Sóng mua bán sáp nhập: Thị trường địa ốc hứa hẹn bùng nổ
Thị trường bất động sản Việt Nam đang chứng kiến các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) tỷ đô tại Việt Nam. Năm 2016, sóng M&A được dự báo bùng nổ trong bối cảnh hội nhập sâu.
Ngành địa ốc sẽ diễn ra nhiều hoạt động M&A trong năm 2016.
Theo ông Đặng Xuân Minh- TGĐ Công ty AVM “cuộc đua mua bán sáp nhập (M&A) đã bắt đầu”, hiện diện ở 5 phương diện, đó là: giành thị phần trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng; giành các vị trí vàng trong lĩnh vực bất động sản; tìm cơ hội trong cổ phần hoá; hình thành các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và cuối cùng là làn sóng khởi nghiệp. Đáng chú ý, các doanh nghiệp ngoại đang chiếm ưu thế trong cuộc đua này. Trong top 10 thương vụ lớn nhất, có đến 9 thương vụ có mặt nhà đầu tư nước ngoài với vai trò là bên mua.
Theo ông Minh, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore vẫn là những người mua chủ yếu tại thị trường Việt Nam. Trong khi Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm... Còn Thái Lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ với mục tiêu mở rộng thị trường. Điểm lại hoạt động M&A trong năm qua phải tính đến là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, chiếm tới 38,46% tổng giá trị.
Trong đó, quy mô của hai thương vụ M&A từ Thái Lan đã chiếm 24,8% giá trị năm 2015 và nửa đầu 2016 với trọng tâm dồn vào nhà đầu tư ngoại Thái Lan. Thương vụ gần nhất là nhà đầu tư Thái Lan mua trọn Big C Việt Nam.
Tuy nhiên, đáng chú ý, hoạt động M&A trong năm 2016 cũng như trong thời gian tới sẽ hướng ngành địa ốc. Một khảo sát với khoảng 200 đại điện các nhà đầu tư bất động sản lớn trên toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 36% các nhà đầu tư nhận định Việt Nam là thị trường đầu tư hấp dẫn nhất.
Các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tiếp cận với các nhà phát triển bất động sản trong nước để hợp tác phát triển dự án, nhằm tận dụng các thế mạnh am hiểu thị trường nội địa của các chủ đầu tư trong nước. Một trong những yếu tố nữa sẽ làm “nổi sóng” M&A bất động sản trong thời gian tới là theo luật nhà ở năm 2014, người nước ngoài sẽ rộng đường sở hữu bất động sản ở Việt Nam.
Theo khảo sát của Công ty TNHH Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL) – đơn vị chuyên quản lý và tư vấn bất động sản, hoạt động M&A thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản. JLL phân tích, Việt Nam được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn so với nhiều nước Đông Nam Á khác, vì nền kinh tế và thị trường bất động sản đang cải thiện. Do đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào các tài sản sinh lợi tại những thành phố lớn của Việt Nam.
Dẫn đầu hoạt động M&A BĐS thời gian qua là Tập đoàn Vingroup, khi bỏ ra 3.325 tỷ đồng mua thêm 45% cổ phần CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại DN này lên mức 74,38%. Qua đó, Vingroup nắm cổ phần chi phối tại DN này và sở hữu dự án Vinhomes Central Park, khu đô thị phức hợp đầu tiên của Vingroup tại TP HCM.
Tổng mức đầu tư của Vinhomes Central Park 36.000 tỷ đồng. Tiếp đó, Vingroup bỏ ra 1.622 tỷ đồng mua lại toàn bộ Công ty Metropolis để sở hữu dự án Trung tâm thương mại Masteri Thảo Điền. Tại Hà Nội, Vingroup cũng bung tiền thực hiện các thương vụ M&A khác, như chi 2.316 tỷ đồng mua lại 99% cổ phần Công ty BĐS Hồng Ngân để trở thành chủ đầu tư dự án Thành phố xanh, quy mô 17,6ha, tổng mức đầu tư dự án khoảng 8.500 tỷ đồng…
Một nhà đầu tư khác là CTCP Tập đoàn FLC cũng rất sốt sắng trên thị trường M&A khi bỏ ra nhiều ngàn tỷ đồng mua lại nhiều dự án BĐS tại Hà Nội. Thông qua M&A, FLC đã chính thức mua lại các dự án đất vàng Hà Nội như FLC Twin Towers, FLC Garden City tại Đại Mỗ; FLC Complex Phạm Hùng, FLC Star Tower
Bên cạnh đó, nhiều thương vụ M&A chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án cũng diễn ra sôi động, như CTCP Đầu tư Hải Phát mua lại một phần dự án Ulsilk City từ CTCP Sông Đà Thăng Long; Công ty Hưng Thịnh mua lại các dự án Melody Residences, căn hộ Sky Center; Vạn Phát Hưng rao bán 7 dự án BĐS tại TPHCM…
Một số nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia hoạt động M&A và đầu tư phát triển BĐS như Gaw Capital, Gamuda Land, Lotte, CTCP Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O) và Greed Group. Riêng N.H.O đã công bố gói đầu tư 1 tỷ USD mua lại 14 dự án BĐS tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng nhằm hình thành chuỗi dự án mang thương hiệu First Home và Smart City.
Trong năm 2016, thị trường BĐS sẽ tiếp tục xu hướng M&A dự án, DN dự án nhằm hồi sinh các dự án đắp chiếu. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư sẽ tiếp tục rao bán dự án để cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư. Xu hướng M&A sẽ giúp thị trường BĐS phát triển bền vững hơn, nhiều dự án tiềm năng thông qua M&A sẽ tìm được nhà đầu tư chuyên nghiệp và phát huy tối đa hiệu quả.