Hệ lụy bão
Nhà cửa tốc mái; cột điện, cây xanh đổ gãy hàng loạt, ruộng đồng, đầm bãi ngập úng; hoạt động của nhiều cơ quan bị tê liệt do mất điện kéo dài… là những gì bão số 1 (tên quốc tế là bão Mirinae) để lại ở những địa phương cơn bão này đi qua.
Bão số 1 khiến nhiều nhà cửa, cột điện, cây xanh bị hư hỏng, gẫy đổ (Ảnh: Anh Tuấn).
* Dự báo bão số 1 “nhẹ” hơn thực tế?
* Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 1
* Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng
Đây là cơn bão mạnh quá dự kiến! - ông Trần Văn Hưng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nam Định khẳng định với PV báo Đại Đoàn Kết. Theo ông Hưng, khi bão chưa vào Biển Đông cơ quan dự báo chỉ dự báo bão chỉ cấp 7, cấp 8.
Nhưng khi qua đảo Hải Nam nó được tiếp thêm hơi ấm nên mạnh hơn một chút. Khi cách bờ khoảng 120-130 km bão tiếp tục được tiếp thêm năng lượng của vùng ấm, mạnh hẳn lên đến mấy cấp, càng vào sát bờ tốc độ của bão càng mạnh. Sức tàn phá của bão lớn còn là do bão đi rất chậm. “Lúc hơn 8h tối ngày 27/7 ở Nam Định gió vẫn còn rất nhẹ.
Nhưng bắt đầu từ 9h tối thì bắt đầu mạnh khủng khiếp và “quẩn quanh” ở đây suốt 7h liền nên nó “vò nát” mọi thứ. Như ở cửa Ba Lạt nơi nó ập vào đầu tiên, gió nó giật tới cấp 15. Cây cối nhà tôi bị bão “bứng” gốc đưa cả sang nhà hàng xóm…”, ông Hưng cho biết.
Bão số 1 đã đi qua nhiều địa phương và để lại thiệt hại nặng nề. Thống kê ban đầu cho thấy, tại Nam Định bão đã đánh chìm 7 con tàu (trong đó có 6 tàu của ngư dân, 1 tàu của cảnh sát đường thủy); 1 tàu bị mất tích; làm hư hỏng 4 tàu giao thông…
Về sản xuất nông nghiệp, thủy sản: theo thống kê đã có 445 lều chòi ngoài bãi biển bị sóng gió đánh sập; 5 lồng cá ở huyện Xuân Trường bị vỡ; 50 ha diện tích nuôi trồng thủy sản ở xã Xuân Hòa (Xuân Trường) bị ngập; 80 ha nuôi trồng thủy sản ở xã Giao Thiện (Giao Thủy) bị mất trắng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thống kê sơ bộ, còn nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản khác bị thiệt hại chưa kịp thống kê. Ở khu vực nội đồng, 74.100 ha diện tích lúa mùa vừa cấy, gieo sạ của tỉnh (95% tổng diện tích) bị ngập úng; toàn bộ 8.500 ha ra màu của tỉnh cũng bị ngập, dập nát…
Thông tin với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Trung Hiếu- Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) cho biết, chỉ riêng huyện ven biển này đã có hơn 5.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng…
Ngành điện lực của Nam Định bị thiệt hại rất nặng nề. Thống kê ban đầu cho biết tổng cộng có 1.900 cột điện trung thế trên địa bàn tỉnh bị đổ nghiêng; 13.000 cột điện hạ thế bị hư hỏng, gẫy dẫn đến việc từ đêm ngày 27/7 toàn tỉnh bị mất điện, đến đầu giờ chiều 28-7 vẫn chưa được cấp lại khiến hoạt động của nhiều cơ quan từ tỉnh đến cơ sở bị tê liệt. Cho đến cuối giờ chiều 28/7,Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định vẫn phải sử dụng máy phát điện…
Vào 15h ngày 28/7, Trung tá Phạm Vũ Tuấn- Phó Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Nam Định xác nhận với Đại Đoàn Kết: vào 11h30 đêm 27/7, trong khi tham gia cứu hộ một tàu vận tải gặp sự cố trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, một cán bộ của đơn vị là Trung tá Phạm Văn Đông đã bị thương ở chân. Trung tá Đông sau đó được đưa lên điều trị tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh.
18h cùng ngày, ông Trần Văn Vỵ- Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường xác nhận, do đi xe máy đâm vào cột viễn thông vừa bị đổ do bão, 2 người dân ở xã Xuân Thủy đã bị tử vong.
* Tại Thái Bình, theo tổng hợp của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh có 39.300 ha lúa mùa vừa cấy bị ngập úng; 1.900 ha hoa màu bị dập nát; 74 lồng bè cá trên sông Hồng ở huyện Vũ Thư bị trôi dạt; riêng TP Thái Bình có khoảng 9 nghìn cây bị đổ, gẫy. Bão cũng làm 25 phòng học ở huyện Vũ Thư, 2 nhà máy gạch ở huyện Thái Thụy bị tốc mái.
Bão cũng làm 2 người ở các huyện Vũ Thư và Kiến Xương bị thương. Cơ quan chức năng của tỉnh cho biết, đây mới chỉ là thống kê thiệt hại ban đầu; đến chiều 28-7 việc cập nhật, tổng hợp vẫn đang tiếp tục…
* Tại Thanh Hóa, chiều 28/7, thông tin từ lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết: Vào rạng sáng cùng ngày, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của cơ quan này đã cứu được 7 ngư dân trên 2 tàu cá bị nạn trên đường vào đất liền tránh trú bão, đồng thời đang khẩn trương tìm kiếm 1 ngư dân bị mất tích khi 2 tàu cá gặp nạn.
Đó là ngư dân Phạm Văn Cường (31 tuổi, ngụ tại hường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn) đi trên tàu cá mang số hiệu TH 90298 TS. Hiện lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương tìm kiếm ngư dân còn mất tích và tìm cách trục vớt tàu TH 90298.
* Tại Ninh Bình, chiều muộn ngày 28/7, ông Vũ Nam Tiến- Giám đốc Sở NNPT&NT tỉnh Ninh Bình cho biết: Hiện nay, các huyện, thành phố đang tập trung khắc phục hậu quả do bão số 1 gây ra.
Chưa có con số thống kê chính thức nhưng bão số 1 càn quét qua Ninh Bình vào đêm 27 rạng ngày 28/7 giật cấp 9, 10, có thời điểm giật trên cấp 12 kèm theo mưa lớn đang gây ngập úng trên 36.000ha lúa, hàng nghìn ha hoa màu bị bão vùi dập. Tại nhiều địa phương ở Ninh Bình đang trong cảnh đổ nát do cơn bão tàn phá.
Do lượng mưa lớn diễn ra trên diện rộng, mưa lũ đổ về từ thượng nguồn khiến nước trên các sông Hoàng Long, sông Đáy đang dâng cao khiến cho việc tiêu úng gặp nhiều khó khăn.
* Tại Hà Nội, cũng trong ngày 28/7, thống kê ban đầu cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội có 667 cây xanh đổ gây cản trở giao thông. Trong số này, có 4 cây đổ vào xe ôtô, 2 cây đổ làm 5 xe mô tô bị hư hỏng và 3 cây đổ chắn ngang đường sắt; làm 1 người chết và 5 người bị thương. Ngoài ra, trên địa bàn TP đã có 10 điểm ngập úng, 2 cột điện đổ gãy và 19 nút đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố.
Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng Tại cuộc họp Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra sáng 28/7, ông Trần Quang Hoài- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, khó khăn nhất hiện nay là nhiều địa phương diện tích lúa chưa kịp thu hoạch và mới cấy bị ngập úng do mưa lớn. Ghi nhận những thiệt hại ban đầu, báo cáo cũng chỉ rõ, diện tích lúa bị ngập là khoảng 110.100 ha. Trong số đó, Ninh Bình bị ngập 36.000 ha; Nam Định bị ngập 74.100 ha. Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Cao Đức Phát yêu cầu, các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa do hoàn lưu bão gây ra. Đồng thời các địa phương cần khẩn trương thống kê thiệt hại sau bão để có biện pháp hỗ trợ, đặc biệt phối hợp với ngành điện tổ chức tiêu úng diện tích lúa hoa màu ngập úng. “Mưa sau hoàn lưu bão sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các địa phương ở Trung du và miền núi phía Bắc, vì vậy các địa phương phải đề phòng sạt lở đất, lũ quét, quản lý chặt chẽ các hồ chứa, tiếp tục xả bớt nước đảm bảo an toàn hồ chứa và tính mạng người dân vùng hạ du”, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh. Việt Linh |