Phổ điểm thấp, điểm chuẩn cũng sẽ thấp

Thủy Anh 28/07/2016 11:15

Đến thời điểm này, sau khi các cụm thi trên cả nước công bố điểm thi, nhiều trường ĐH đã chủ động đưa ra thông tin xét tuyển. Tùy từng trường mà đợt tuyển sinh năm nay có cách thức xét tuyển khác nhau, ngành hot khác nhau, thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký xét tuyển sao cho phù hợp với năng lực, sở thích của mình.

Phổ điểm thấp, điểm chuẩn cũng sẽ thấp

Tư vấn tuyển sinh.

Cân nhắc nộp hồ sơ theo điểm chuẩn năm trước

Theo TS. Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng đào tạo, Học viện Ngân hàng: Năm nay chỉ tiêu nhà trường tăng hơn so với năm trước, phổ điểm lại thấp hơn, nên điểm chuẩn nhà trường cũng sẽ chỉ bằng hoặc thấp hơn năm ngoái. Tất nhiên cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, ví dụ như yêu cầu người học, thị trường đào tạo...

Theo đó, ông đưa ra gợi ý rằng, các thí sinh được khoảng 20 điểm, thậm chí dưới 20 điểm cũng có thể mạnh dạn tự tin nộp vào trường, chờ cơ hội. Thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn của trường năm học trước. Bởi vì năm nay có thể điểm thấp hơn mức đó, cho nên dù có thấp hơn 1, 2 điểm thí sinh vẫn có thể tự tin nộp. Song cũng nên xác định nhiều phương án lựa chọn để không trúng nguyện vọng này có thể trúng nguyện vọng khác.

Còn tại ĐH Kinh tế quốc dân, lãnh đạo nhà trường chia sẻ: Để dự đoán chính xác điểm chuẩn rất khó, nhưng theo tôi năm nay điểm nhiều khả năng sẽ hạ thấp hơn từ 0,5 đến 1,5 điểm các ngành so với trước.

Căn cứ thứ nhất, năm nay phổ điểm thí sinh thấp hơn. Đề thi chất lượng và sự phân hóa tốt hơn, nên những điểm 9, 10 là những điểm khó đạt được. Còn những đề thi mà thí sinh thu nhận điểm 9, 10 một cách dễ dàng thì chứng tỏ đề thi hơi dễ.

Để cân nhắc nộp hồ sơ vào trường, lãnh đạo ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, chúng tôi có công bố điểm thấp nhất của trường cao hơn sàn của Bộ 2 điểm. Tuy nói như vậy nhưng thực ra cao hơn nhiều. Còn các em có mức điểm 20 trở xuống thì nên suy nghĩ đến các chương trình đào tạo quốc tế, không đặt nặng điểm đầu vào. Với các em điểm trên 20 trở lên thì có nhiều hi vọng hơn, nhưng cũng tùy số điểm của mình để lựa chọn”.

Chọn ngành hot, dễ xin việc

Tiếp tục chia sẻ về việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh, ông Trần Mạnh Dũng nói rằng: Hiện nay ngành chủ chốt nhất của Học viện Ngân hàng vẫn là ngành Tài chính ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế. Trong đó hai ngành thu hút thí sinh hơn trong những năm gần đây là Tài chính ngân hàng và kế toán. Còn những ngành khác cũng có sức hấp dẫn như Quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế.

Hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung, trong 5-7 năm nay có gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, bây giờ có lẽ là thời kỳ đáy, kinh tế dần hồi phục, thí sinh vào học thì mấy năm sau sẽ có cơ hội tốt. Sau khi ổn định thì sẽ thu hút nhân lực mới, tuyển dụng bổ sung. Đây cũng là cơ hội việc làm cho các em thí sinh trong những năm tới.

Nói về ngành nghề dễ xin việc trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng: Rất khó để khẳng định, bởi vì còn tùy thuộc vào nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng chậm thì cơ hội việc làm sẽ không cao. Thực tế những năm vừa rồi ngành nào cơ hội việc làm cũng đều khó khăn cả.
Hiện nay có xu hướng khởi nghiệp starup, các em cần có ý thức không phải sinh viên tốt nghiệp xong là trông chờ vào sự tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp công ty… Tại sao anh không tự tạo ra việc làm? Hoàn toàn có khả năng thành lập ra những công ty, hoặc hình thức kinh doanh để tạo ra việc làm cho bản thân mình và có thể cho người khác nữa. Gần đây xu hướng này bắt đầu được sinh viên quan tâm”.

Thứ hai, thị trường vừa thừa vừa thiếu, bất kể thời điểm nào, kể cả thời điểm khó khăn nhất, nhưng những sinh viên giỏi có kỹ năng tốt thì luôn luôn được các nhà tuyển dụng tìm kiếm. Còn nếu đào tạo không có uy tín, trong quá trình học không có kiến thức kỹ năng đáp ứng yêu cầu các nhà tuyển dụng thì anh luôn có nguy cơ không được thị trường dung nạp, các nhà tuyển dụng chấp nhận.

Đây cũng là đánh giá từ GS. TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ông cho rằng một số ngành tính ổn định trong việc thu hút sinh viên và xã hội khá cao, và luôn nằm ở tốp đầu những ngành được quan tâm nhất, đồng thời điểm trong những năm vừa qua cũng cao có thể kể đến như Kiểm toán, Kế toán, Tài chính doanh nghiệp, Ngân hàng, Kinh tế đầu tư…

Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh, lãnh đạo trường ĐH Kinh tế quốc dân khẳng định: Năm nay, các em có rất nhiều cơ hội với cách đổi mới tuyển sinh cải tiến . Các em có 4 nguyện vọng ở đợt xét tuyển thứ nhất, và cả đợt xét thứ hai. Đặc biệt, đợt xét tuyển bổ sung không cần điểm phải cao hơn lần trước mà có thể thấp hơn. Lần 1, trường ĐH nào đó có thể lấy vào điểm là 20, nhưng đợt sau có thể lấy điểm vào ngành đó là 18 điểm. Điều này hoàn toàn là đổi mới, tốt cho lựa chọn thí sinh, tránh bỏ sót được những thí sinh điểm cao có năng lực tốt mà cuối cùng trượt ĐH.

Tuy nhiên các em cần lưu ý lượng sức điểm của mình. Trong đăng ký 4 nguyện vọng nên chọn đến cả nguyện vọng cao, nguyện vọng thấp.

Bộ GD&ĐT công bố email, số điện thoại hỗ trợ tuyển sinh 2016

Nhằm hỗ trợ thí sinh các thông tin liên quan đến xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016, Bộ GD&ĐT đã thành lập hệ thống email, điện thoại phục vụ công tác tuyển sinh. Theo đó, mọi thông tin quan tâm, cần hỗ trợ có thể gửi đến địa chỉ email: hotrotuyensinh2016@moet.gov.vn, hoặc liên hệ các số điện thoại: 04.3623.0816 và 04.3623.1138. Hệ thống email chính thức hoạt động từ ngày 25/7/2016. Các số điện thoại hoạt động từ ngày 01-8-2016 trong giờ hành chính.

Thủy Anh