Đảng Dân chủ chia rẽ ngay trước thềm đại hội
Đảng Dân chủ Mỹ đã khai mạc đại hội kéo dài 4 ngày của mình bắt đầu từ hôm thứ Hai đầu tuần để chính thức đề cử bà Hillary Clinton vị trí ứng cử viên tranh cử Tổng thống. Tuy nhiên, đại hội đảng bất ngờ trở nên chia rẽ sâu sắc sau khi hàng nghìn bức email của giới chức đảng này bị rò rỉ.
Bê bối email khiến những người ủng hộ ông Bernie Sanders dọa tẩy chay đại hội đảng Dân chủ. (Nguồn: Reuters).
Bê bối vào phút chót
Người đứng đầu Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC), bà Debbie Wasserman Schultz đã buộc phải từ chức hôm 24/7, có hiệu lực ngay sau khi kết thúc đại hội đảng, sau khi hơn 19.000 bức thư điện tử của các quan chức đảng này bị rò rỉ cho thấy sự chống đối kịch liệt của họ đối với ông Bernie Sanders, cựu đối thủ của bà Clinton.
Các bức email này cho thấy nhiều quan chức DNC muốn “loại bỏ” ông Sanders khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng. Bản thân ông Sanders trước kia cũng từng phàn nàn rằng DNC đang cố tình chống lại ông.
Vụ bê bối này đã khiến cho những người ủng hộ ông Sanders hết sức tức giận và đòi tẩy chay đại hội đảng Dân chủ. Nó cũng làm xói mòn kế hoạch của đảng Dân chủ nhằm tạo ra một hình ảnh đại hội đoàn kết, khác với hình ảnh một Donald Trump dễ đổ vỡ trong khung cảnh hỗn loạn ngay ngày đầu đại hội đảng Cộng hòa tổ chức ở Clevland hồi tuần trước.
Sự việc cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình chuẩn bị cho lễ "đăng quang" của bà Clinton tại Philadelphia để trở thành ứng viên đối mặt với đối thủ Donald Trump trong tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 8/11 tới. Tại đại hội đảng này, cựu Đệ nhất phu nhân kiêm cựu Ngoại trưởng Mỹ sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên đại diện cho một đảng chính trị lớn để ra tranh cử chức Tổng thống Mỹ.
Được biết số email bị rò rỉ nói trên được website WikiLeaks công bố hôm 22/7, trong đó phơi bày việc các quan chức của DNC thảo luận các cách thức để loại bỏ ông Bernie Sanders - trong đó gồm việc đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới việc liệu ông là người Do Thái hay người theo chủ nghĩa vô thần.
Như một hậu quả, những người ủng hộ ông Sanders đã tỏ ra hết sức giận dữ. Ngoài ra, họ còn không đồng tình khi bà Clinton quyết định bỏ qua các gương mặt tự do nổi tiếng như Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren của bang Massachusetts để lựa chọn một người trung lập hơn như Thượng nghị sỹ Tim Kaine của bang Virginia để làm người bạn đồng hành của mình trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
“Bạn không thể quay người ta như chong chóng rồi lại mong họ đến và mỉm cười” - ông James Zogby, Chủ tịch Viện Mỹ-Arab và là người ủng hộ ông Sanders, nói.
Norman Solomon, một đại biểu của ông Sanders đến từ bang California và là người điều hành Mạng lưới đại biểu gồm 1.200 người ủng hộ ông Sanders, còn cho rằng chính bà Clinton đã đứng đằng sau các hoạt động của DNC. Ông đặt ra câu hỏi tại sao bà Wasserman Schultz lại vẫn tại vị cho đến hết đại hội đảng Dân chủ.
“Bà ấy nên từ chức từ nhiều tháng trước đây rồi” - ông Solomon nói - “Giờ câu hỏi đặt ra cho chúng ta ở Philadelphia là: Tại sao điều đó không diễn ra ngay lập tức? Sao lại phải chờ đến cuối tuần?”.
Về phần minh, phía chiến dịch của bà Clinton ngờ rằng khả năng Nga đứng đằng sau vụ tấn công mạng khiến hàng loạt email của DNC bị rò rỉ nhằm giúp đỡ Donald Trump - người từng có nhiều phát biểu ngợi khen Tổng thống Nga Vladimir Putin. Phía chiến dịch đảng Cộng hòa đã lập tức bác bỏ cáo buộc này.
Bernie Sanders vẫn ủng hộ bà Clinton
Ông Sanders có thể sẽ giúp dập tắt sự phẫn nộ của những người ủng hộ mình trong đêm đầu tiên của đảng Cộng hòa diễn ra vào tối 25/7 (giờ Mỹ) khi ông có bài phát biểu cùng Đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Một cố vấn của ông tiết lộ, bài phát biểu của ông sẽ nhắc lại cam kết ủng hộ bà Clinton và kêu gọi tuần hành phản đối Trump.
“Nó vẫn sẽ nhắc tới nhiều đề tài - sự cần thiết phải đánh bại Trump và tiếp tục cuộc đấu tranh cho những vấn đề mà ông Sanders từng nhấn mạnh trong chiến dịch của mình trước đây” - người phát ngôn của ông Sanders, Michael Briggs, nói.
Ông Sanders cũng đã tổ chức gặp gỡ các đại biểu ủng hộ mình trong hôm đầu tuần và nhiều người hy vọng rằng điều này sẽ giúp xoa dịu họ.
Về phần mình, bà Clinton sẽ nhận được sự ủng hộ từ doanh nhân và là cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, người sẽ ủng hộ bà trong suốt bài phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ. Ông Bloomberg từng nói rằng, bà Clinton là lựa chọn tốt nhất đối với các cử tri trung lập trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.