Chấn chỉnh kinh doanh du lịch
6 tháng đầu năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 21%. Tuy nhiên, con số này không giúp các DN trong ngành công nghiệp không khói vững tâm, bởi theo họ, nhiều chính sách hiện nay không những không kích cầu tăng trưởng mà thậm chí còn trở thành rào cản, ngăn du khách quốc tế đến Việt Nam.
Trải nghiệm du lịch tại Việt Nam.
Lo ngại lượng khách quốc tế giảm
Những thay đổi trong chính sách về thị thực, thủ tục xuất nhập cảnh, sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh lữ hành (kể cả về khai thác điểm đến lẫn hướng dẫn viên...) đang trở thành những rào cản khiến nhiều du khách nước ngoài “một đi không trở lại” Việt Nam.
Dù Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều điểm hấp dẫn du khách, thế nhưng chỉ vì sự rườm rà trong thủ tục, chính sách đã khiến cho không ít khách du lịch hủy bỏ các tour du lịch trở lại Việt Nam. Trên các trang mạng xã hội, không ít du khách quốc tế đã bày tỏ tâm tư rằng, quá nhiều thủ tục rườm rà, mất thời gian, phí dịch vụ cao… là lý do vì sao Việt Nam ngày càng ít hấp dẫn hơn.
Một facebooker Hàn Quốc đã bày tỏ tâm tư trên mạng xã hội rằng: Thủ tục cấp visa chậm và phức tạp, bất cập về thời gian thị thực, chi phí các dịch vụ tại các điểm du lịch quá cao, đặc biệt, thái độ phục vụ quá thiếu tôn trọng du khách… là những lý do khiến cho du khách này đã đến Việt Nam một lần và không muốn quay trở lại.
Đặc biệt, thời gian gần đây còn xuất hiện tình trạng một số công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên du lịch nước ngoài không phép gây xáo trộn trật tự địa phương. Kết quả kiểm tra của Cục Quản lý xuất nhập cảnh tại các điểm du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng cho biết, có hơn 30 người Hàn Quốc, 20 người Nga và 17 người Trung Quốc đã bị phát hiện và xử lý vì không có giấy phép hành nghề hướng dẫn viên du lịch.
Một trong những nguyên nhân của việc sử dụng hướng dẫn viên nước ngoài là do lượng khách lớn từ các thị trường nói trên, trong khi các công ty du lịch Việt Nam chưa có đủ số lượng hướng dẫn viên hoặc hướng dẫn viên biết tiếng nước ngoài. Do đó, các công ty du lịch có kết hợp giữa đoàn tour với hướng dẫn viên nước ngoài để phiên dịch cho thành viên trong đoàn.
Tổng cục Du lịch đã cùng với các địa phương, phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời xử lý giống như đối với khách du lịch của các thị trường khác.
Trước thực trạng nhộn nhạo của ngành công nghiệp không khói hiện nay, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, những tồn tại, bất cập trong hoạt động kinh doanh lữ hành, quản lý điểm đến,thái độ phục vụ, hướng dẫn viên... cần phải sớm được chấn chỉnh.
Sẽ siết chặt quản lý
Về phía ngành du lịch, ông Tuấn nhấn mạnh đến việc không ngừng nâng cao năng lực của các công ty du lịch Việt Nam, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài, trong đó có thị trường khách Trung Quốc, đáp ứng được về số lượng và chất lượng.
“Ngành du lịch sẽ thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ linh hoạt như tăng cường thông tin tại các điểm đến, có tờ rơi, thuyết minh viên biết tiếng Trung Quốc để hướng dẫn cho du khách Trung Quốc và có các phiên dịch người Trung Quốc đi theo để chuyển tải đúng nội dung thông tin” – ông Tuấn cho hay.
Riêng với những vấn đề phát sinh trong hoạt động du lịch đối với thị trường Trung Quốc thời gian qua, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, khách nói tiếng Hoa là một thị trường quan trọng của Việt Nam, do đó chúng ta không nên kỳ thị. Du lịch không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.
Theo ông Tuấn, ngành du lịch sẽ phối hợp với các địa phương quản lý chặt hơn các doanh nghiệp lữ hành đưa đón khách quốc tế. Kiên quyết không để tình trạng lữ hành không đủ năng lực đón khách gây ra tình trạng lộn xộn như thời gian qua.
Liên quan đến thủ tục cấp thị thực (visa) và các chính sách khác liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của Việt Nam đối với du khách, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết: Không có thay đổi, gây khó khăn cho du khách hay DN du lịch. Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch vẫn tiếp tục cùng cơ quan liên quan rà soát các thủ tục, nếu có điểm chưa phù hợp sẽ điều chỉnh nhằm tạođiều kiện thuận lợi hơn trong việc cấp visa cho khách du lịch.