Formosa phải hoàn thiện kế hoạch khắc phục sự cố môi trường trước 30/7
Trong 3 ngày (từ 24 đến 26/7) làm việc trực tiếp và kiểm tra thực địa tại nhà máy luyện thép của Formosa Hà Tĩnh (KKT Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên-Môi trường (TNMT) đã chỉ ra nhiều thiếu sót về môi trường của Formosa và yêu cầu Công ty phải có biện pháp khắc phục.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trong một lần kiểm tra thực địa tại Formosa.
Trong 53 lỗi vi phạm được Đoàn giám sát của Bộ TNMT chỉ ra trước đây thì một trong những lỗi quan trọng nhất đó là Formosa phải chuyển đổi công nghệ lò luyện cốc từ ướt sang khô. Trong quá trình kiểm tra thực địa trong hai ngày vừa qua (25 và 26/7), đoàn công tác Bộ TNMT do ông Hoàng Văn Thức- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường dẫn đầu đã chỉ ra các thiếu sót gây ra ô nhiễm môi trường của nhà máy Formosa và yêu cầu đơn vị này phải có biện pháp cải thiện, khắc phục ngay.
Bao gồm: Không xây lắp các công trình bảo vệ môi trường theo quy định (không xây lắp hệ thống làm nguội than cốc bằng phương pháp khô theo đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt); không thực hiện đầy đủ nội dung chương trình quan trắc, giám sát môi trường (không giám sát thông số CO tại ống khói chung lò luyện số 1 và số 2 theo báo cáo đánh giá tác động môi trường); không lập hồ sơ đề nghị kiểm tra; không có giấy xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của xưởng luyện cốc; không thu gom triệt để chất thải nguy hại vào khu vực lưu giữ tạm thời theo quy định; tự ý xử lý chất thải nguy hại khi không có công trình xử lý phù hợp và không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; nước thải sinh hoạt trong quá trình luyện cốc có chứa các thành phần ô nhiễm như phenol, xyanua, amonia và các chất thải khác…
Ngoài ra, Đoàn công tác còn yêu cầu Formosa phải thay thế nhiều thiết bị xử lý môi trường của nhà máy Formosa để đảm bảo xử lý sau khi thải ra môi trường.
Ông Dương Tất Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Formosa thành lập một ban chuyên trách để phối hợp với Đoàn công tác của Bộ TNMT trong thời gian đoàn làm việc tại đây.
Ban chuyên trách này phải có sự kết nối đầy đủ ở các khâu, các bộ phận sản xuất và cả với lãnh đạo để đưa ra những quyết định kịp thời; tham mưu các giải pháp phòng ngừa để tránh những hậu quả xảy ra vì hiện chỉ mới dừng lại ở mức theo dõi, giám sát. Ông Thắng cũng đề nghị ngoài giám sát FHS, Đoàn cần triển khai việc kiểm tra, giám sát môi trường khu vực xung quanh và một số đơn vị, doanh nghiệp khác trong KKT Vũng Áng, bởi trong thời gian tới còn nhiều dự án lớn được triển khai tại KKT Vũng Áng.
Tổng cục Môi trường yêu cầu Formosa thực hiện nghiêm các cam kết về môi trường sau sự cố. Trước mắt, yêu cầu Formosa hoàn thiện bản kế hoạch khắc phục sự cố về môi trường gửi Bộ TNMT trước ngày 30/7.
Về việc Đoàn giám sát sẽ giám sát 3 năm tại Formosa, ông Hoàng Văn Thức đề nghị Formosa xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết về thực hiện bảo vệ môi trường trong khoảng thời gian này; nghiên cứu xây dựng hồ sinh học đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, môi trường nhằm phòng ngừa sự cố. Để đảm bảo khách quan, Đoàn sẽ hoạt động độc lập, nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện thêm sai sót sẽ buộc Công ty phải khắc phục ngay.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 20/7, sau khi tìm hiểu thực tế việc thực hiện hỗ trợ tàu thuyền theo Quyết định 772/QĐ-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ, PV Đại Đoàn Kết đã có phản ánh với chính quyền thị xã Kỳ Anh.
Ngày 23/7, báo Đại Đoàn Kết có đăng bài “Xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh): Nhập nhằng chi trả tiền hỗ trợ ngư dân”. Ngay sau khi nhận được phản ánh, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Quốc Hà đã ra quyết định kiểm tra, xác minh đơn khiếu nại việc thực hiện chính sách hỗ trợ tàu thuyền theo Quyết định 772 tại xã Kỳ Lợi.
Quyết định nêu rõ: Tiến hành kiểm tra, xác minh đơn khiếu nại việc thực hiện chính sách hỗ trợ tàu thuyền theo Quyết định 772/QĐ-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh. Thời gian kiểm tra, xác minh là 20 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định (không kể ngày nghỉ theo quy định).
Trước đó, như Đại Đoàn Kết đã phản ánh, 108 hộ dân ở xã Kỳ Lợi đã bất ngờ bị loại khỏi danh sách 866 hộ đã phê duyệt được hỗ trợ theo Quyết định 772/QĐ-TTG ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ (thuyền lắp máy được hỗ trợ 5 triệu đồng, không lắp máy được hỗ trợ 3,5 triệu đồng). Bức xúc về việc làm nhập nhằng này của chính quyền xã, nhiều hộ dân đã làm đơn kiến nghị. Ngay sau đó, thị xã Kỳ Anh đã yêu cầu xã Kỳ Lợi ngừng việc chi trả để soát xét lại.
Ông Chu Văn Quang- Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho biết: Đến nay xã đã chi trả xong cho toàn bộ 108 hộ đã bị loại khỏi danh sách được hỗ trợ ban đầu. Nhưng vẫn còn 14 hộ dân ở thôn Hải Thanh không có trong danh sách đã phê duyệt và một số hộ dân ở Tân Phúc Thành 2 và Tân Phúc Thành 3 đang có đơn kiến nghị, khiếu nại. Tổ kiểm tra, xác minh đơn thư sẽ tiến hành soát xét toàn bộ các đơn thư này với mục tiêu là không sai và không sót đối tượng, đảm bảo lợi ích và công bằng cho ngư dân bị ảnh hưởng.