Án dân sao khác án quan?
Phiên tòa xét xử vụ án “cướp bánh mì” ở Q. Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh mới đây có bản án được cho là “khá nặng” với 2 bị cáo chưa thành niên. Hai bị cáo chưa thành niên đã phải trả giá cho hành vi phạm pháp của mình là bản án 18 tháng 20 ngày tù chỉ vì đói mà “cướp” 2 bịch chuối sấy, 1 ổ mì ngọt, 2 bịch đậu phộng, 3 bịch me trộn đường tổng trị giá 45.000 đồng.
Bị cáo tại phiên tòa.
Ngày 20/7/2016, TAND Quận Thủ Đức, TP HCM, đã tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tuấn 10 tháng tù và Ôn Thành Tân 8 tháng 20 ngày tù (Tân đã chấp hành xong hình phạt) về tội cướp giật tài sản. Phiên tòa diễn ra trong lúc bà Lại Thị Yên, người bị hại (bị giật túi đồ ăn) trong vụ án, đã không tới và đã có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa. Trước đó, bà Yên đã làm đơn xin bãi nại cho 2 bị cáo.
Phiên tòa kết thúc trong sự lặng lẽ, gia đình các bị cáo tuyên bố không kháng án. Tuy nhiên, dư luận thì lại không yên lặng. Không ít các chuyên gia pháp lý, kể cả những lãnh đạo cao cấp đương nhiệm trong ngành tòa án, đã phản ứng với bản án này.
Mới đây, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, sau khi nghe báo cáo chi tiết nội dung vụ án và quá trình xét xử, đã chỉ đạo giao TAND TP HCM khẩn trương kiểm tra để xác định nếu có kháng cáo hoặc có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của VKSND TP HCM đối với bản án sơ thẩm, thì TAND TP HCM thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm.
Khi xét xử phúc thẩm vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội để quyết định áp dụng nguyên tắc, biện pháp xử lý đối với các bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giao Chánh án TAND cấp cao tại TP HCM rút hồ sơ vụ án để xem xét việc kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm và đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP HCM xét xử giám đốc thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 69 Bộ luật Hình sự (nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội) phải xem xét các yếu tố sau đây: Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích trong xã hội.
Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù.
Diễn biến vụ án “cướp bánh mì” làm người ta không khỏi liên tưởng đến những gì xảy ra với đường ống nước Sông Đà đã vỡ đến lần thứ 18 và hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đã được cơ quan điều tra kết luận, nhưng chẳng ai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí còn được cảm thông. Nếu so về mức độ thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội của vụ “cướp” trị giá 45.000 đồng và 18 lần vỡ đường ống nước Sông Đà thì quả là một trời một vực trong mức độ tác động xấu tới xã hội.
Nhiều luật sư chỉ rõ, hành vi của lãnh đạo Vinaconex đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, có thể bị truy tố ở khung hình phạt 8 đến 20 năm tù. Nhưng họ vẫn bình an vô sự, được miễn tố vì “khai báo thành khẩn, hợp tác làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng”. Càng vô lý hơn, đây là những điểm không nằm trong quy định được miễn truy tố, quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Vụ tham nhũng tại Dự án cải tạo Kênh Ba Bò (Quận Thủ Đức, TP HCM), hàng loạt cán bộ ở Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận đã cố ý làm trái, nâng khống số tiền đền bù cho một số hộ dân, đền bù sai đối tượng, để chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Ngay sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an vào cuộc, những cán bộ này vội vàng mang nộp số tiền đã chiếm đoạt. Mặc dù cơ quan điều tra chỉ rõ sai phạm của những cán bộ thuộc Ban bổi thường giải phóng mặt bằng Quận Thủ Đức đã đủ căn cứ của tội cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gậy hậu quả nghiêm trọng. Nhưng sau khi vụ án được chuyển về địa phương để điều tra theo thẩm quyền, thì địa phương lại không khởi tố vụ án vì “các cán bộ sai phạm đã nộp lại tiền nên không cấu thành tội phạm”.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa 13 từng có nhiều kiến nghị về công tác điều tra, xét xử, trong đó có nhận định việc xét xử còn sai tội danh, sai khung hình phạt, có nơi áp dụng hình phạt quá nặng đối với người lao động nhất thời phạm tội. Ngược lại, có những trường hợp tuyên hình phạt quá nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo không đúng pháp luật, nhất là tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng. Có trường hợp, tòa án còn miễn trách nhiệm hình sự với bị can khi lạm dụng việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt như nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, người bị hại rút đơn.
Chứng kiến ngày càng nhiều những vụ án tương phản, khiến dư luận không khỏi đặt ra những câu hỏi về cái gọi là “bản án cho quan phải chăng khác bản án dành cho dân”?