biết, dứt khoát sẽ không có chuyện đánh trống bỏ dùi và sẽ đi đến cùng vấn đề được đưa ra giám sát tại QH.
Đặc biệt hơn, trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn- một hoạt động giám sát của Quốc hội, bà muốn, qua hoạt động này sẽ nhấn mạnh làm rõ trách nhiệmcủa ai, ở đâu trong những vấn đề nóng được nêu tại nghị trường. Quan trọng hơn là tăng cường tính tranh luận giữa các ĐBQH. Mục đích, theo như Chủ tịch QH nói là để “Chuyển từ QH tham luận sang QH thảo luận, tranh luận”.
QH thảo luận, tranh luận- vấn đề không mới với nghị viện các nước nhưng với Việt Nam thì đây là điều hoàn toàn mới mẻ. Có thể, với QH chuyển dần sang thảo luận và tranh luận, nữ Chủ tịch QH đầu tiên sẽ để lại một dấu ấn tốt đẹp của QH hành động, vì dân chủ và công bằng xã hội. Sự thực một QH thảo luận và tranh luận dần thay thế cho một QH tham luận cho thấy, đòi hỏi QH phải đổi mới thật sự hoạt động của mình. Chuyển từ tham luận sang thảo luận và tranh luận nghe thì tưởng giản đơn nhưng thực ra lại không hề giản đơn. Lý do là bởi, trong hoàn cảnh Việt Nam, ĐBQH kiêm nhiệm vẫn chiếm một tỉ lệ đáng kể.
Mỗi ĐBQH có thể rất thông thạo một lĩnh vực nào đó nhưng không phải toàn diện. Vì thế, để có thể thực hiện quá trình thảo luận hay tranh luận, ĐBQH cần phải tự hoàn thiện, tự nâng mình lên và phải tự học hỏi để có thể thảo luận và tranh luận đền cùng một vấn đề nào đó. Thứ nữa, việc chuẩn bị một bài tham luận và đọc trên nghị trường trong khoảng 6-7 phút đã vất vả. Nhưng, nếu chỉ phân tích, chất vấn hay đặt câu hỏi về một hay hai vấn đề gói gọn trong một bài tham luận dù không phải dễ dàng gì nhưng sẽ đơn giản hơn nhiều so với việc tranh luận giữa các ĐBQH. Thế nhưng nếu muốn tiến tới một QH thực sự hành động thì việc đẩy mạnh thảo luận, tranh luận là điều tối cần thiết. Hai cấp độ cao hơn của việc tham luận trên nghị trường là thảo luận và tranh luận sẽ giúp cử tri và nhân dân hiểu rõ hơn về từng ĐBQH, về hoạt động của họ và quan trọng hơn là hiểu ĐBQH hành động thế nào vì cuộc sống của cử tri, nhân dân. Sự tương tác giữa ĐBQH và cử tri nhờ thế sẽ được nâng lên. Sự đánh giá của cử tri với các ĐB của dân sẽ chính xác hơn
Phương châm về hoạt động của một QH hành động nhờ thế sẽ rõ nét hơn, thông qua chính hoạt động của ĐBQH. Và, nếu làm được điều đó; tức là tăng tính tương tác giữa ĐBQH với nhau cũng như giữa ĐBQH với cử tri thông qua thảo luận, tranh luận thì đây quả thực là một dấu ấn đẹp trong nhiệm kỳ QH khóa XIV và một ấn tượng đẹp với nữ Chủ tịch QH đầu tiên trong lòng cử tri.