Phán quyết của PCA và hành trình công lý
Sau 3 năm thụ lý, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo đó, PCA tuyên bố “Đường 9 đoạn” của Bắc Kinh là không có cơ sở pháp lý và Trung Quốc “không có chủ quyền lịch sử” tại Biển Đông. Vụ kiện này đã diễn ra như thế nào trong suốt 3 năm qua.
Tòa Trọng tài thường trực về vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài 3 năm
PCA là một tổ chức liên chính phủ bao gồm 121 quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Singapore… được lập vào năm 1899 để hỗ trợ phân xử và hỗ trợ giải quyết tranh chấp khác giữa các nước.
Ngày 22/1/2013, Philippines bắt đầu quá trình tố tụng tại PCA kiện Trung Quốc sau nhiều năm bế tắc và căng thẳng trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông mà không đạt được kết quả.
Theo đó Philippines đã đệ trình và yêu cầu Tòa Trọng tài ra phán quyết về 15 yêu cầu thuộc các nhóm vấn đề như quyền lịch sử và đường chín đoạn, nhóm vấn đề về quy chế pháp lý của các cấu trúc ở Trường Sa, nhóm các vấn đề liên quan đến việc gây hại cho môi trường, nhóm vấn đề về việc làm trầm trọng hóa thêm tranh chấp.
Từ yêu cầu của Philippines phù hợp với quy định của Phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tòa Trọng tài được thành lập vào ngày 21/6/2013. Theo đúng thời hạn, ngày 30/3/2014, Philippines đã nộp Bản lập luận (300 trang) cùng với 10 phụ lục (gần 4000 trang) và ngày 16-3-2015 nộp văn bản bổ sung.
Trong lúc đó, Trung Quốc đã từ chối tham gia vào quá trình tố tụng của PCA khi cho rằng PCA không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này và khẳng định mình có “chủ quyền không thể tranh cãi” trên Biển Đông. Đại sứ quán của Trung Quốc tại Hà Lan chuyển văn kiện lập trường ngày 7/12/2014 của Chính phủ Trung Quốc để bác bỏ thẩm quyền của Tòa trọng tài. PCA đã tổ chức phiên tranh tụng về vấn đề thẩm quyền từ ngày 7 đến13/7/2015.
Tại phiên tranh tụng về vấn đề thẩm quyền, 5 nước gồm Việt Nam, Malaisia, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản đã cử đại diện đến tham dự với tư cách quan sát viên và tại Phiên tranh tụng về vấn đề nội dung thực chất, có thêm 2 quan sát viên của 2 nước là Singapore và Australia.
Phiên tòa khẳng định rằng PCA có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này và đã thụ lý hồ sơ kiện Trung Quốc của Philippines.
Mục tiêu bao trùm của Philippines khi khởi kiện Trung Quốc là nhằm khẳng định và bảo vệ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines. Để đạt được mục tiêu này, Philippines đã yêu cầu Tòa phán xét về hai yêu sách biển quan trọng nhất của Trung Quốc ở Biển Đông, đó là yêu sách “đường lưỡi bò” và yêu sách quần đảo “Nam Sa” (Trường Sa) có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện.
Phán quyết của Tòa Trọng tài
Trong phán quyết này, Tòa đã xem xét đến giá trị của “đường chín đoạn” của Trung Quốc và liệu Trung Quốc có quyền lịch sử đối với các tài nguyên ở Biển Đông bên ngoài giới hạn của các vùng biển mà nước này được hưởng theo Công ước hay không.
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho rằng, Tòa đã xem xét lịch sử của Công ước và những điều khoản của nó liên quan đến các vùng biển và kết luận rằng, mục đích của Công ước là phân bổ một cách toàn diện các quyền của Quốc gia đối với vùng biển. “Do đó, Tòa kết luận rằng, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường chín đoạn” -ông Nguyễn Trọng Tỵ khẳng định.
Trong phán quyết ngày 12/7, Tòa Trọng tài đã xem xét quy chế của các cấu trúc tại Biển Đông và các quyền đối với vùng biển mà Trung Quốc có thể đòi hỏi theo Công ước. Theo Điều 13 và 121 của Công ước, các cấu trúc nổi trên mặt nước vào lúc thủy triều lên cao nhất sẽ được hưởng lãnh hải 12 hải lý, trong khi những cấu trúc bị chìm khi thủy triều lên sẽ không có quyền có các vùng biển.
Như vậy, Tòa Trọng tài kết luận, các bãi Scarborough, Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập là các cấu trúc nổi và Xu-bi, Huy-gơ, Vành Khăn, Cỏ Mây là cấu trúc chìm trong điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên Tòa không nhất trí với Philippines về quy chế Ga Ven (phía Bắc) và Ken Nan khi cho rằng, cả hai đều là cấu trúc nổi.
Đồng thời, các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở quần đảo Trường Sa gồm Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa, Song Tử Đông, Song Tử Tây đều là những “đảo đá”, do đó nó không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) hoặc thềm lục địa. Tòa cũng kết luận rằng, các đảo ở Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.
PCA kết luận Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn các va chạm ở biển và các vấn đề liên quan đến an toàn hàng hải.
Cụ thể Trung Quốc đã can thiệp vào việc thăm dò dầu khí của Philippines tại Bãi Cỏ Rong, chủ yếu cấm các tàu Philippines đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và bảo vệ cho và không ngăn ngừa các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây, đồng thời xây dựng các công trình và đảo nhân tạo tại Vành Khăn mà không được sự đồng ý của Philippines.
Do vậy Tòa Trọng tài kết luận rằng, Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này.
Tòa cũng xem xét đến quyền đánh cá truyền thống tại bãi Scarborough và kết luận rằng, ngư dân Philippines, cũng như Trung Quốc và các nước khác đã đánh cá tại bãi này từ lâu và có quyền đánh cá truyền thống tại khu vực này. Do bãi cạn Scarborough nổi lên mặt nước lúc thủy triều lên nên cấu trúc này có quyền có lãnh hải. Từ đó, Tòa xác định, Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines khi ngăn chặn tiếp cận bãi cạn Scarborough.
Bên cạnh đó, Tòa cũng xem xét tác động của các hành vi của Trung Quốc đối với môi trường biển. Việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây tại bảy cấu trúc tại Trường Sa đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô.
Với những hành vi như vậy, Tòa khẳng định, Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tranh chấp giữa các bên. Về hành vi của các bên trong tương lai, Tòa Trọng tài cho rằng, cốt lõi của tranh chấp trong vụ kiện này không nằm ở ý định của Trung Quốc hay Philippines trong việc xâm phạm quyền lợi pháp lý của bên kia mà chính là do có sự hiểu khác nhau cơ bản về các quyền của nước mình theo Công ước đối với các vùng nước thuộc Biển Đông, do đó Tòa Trọng tài thấy không cần thiết phải đưa ra tuyên bố nào nữa.
Có thể nói sau 3 năm, Tòa Trọng tài đã ra phán quyết không chỉ bảo vệ quyền lợi của những nước liên quan đến Biển Đông mà thực tế bảo vệ sự hòa bình, ổn định của nhân dân thế giới. “Bởi vì, Biển Đông không phải chỉ các nước xung quanh mà còn là quyền lợi, cửa ngõ đi lại của nhiều nước. Tòa Trọng tài ra phán quyết như vậy phù hợp với luật pháp, lịch sử, phù hợp với nguyện vọng của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới” - ông Nguyễn Trọng Tỵ khẳng định.
Tuy nhiên, lập trường xuyên suốt cho tới nay của Trung Quốc là kiên quyết công khai bác bỏ vụ kiện, phản đối Tòa có thẩm quyền, tuyên bố không chấp nhận, không thực hiện bất kỳ phán quyết nào của Tòa đồng thời tiến hành nhiều biện pháp vận động chính trị, ngoại giao nhằm chống lại vụ kiện.
Theo ông Nguyễn Trọng Tỵ, Trung Quốc ngang nhiên bác bỏ Nghị quyết của Hội đồng Trọng tài Quốc tế thì đương nhiên dẫn họ vào con đường cô lập. “Trung Quốc nên tuyên bố về việc chấp nhận phán quyết của Hội đồng Trọng tài Quốc tế. Đấy là sự khôn ngoan, văn minh, bởi vì nhìn lại cả một nền văn hóa của nhân dân Trung Hoa từ xưa đến nay đó là những con người tôn trọng dư luận cũng như tôn trọng pháp luật quốc tế” - Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ khẳng định.
Lập trường của Việt Nam
Về mặt pháp lý, đây là vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc và phán quyết của Tòa Trọng tài chỉ có giá trị ràng buộc với hai nước. Tuy nhiên do đối tượng của vụ kiện- hai yêu sách biển của Trung Quốc- có liên quan tới quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông do đó, nội dung phán quyết sẽ ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai một số hoạt động nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện. Cụ thể, ngày 5/12/2014, Việt Nam đã gửi Tuyên bố của Bộ Ngoại giao đến Tòa Trọng tài để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp. Việt Nam cũng đã cử các đoàn đi dự 2 phiên tranh tụng với tư cách quan sát viên để thể hiện phù hợp sự quan tâm của Việt Nam đối với sự kiện quan trọng này. Người phát ngôn và đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã 7 lần bày tỏ quan điểm của Việt Nam về vụ kiện.
Ngay sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, chiều 12/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát biểu hoan nghênh việc Tòa Trọng tài ra phán quyết và khẳng định lại lập trường của Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, khẳng định lại lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và quyền đối với vùng biển được xác định phù hợp với Công ước 1982 cũng như thông báo Việt Nam sẽ ra tuyên bố về nội dung phán quyết.
Có thể nói, các biện pháp của Việt Nam tiến hành cho đến nay là phù hợp, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển của Việt Nam, khẳng định chủ trương và lập trường nguyên tắc của ta trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Tòa đã xem xét lịch sử của Công ước và những điều khoản của nó liên quan đến các vùng biển và kết luận rằng mục đích của Công ước là phân bổ một cách toàn diện các quyền của các quốc gia đối với các vùng biển. Toà nhận thấy rằng câu hỏi về những quyền tồn tại từ trước đối với tài nguyên (đặc biệt là đối với tài nguyên cá) đã được xem xét cẩn thận trong các cuộc đàm phán về sự hình thành vùng đặc quyền kinh tế và rằng một số quốc gia đã có mong muốn bảo tồn các quyền đánh cá lịch sử ở vùng biển mới này. Tuy nhiên quan điểm này đã bị bác bỏ và văn bản cuối cùng của Công ước chỉ cho các quốc gia khác một quyền hạn chế trong việc tiếp cận về đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế (trong trường hợp quốc gia ven biển không thể khai thác hết lượng cá cho phép) mà không cho các quốc gia khác quyền gì đối với dầu khí hay tài nguyên khoáng sản. Tòa nhận thấy rằng yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên là không phù hợp với sự phân bổ chi tiết về quyền và vùng biển của Công ước và kết luận rằng, nếu Trung Quốc có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở các vùng biển ở Biển Đông, những quyền đó đã bị xóa bỏ bởi việc Công ước có hiệu lực ở chừng mực mà chúng không phù hợp với hệ thống các vùng biển của Công ước. |