Bão số 1 quật đổ một ‘cụ’ xích tùng trên Yên Tử
Do ảnh hưởng của cơn bão số 1 tại Quảng Ninh, trên núi Yên Tử, TP Uông Bí một cây xích tùng cổ đã bị đổ gục.
“Cụ tùng” trên Yên Tử bị bão số 1 quật ngã vào ngày 28/7.
Vị trí cây Xích tùng cổ khoảng 700 năm tuổi này bị gió bão đánh bật gốc, nằm bẹp xuống cánh rừng Yên Tử là ở gần ga cáp treo số 3.
Như vậy, trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng xích tùng cổ trên danh thắng Yên Tử chết đã lên tới con số 19 đều do “tuổi cao, sức yếu”.
Theo Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, hiện trên Yên Tử còn khoảng 236 cây tùng cổ, phân bố tập trung ở Đường Tùng, Am Dược, chùa Hoa Yên… ở độ cao trên 300 m lên đến 750 m.
Ngoài 19 cây chết, còn có 131 cây thân, gốc bị mục rỗng một phần, cụt ngọn, thân nghiêng, sâu bệnh hại nặng...
Riêng Đường Tùng cổ thụ có 69 cây thì 7 cây đã chết đứng, 51 cây bị mục rỗng thân, gốc và sâu bệnh hại.
Nhằm cứu chữa cho những di sản sống quý hiếm này, các chuyên gia đã “khám bệnh” cho các “cụ” xích tùng và đã đưa ra các giải pháp “chữa trị”.
Các điểm chùa, am, tháp của Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, TP Uông Bí (Quảng Ninh) đều nằm xen giữa Rừng quốc gia Yên Tử.
Nhiều loài cây gắn liền với các giá trị văn hoá tâm linh của di tích cũng được nhiều người biết đến, như xích tùng, trúc, mai vàng, cây đại cổ.
Nay thì mai vàng đã và đang được nhân rộng, trúc vẫn tự nhiên sinh sôi nơi đất Phật, chỉ có xích tùng, loài cây vốn được nhắc đến sớm nhất ở đây, đã sống và hút linh khí của trời đất 7 thế kỷ đã qua trên đất Phật và gắn liền với lịch sử vô cùng rực rỡ, oai hùng của dân tộc, được mọi người đều gọi “cụ tùng” thì vẫn đang từng ngày đối mặt với nguy cơ xâm hại, chờ cơ hội được “hồi sinh”.