Giải bài toán bội chi
Chi ngân sách để phát triển sản xuất, thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế là điều bất cứ quốc gia nào cũng phải làm. Nhưng bội chi lại là vấn đề khác, đặc biệt là trong tình hình nguồn ngân sách eo hẹp. Con số bội chi trong vòng 7 tháng lên tới 105.000 tỷ đồng là rất lớn. Nhà nghèo, cần tính theo cách của nhà nghèo, cũng chẳng đến nỗi “giật gấu vá vai” nhưng chi sao cho trúng, sinh lợi nhanh và nhiều, đó mới là cốt lõi của vấn đề.
Ảnh minh họa.
Nhưng cũng thật kì lạ trong cái chuyện chi ngân sách. Cách đây chưa lâu, Chính phủ đã phải ra “tối hậu thư” cho các bộ, ngành, các địa phương rằng nơi nào không giải ngân được theo kế hoạch thì sẽ bị xử lý (tất nhiên là với nhiều hình thức, mức độ khác nhau).
Khi mà nguồn tiền từ ngân sách hiếm hoi, nhưng tốc độ giải ngân nhiều dự án lại không tới 30% theo kế hoạch thì cũng thật là chuyện lạ đời. Có được một dự án nào có dễ, phải cân lên đặt xuống ở rất nhiều tầng nấc, nhưng khi có dự án rồi, dòng tiền đã chảy về rồi thì lại thủng thẳng, tới đâu thì tới, mặc cho những đồng tiền quý giá không sinh sôi nảy nở.
Quá nhiều dự án chậm tiến độ, phơi sương phơi nắng, trong khi người dân thiếu đất canh tác thì cứ “xây thành đắp lũy” quây lại đấy bỏ hoang dãi nắng dầm mưa.
Như vậy là có sự trái ngược rõ ràng giữa việc ngân sách eo hẹp nhưng phải bội chi để tăng trưởng với việc để lãng phí ngân sách khi quá lề mề trong triển khai dự án. Làm sao không khỏi lo lắng khi biết tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến nay ước tính đạt 500,8 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 49,4% dự toán năm.
Nhưng ở phần chi ra lại lên tới 606,4 nghìn tỷ đồng, vênh nhau giữa thu và chi lên tới 105.000 tỷ đồng. Theo định nghĩa của giới chuyên gia kinh tế, bội chi cũng có nghĩa là “đang ăn vào thịt của chính mình”, dẫn đến phát triển thiếu bền vững, lúc nào cũng phải đứng kiễng chân do phải lo tìm nguồn tiền để chi, rồi phải lo trả nợ.
Cũng chẳng hay gì khi mà Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Việt Nam là nước có mức thâm hụt ngân sách cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Theo đó, năm 2015, thâm hụt ngân sách của Thái Lan là 1,2% GDP, của Indonesia là 2,3% GDP, của Philippines là 0,12% GDP, của Campuchia là 2% GDP; còn của Việt Nam ta là hơn 6%.
Nhắc lại, bội chi ngân sách năm 2011 là 4,4% GDP, năm 2012 là 4,8%, năm 2013 là 6,6%, năm 2014 tương đương 5,69%, năm 2015 là 6,11%.
Bội chi như vậy không phải năm nay mới có, mà như thể căn bệnh kinh niên từ năm này sang năm khác. Căn bệnh ấy phải tìm ra thuốc chữa, nếu không bệnh sẽ ngày một nặng thêm, do nợ chồng lên nợ.
Nói điều này để nhớ lại một chuyện, ấy là chuyện nhập siêu và xuất siêu. Đã có thời đoạn kéo dài liên miên mấy chục năm trời ròng rã, Việt Nam tuy là nước nông nghiệp nhưng lại không đủ lương thực, thực phẩm mà ăn, phải nhận hạt bo bo từ Ấn Độ, đường cát từ Cuba. Năm nào cũng phải nhập siêu, cán cân thanh toán xuất-nhập khẩu xem chừng vô phương cứu chữa.
Nhưng rồi, với những chính sách đúng, Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, “tay bo” với những cường quốc xuất khẩu gạo một cách sòng phẳng. Từ chỗ “ốm vì nhập siêu”, thì nay đã xuất siêu, tuy chưa nhiều và cũng chưa thật bền vững.
Như vậy, nếu có giải pháp đúng thì căn bệnh bội chi sẽ có thuốc chữa. Ở đây, đó là sự chi đúng, chi trúng, phải tính một cách căn cơ về việc những đồng tiền chi ra ấy phải sinh lợi. Ở tình thế ngược lại, những gì chi không đúng, không trúng thì phải hạn chế.
Ngành nào, địa phương nào cũng cần ngân sách để rộng tay chi tiêu cả. Nhưng để giảm bội chi thì phải soát xét lại những dự án chưa cần thiết. Nếu chỉ vì cái lợi cá nhân, lợi ích nhóm, tính cục bộ mà “vẽ” ra các dự án phải chi, rồi chạy cho bằng được, thì có thể nói con bệnh sẽ vô phương cứu chữa.
Lời giải cho bài toán bội chi như một thách thức khó vượt qua. Tuy nhiên, hy vọng được đặt vào sự quyết tâm của Chính phủ và Quốc hội, kiên quyết không chi cho những dự án thiếu tính khả thi, đặc biệt là những “siêu” dự án trời ơi đất hỡi.
Cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước được xem là điều tối quan trọng, bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên, từ đó mới có thể cắt giảm các khoản chi không hiệu quả. Bên cạnh việc xiết “hầu bao” thì cần phải nâng cao hiệu quả đầu tư công trong việc thực hiện kỷ luật tài khóa.
Con số bội chi tăng cao cùng với nợ công đang ngày một lớn lên một lần nữa đòi hỏi tinh thần trách nhiệm với nguồn vốn quốc gia. Đất nước còn nghèo, sức dân có hạn, mỗi đồng vốn bỏ ra phải được cân nhắc kĩ càng. Trong việc này, vai trò giám sát, phản biện trước những dự án cần phải được coi trọng. Nhưng gốc rễ của vấn đề, đó là nơi nhận được phản biện, giám sát có chịu nghe hay không, có thực lòng vì lợi ích quốc gia hay không, để mà tiếp thu và có được những quyết định sáng suốt.