Vươn lên từ miền chiến địa

Đơn Thương 27/07/2016 10:25

Khi biên giới Hà Giang hay còn gọi là “chiến trận Hà Tuyên” bị xâm lược, họ vốn là những thanh niên phơi phới tuổi xuân, xanh nhức màu tóc và trắng ngần màu da. Vì quê hương, vì đất nước, vì phên dậu tiền tiêu, không nề hà, họ tòng quân, cầm súng lên những điểm cao, các vị trí xung yếu. 3 năm đỏ lửa vùng biên, họ trở về, mang trên mình những thương tật và lại lao vào “trận chiến đời thường” hàn gắn vết thương, vươn lên, góp sức để mảnh đất chiến địa một thời hồi sinh.

Vươn lên từ miền chiến địa

Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên – nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ.

Đầu năm 1979, toàn tuyến biên giới phía Bắc rực lửa. Với ý chí và lòng yêu Tổ quốc, người Việt Nam đã nhất tề đứng dậy và làm suy yếu những ý muốn của quân địch.

Tiếp đó năm 1984, với một lực lượng lớn được huy động, từ bên kia biên giới, pháo địch lại khai hỏa, để mở màn cho cái gọi là Chiến trận Hà Tuyên.

Đất nước lại lâm nạn binh đao. Để giữ vững vùng phên dậu, với các cao điểm như 1.509, Bình độ 300, Đồi Đài…, trước lời kêu gọi, hàng nghìn thanh niên, trong đó có những người con yêu dấu của mảnh đất Hà Tuyên (nay là Tuyên Quang và Hà Giang) nô nức lên đường.

Với 9 sư đoàn chủ lực cùng lực lượng dân quân tự vệ địa phương tham gia chiến đấu, mảnh đất phên dậu một thời được mệnh danh là “Cối xay thịt”, “Lò vôi thế kỉ” nay đã bình yên. Nhưng để đánh đổi lại sự yên bình cho vùng phên dậu, gần 4.000 người lính đã bỏ thân lại mảnh đất này, 2.000 người ngã xuống được quy tập trong một nghĩa trang được xếp hạng cấp Quốc gia có tên là Vị Xuyên và hàng nghìn thương bệnh binh.

May mắn hơn những người vĩnh viễn nằm lại ấy, đã một thời tận mắt chứng kiến đau thương, những người trở về, tuy không lành lặn, nhưng họ vẫn giữ trong mình một ý chí. Vượt khó, vượt bệnh để vươn lên, để giữ trong mình một phẩm chất sống. Và cuộc sống cùng sự vươn lên của họ như một minh chứng đến khó tưởng trên vùng đất chiến địa một thời này.

Hà Giang, đặc biệt là những huyện chiến địa một thời như Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Xín Mần vốn “nằm dựa lưng” vào đỉnh Tây Côn Lĩnh – Mái nhà của vùng Đông Bắc, do tính chất địa lý, hứng gió và mây nên mùa này quằn quại mưa. Vượt gió và mưa cùng chặng đường dài chúng tôi tìm về với Bắc Quang, tới với thương binh hạng ¼ có tên Phùng Quốc Phòng.

Mưa, sương, ẩm, lạnh luôn đem đến cho người bình thường một cảm giác mệt mỏi, tuy nhiên với thương binh Phùng Quốc Phòng lại không vậy. Cơn mưa rừng vừa tạnh, khi chúng tôi tìm đến, ông Phòng đã đang lách cách cùng dao, cuốc ngoài khu vườn bát ngát màu xanh.

Năm 1980, ông Phùng nhập ngũ. 4 năm sau anh lính Phòng đã là thiếu úy, trung đội trưởng chiến đấu bảo vệ vùng biên ở một trong những huyện biên giới trọng điểm là Xín Mần.

Năm 1984, địch khai hỏa mạnh, cánh lính của ông được lệnh bám sát biên cương. Thị trấn Cốc Pài ngày đêm bị pháo địch không kích, tan nát cùng sự cuộn dòng của con sông Chảy nơi thượng nguồn thơ mộng một thời.

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, may mắn đã không đến với ông khi lòng căm hờn giặc còn ngút ngàn ông đã bị thương nặng trong một luần tuần tra, thị sát vùng biên. Chiếc chân trái cùng một mắt của ông đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến địa.

Sau nhiều năm nằm điều trị tại quân y viện, ông trở về, với mức độ thương tật ¼ và tìm về thôn Thanh Bình (Việt Quang, Bắc Quang) làm nơi định cư cho mình. Mệt mỏi, chán chường, mông lung lại thêm vết thương nhiều lúc trái gió trở trời tái phát nên nhiều khi ông nản lắm.

Tuy nhiên, sau đó, nghĩ tới những đồng đội thân yêu, không may mắn, mãi nằm lại nơi biên giới đèo heo hút gió nên ông đã đánh thức trong mình một nghị lực. Phải sống, vươn lên là ý chí được tôi đúc sau những năm tháng trở về của ông.

Vươn lên từ miền chiến địa - 1

Với thương tật hạng ¼ nhưng ông Phùng Quốc Phòng vẫn sản xuất, xây dựng quê hương.

Vượt lên đau yếu, bệnh tật, ông lao vào vườn rừng, làm kinh tế trang trại. Cây được trồng xuống, gia súc, gia cầm được mua về từ những đồng tiền chế độ thương tật tích cóp. Công việc cắt cử, không nề hà, với bàn chân tập tễnh ông cũng lên rừng, xuống ruộng.

Trời không phụ lòng ông, cây trái nhanh chóng tốt tươi, gà vịt lớn như thổi, ông lại có vốn. Từ một quy mô làm ăn nhỏ lẻ, một mô hình trang trại đã được ông dựng lên. Ông đi tiếp vào mô hình chăn nuôi thủy sản và cũng lại gặt hái được thành công.

Nhờ sự lao tâm, khổ tứ này, từ một người được coi là “tàn” nhưng nay ông đã nổi tiếng là một người có nhà cửa khang trang, có tiền cho con cái ăn học đàng hoàng. Nói về gương thương binh Phùng Quốc Phòng, ông Nguyễn Ngọc Tân – Chủ tịch thị trấn nói: Là một chiến binh, với thương tật ¼, ông Phòng đã làm được những việc mà đến người lành lặn cũng phải nể phục.

Và cũng tại vùng chiến địa Hà Giang, nói về gương thương binh vươn lên trong thời bình, ít ai không nhắc đến ông Trần Văn Thư, Việt Thành (Việt Lâm, Vị Xuyên). Ông Thư trở về, không lành lặn vì bị 3 mảnh đạn cối găm vào người, thương tật được xác định với hạng 4/4.

Trước đồi chè ngút ngát xanh, búp đang kì chính vụ đơm ngọn tua tủa, ông Thư tâm sự: Ngày tôi trở về, vốn là miền đất nơi chiến địa, nên đất đai hoang cằn lắm. Mình từ đất mà đi, nay trở về với quê hương, trước sự tàn phá của chiến tranh, cũng phải góp sức xây dựng lại.

Từ một mảnh đất cằn, từ một thương binh bệnh tật, nay nguồn thu từ vườn đồi, mỗi năm ông đã có thu nhập tới gần 100 triệu. Số tiền này đủ để ông nuôi dạy con cái và xây dựng nhà cửa.

Hiện tại, mảnh đất địa đầu, nơi đã xảy ra cuộc chiến với cái tên mãi đi vào lịch sử Chiến trận Hà Tuyên này có 24.000 Hội viên Hội Cựu chiến binh, trong đó có trên 1.000 người là thương bệnh binh. Theo ông Thiều Đức Bốn – Trưởng phòng LĐTB&XH Vị Xuyên – nơi được coi là “Chảo lửa chiến tranh” thì hiện tại trên địa bàn huyện có tới 827 gia đình chính sách và 560 đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng.

“Chiến tranh là điều tồi tệ không ai muốn nó xảy ra. Ngay trên mảnh đất chiến địa này thôi, nếu ai đã từng sống, đã từng trải qua mới thấy hậu họa và sự khắc phục nó đến mức khủng khiếp thế nào. Nhưng bằng nghị lực, bằng sự quan tâm, trong đó có sự góp sức không nhỏ của các thương bệnh binh, đất này đã hồi sinh như các anh đã từng thấy” – như một sự chiêm nghiệm, ông Bốn tâm sự.

Hơn 30 năm có lẻ, nếu ai có lần đặt chân lên Hà Giang mà cụ thể là “Chảo lửa chiến tranh” Vị Xuyên, khó có thể hình dung chiến tranh đã xảy ra và đem đau thương cho vùng phên dậu này. Nhà cửa được dựng xây, cây cối đã chen chân vươn tán trên những hố pháo, bãi mìn năm xưa.

Tôi lại đi qua các điểm cao một thời như 1.509, hang Làng Pinh, làng Lò, Thác gọi hồn… Qua những mảnh đất tan tành vì pháo kích từ bên kia biên giới như Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, Minh Tân… Đã gặp gỡ và chứng kiến những tấm gương thương bệnh binh đang ngày đêm cùng người dân vươn lên để hàn gắn những vết thương của người và đất giữa đời thường.

Đơn Thương